Các hộ dân có nhà lún, nứt, sập ở khu vực cầu Văn Thánh buộc phải trưng ra chứng từ mới được xem xét đền bù. Liệu có làm khó dân?
Các hộ dân có nhà lún, nứt, sập ở khu vực cầu Văn Thánh buộc phải trưng ra chứng từ mới được xem xét đền bù. Liệu có làm khó dân?
"Sự thật sờ sờ ra đó"
Ông Nguyễn Trung Thịnh (31C/1 Ngô Tất Tố, phường 22, quận Bình Thạnh) đã rất bức xúc với yêu cầu này. Ông Thịnh cho biết vào năm 2002, sau khi nhà ông sập hoàn toàn do thi công cầu Văn Thánh 2, ông đã xin chính quyền địa phương xây dựng lại căn nhà.
Trước thực tế “có nhà nhưng không thể ở”, UBND phường 22 đã chấp thuận với yêu cầu phải sửa chữa đúng với diện tích và kết cấu như căn nhà đã hư hỏng. Sau 3 tháng, căn nhà của ông Thịnh được sửa xong và gia đình dọn về ở cho đến nay.
Thế nhưng trong cuộc tiếp xúc mới đây với các đơn vị liên quan, khi yêu cầu đơn vị đã gây ra thiệt hại cho những hư hỏng của căn nhà đã sập trước đó, ông Thịnh đã phát cáu vì đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Công ty TNXP TP.HCM (BQLDA TNXP) luôn đòi hỏi bản vẽ sửa chữa, bảng dự toán, chứng từ.
Trong khi đó, theo ông Thịnh, địa phương đã đồng ý cho gia đình ông sửa nhà, tức là đã có bằng chứng xác thực. “Chúng tôi đã đưa ra bản vẽ hiện trạng nhà cũ trước khi sập, họ lại yêu cầu đưa thêm bảng dự toán. Họ làm khó dân để chạy làng hay sao? Dân chúng tôi nghèo làm gì biết đến những thủ tục bài bản như vậy?” - ông Thịnh nói.
Anh Ngô Văn Phú (31C Ngô Tất Tố) cũng lâm vào tình thế tương tự. “Họ đã làm nhà chúng tôi hư hỏng, nay lại bắt người dân chứng minh những hư hỏng mà họ gây ra trong khi sự thật hiển nhiên đó đã được cơ quan chức năng thừa nhận qua nhiều văn bản. Có phải là chiêu thức tìm cách né trách nhiệm? Sự thật sờ sờ ra đó, họ không biết hay cố tình không biết?” - anh Phú lập luận.
Năm 2001, trong quá trình xây dựng cầu Văn Thánh 2, nhà dân gần cầu đã bị lún, nứt, sập. Trước thực trạng đó, UBND quận Bình Thạnh ra văn bản số 1638/UB ngày 14/5/2002 yêu cầu Công ty TNXP và UBND phường 22 phối hợp cùng Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn giám định để có biện pháp khắc phục, đồng thời bố trí chỗ ở tạm hoặc cấp kinh phí thuê nhà cho các hộ dân.
Liên tiếp những năm sau đó, UBND TP.HCM ra văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ đền bù thiệt hại cho người dân tại khu vực cầu Văn Thánh 2.
Tuy nhiên nhà thầu thi công là Tổng Công ty Xây dựng số 6 trả lời bằng văn bản đối với các hộ dân yêu cầu đền bù là thi công đúng kỹ thuật, đúng thiết kế nên không có trách nhiệm bồi thường. Còn chủ đầu tư là Công ty TNXP thì lái trách nhiệm qua nhà thầu thi công. Trái bóng trách nhiệm được đá qua, đá lại cho nhau.
Quy định cứng nhắc?
Thống kê mới nhất của BQLDA Công ty TNXP, hiện nay cho thấy đã có 57 hộ dân được xác nhận có nhà chịu ảnh hưởng do thi công cầu Văn Thánh 2.
Theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP.HCM, chủ đầu tư dự án đã tiếp xúc với 57 hộ dân này. Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc BQLDA Công ty TNXP, trong các buổi tiếp xúc, tuy có mặt hai đại diện của Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6 nhưng những đại diện này không chịu ký trong biên bản tiếp xúc với các hộ dân.
Nhà dân sập do thi công cầu Văn Thánh 2.
Theo Trần Duy - Vietnamnet