Cầu vượt là hậu quả của quy hoạch thiếu tầm nhìn

Cập nhật 09/05/2013 09:07

Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, cầu vượt thép là hậu quả phải trả cho việc quy hoạch thiếu tầm nhìn, đi sau phát triển tại các thành phố lớn.

Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, cầu vượt thép là hậu quả phải trả cho việc quy hoạch thiếu tầm nhìn, đi sau phát triển tại các thành phố lớn.

Hà Nội và TP. HCM đang “chạy đua” xây dựng cầu vượt thép giải quyết ùn tắc giao thông, chỉ trong vòng 1 năm qua, Hà Nội đã thần tốc hoàn thành và đưa vào sử dụng 5 cầu vượt thép, và ít tháng tới sẽ có thêm 2 cầu nữa đưa vào sử dụng, với tổng số vốn cho 7 cầu này lên hơn 1.527 tỷ đồng.

Với TP. HCM, đã có 3 cầu vượt thép đưa vào sử dụng, và 3 cầu thép khác đang được khẩn trương xây dựng, với tổng số vốn cũng gần ngưỡng 2.000 tỷ đồng, thành phố này lên quy hoạch xây dựng tổng cộng 15 cầu vượt thép, với tổng số vốn dự kiến khoảng 6.522 tỷ đồng. Tổng số vốn xây dựng cầu vượt thép của 2 thành phố lớn nhất nước là hơn 8.000 tỷ đồng, gần bằng vốn đầu tư đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (8.974 tỷ đồng).

Cầu vượt thép tại nút giao Chùa Bộc - Tây Sơn - Thái Hà (Hà Nội).

Để tới tình cảnh này theo các chuyên gia giao thông là do tầm nhìn quy hoạch giao thông tại các đô thị lớn quá kém, manh mún, ứng phó và chạy theo phát triển.

Đồng tình với việc xây dựng cầu vượt thép để giải quyết ùn tắc giao thông trương mắt, tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải (Đại học Giao thông vận tải Hà Nội) cho rằng, việc làm này là để giải quyết hậu quả của tầm quy hoạch giao thông.

“Nếu quy hoạch từ trước, từ lâu rồi thì đâu bị đặt vào trường hợp như hôm nay. Như tôi đố bạn tìm thấy ùn tắc ở khu quận Ba Đình, Hai Bà Trưng (Hà Nội), đấy là khu vực do người Pháp quy hoạch đường theo ô bàn cơ, có bao giờ tắc đâu. Chỉ tội về sau Hà Nội phát triển theo kiểu vết dầu loang, quy hoạch theo không kịp nên mới có chuyện tắc đường”, TS. Thụ đánh giá.

Còn ở TP. HCM, TS. Thụ phân tích: “Như khu chợ Bến Thành cũng đồng chứ, nhưng có mấy khi tắc, cùng lắm chỉ ùn lúc rồi hết, chứ không tắc”.

Theo TS. Thụ, quy hoạch giao thông là phải tầm nhìn hàng trăm năm, chứ không phải một năm. “Giờ xảy ra cơ sự này thì để đỡ ùn tắc bắt buộc phải làm cầu vượt, mà làm cầu vượt thì trông lô nhô, đẹp thì không thể đẹp được, ai có nhà ở bên cạnh cầu cũng chỉ muốn đập cầu đi. Nhưng thôi, phải chấp nhận chứ làm sao được”, TS. Thụ nói.

Đồng tình với quan điểm trên, Kiên trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội (nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội) cho hay: “Việc làm cầu vượt thép là cần thiết, vì giờ chúng ta đang quá độ, trước đã quy hoạch tầm nhìn chưa tốt, nên giờ phải khắc phục. Nước ta chưa hoàn thiện hệ thống giao thông theo cấu trúc đô thị thì phải làm cầu vượt để tận dụng không gian, giải quyết ùn tắc, nhiều nước cũng phải làm thế”.

Nhưng vấn đề, theo ông Nghiêm, là ta sử dụng cầu vượt tạm tới thời hạn nào, và tầm nhìn giải quyết cái tạm để tránh sau này mâu thuẫn và lãng phí giữa cái ổn định lâu dài và cái tạm thời, đấy là cái tồn tại lớn nhất cần đặt ra.

“Vừa qua có một số cầu vượt cho người đi bộ đã phải dỡ bỏ, di dời dù mới sử dụng được một thời gian ngắn để nhường không gian làm cầu vượt cho phương tiện. Đấy là cái chứng tỏ hạn chế tầm nhìn. Cái tạm là cần thiết còn quy hoạch là cái lâu dài”, ông Nghiêm dẫn chứng.

Về việc xây dựng đường Vành đai 3 Hà Nội trên cao, cả ông Thụ và ông Nghiêm đều đồng tình với việc xây dựng đường này, vì làm đường trên cao sẽ không gặp phải các nút giao cắt, vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa không mất thời gian đợi đèn để được đi. Đồng thời là đường nối thông Nam và Bắc Hà Nội.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt