Hàng loạt công trình trọng điểm của TP HCM đang có nguy cơ bị ngưng trệ bởi điệp khúc "vướng giải phóng mặt bằng".
Vướng 21 hộ dân chưa di dời, cầu Hoàng Hoa Thám "treo" gần 10 năm. Ảnh: Lê Hưng. |
Hàng loạt công trình trọng điểm của TP HCM đang có nguy cơ bị ngưng trệ bởi điệp khúc "vướng giải phóng mặt bằng".
Theo Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, dự kiến quý II năm nay khởi công xây dựng tuyến đường trên. Tuy nhiên, đến nay đã sang quý III, dự án chưa thể khởi công vì chưa có mặt bằng.
Thi công 2 tháng, nhận được 1% mặt bằng
Tuyến đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây có tổng vốn đầu tư trên 930 triệu USD, là một phần của hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam. Khi hoàn thành, con đường này sẽ có các chức năng: rút ngắn đường từ TP HCM đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng thời thúc đẩy sự hình thành cụm cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai), chia sẻ bớt một phần áp lực phát triển cho sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM.
Do tầm quan trọng của dự án, trước đó, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương phải bàn giao mặt bằng để khởi công dự án vào tháng 6, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa nhận được một phần đất nào. “Mọi điều kiện cho việc khởi công dự án đã được chuẩn bị. Bây giờ, cái cần nhất là sự chung tay của lãnh đạo TP HCM và Đồng Nai để đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải tỏa, sớm bàn giao mặt bằng cho chúng tôi”, đại diện VEC kiến nghị.
Một dự án trọng điểm khác là dự án mở rộng liên tỉnh lộ 25B. “Cõng” trên mình hàng nghìn lượt xe container mỗi ngày nhưng con đường trên rất nhỏ hẹp (chỉ rộng khoảng 8 m) nên gây kẹt xe liên tục trên suốt tuyến ra vào cảng Cát Lái (quận 2).
Đáng nói, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng này chiếm gần hơn 80% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu ở phía Nam. Do đó, UBND TP HCM đã chỉ đạo phải khởi công dự án vào tháng 5. Nhưng đến nay, ngoài cầu Giồng Ông Tố (một hạng mục của dự án) đã được khởi công, tất cả hạng mục còn lại đều đang ngóng… mặt bằng.
Đại diện chủ đầu tư, ông Dương Quang Châu, Phó giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật (CII), tỏ ra khá lo lắng, nói: “Mặt bằng là vấn đề bức xúc nhất hiện nay. Giai đoạn 2 của dự án cần khoảng 30 ha mặt bằng nhưng đến nay chúng tôi mới nhận được 0,25 ha - chưa đầy một phần trăm. Sắp tới khi thông xe cầu Phú Mỹ, áp lực trên trục đường này sẽ càng lớn. Vì vậy, cần bàn giao mặt bằng sớm để chúng tôi khởi công xây dựng”.
Ngoài ra, công trình xây dựng cầu Hoàng Hoa Thám nhằm giảm ùn tắc trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1 và quận Bình Thạnh) cũng đang gặp trở ngại do chưa có mặt bằng để thi công. Theo chủ đầu tư công trình, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 TP HCM, phần cầu phía quận Bình Thạnh đã cơ bản hoàn tất, nhưng việc thi công phần mố và đường dẫn phía quận 1 đang bị ách lại do vướng 21 hộ dân chưa di dời.
Trước đó, quận này đã cam kết sẽ bàn giao mặt bằng trước tháng 6, nhưng đến nay vẫn chưa bàn giao, nên án bị “treo” từ 10 năm nay sẽ tiếp tục có nguy cơ “treo” tiếp vì vướng giải tỏa.
Trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương?
Để giải đáp một phần bài toán mặt bằng tại các dự án giao thông, tháng 10/2007, Chính phủ đã chỉ đạo tách hạng mục giải phóng mặt bằng thành tiểu dự án và giao cho chính quyền địa phương phụ trách. Tuy nhiên, theo sở GT-VT TP HCM, do đơn giá về tính bồi thường nhà đất dù đã được điều chỉnh nhưng không theo kịp biến động của thị trường, dẫn đến khiếu nại kéo dài.
Thực trạng này đã ảnh hưởng lớn đến việc đền bù, giải tỏa, là nguyên nhân chính làm trì trệ, kéo tiến độ nhiều dự án. Với các trường hợp chậm giải tỏa, Sở GT-VT TP HCM cho biết đều chỉ đạo chủ đầu tư và nhà thầu có mặt bằng đến đâu phải triển khai thi công đến đó.
Không tán thành phương án này, ông Phan Phùng Sanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP HCM, cho rằng chỉ nên khởi công dự án khi đã hoàn tất cơ bản giải phóng mặt bằng (khoảng 70 - 80%).
“Chưa có mặt bằng mà đã khởi công thì cầm chắc chậm trễ tiến độ. Ngoài ra, còn lãng phí nhân công, phương tiện thi công do phải nằm chờ mặt bằng. Quan trọng nhất là phải nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, các ban bồi thường, giải phóng mặt bằng trong việc đảm bảo tiến độ giải tỏa. Thời gian qua, nhiều trường hợp quận, huyện hứa hẹn, cam kết thời điểm hoàn tất giải phóng mặt bằng rất hùng hồn, thế nhưng khi dự án khởi công xong thì lại án binh bất động vì không có mặt bằng”, ông Sanh nhận định.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt