Chậm chuyển đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp

Cập nhật 05/06/2010 16:20

Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có buổi làm việc với Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân Thành phố về thống kê tình hình quy hoạch và sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố.


Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có buổi làm việc với Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân Thành phố về thống kê tình hình quy hoạch và sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

Tại cuộc làm việc này, báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trong năm năm qua, quỹ đất nông nghiệp của thành phố giảm 2.204ha, hiện còn 121.313ha. Mức độ chuyển sử dụng đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp chỉ đạt 23% kế hoạch, đến cuối năm 2008 vẫn còn 7.500ha chưa chuyển sang mục đích phi nông nghiệp như kế hoạch.

Nguyên nhân chủ yếu của việc chuyển đổi chậm kế hoạch này là do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế và thị trường bất động sản bị suy giảm, làm chậm tiến độ triển khai các dự án lớn như khu đô thị, khu công nghiệp và dự án hạ tầng giao thông đô thị.

Nhưng nguyên nhân chính là do số liệu thống kê trên cơ sở hiện trạng sử dụng đất, kể cả trường hợp đã có quyết định thu hồi đang trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng cũng được thống kê vào diện tích đất nông nghiệp, nên thực tế đất nông nghiệp ít hơn nhiều so với số liệu thống kê.

Chỉ trong một vài năm tới, khi việc bồi thường giải phóng mặt bằng đã hoàn tất thì phần diện tích đất nông nghiệp trong các dự án này sẽ chuyển sang đất xây dựng. Hiện một số dự án lớn đã có quyết định thu hồi giao đất và nhà đầu tư đang triển khai đầu tư là Khu đô thị mới Thủ thiêm, Khu Bình Quới - Thanh Đa, Khu đô thị Tây Bắc, Khu công nghiệp Tân Phú Trung, Khu Y tế kỹ thuật cao, Khu Đại học quốc gia….

Hiện Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang kiến nghị Chính phủ cho phê duyệt quỹ đất nông nghiệp của thành phố đến năm 2020 tiếp tục giảm 40.000ha so với hiện nay, tức là còn 82.000ha.

Cũng theo Sở Tài nguyên-Môi trường Thành phố, trong năm năm qua, việc tăng diện tích đất lâm nghiệp cũng triển khai chậm, đất lâm nghiệp mới tăng khoảng 507ha so với năm 2005, đạt khoảng 26%; đất rừng phòng hộ trong Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ tăng khoảng 500ha, đất rừng kinh tế không thay đổi.

Nguyên nhân của việc chưa đạt diện tích trồng rừng là do quỹ đất quy hoạch chủ yếu chuyển từ đất chưa sử dụng sang trồng rừng kinh tế để khai thác quỹ đất đồng thời Nhà nước chưa có chính sách khuyến khích người dân và các tổ chức đầu tư cho phát triển rừng kinh tế.

Như vậy, đất nông nghiệp của thành phố đang giảm dần diện tích để đáp ứng cho yêu cầu xây dựng và phát triển đô thị là một thực tế trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố vẫn còn một bộ phận đáng kể dân cư sống bằng sản xuất nông nghiệp.

Do vậy, Sở Tài nguyên - Môi trường Thành phố cho rằng, cần thiết phải tiếp tục duy trì và ổn định một quỹ đất nông nghiệp nhằm đảm bảo mục tiêu cung cấp một phần thực phẩm sạch, tươi sống và những sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho thành phố cũng như giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo sự phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, chống ngập.

DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+