Cầu Thủ Thiêm 2, 3, 4 gấp rồi ngưng

Cập nhật 20/10/2009 08:20

Sau khi cầu Thủ Thiêm 1 đã được thông xe từ năm 2008, theo quy hoạch giao thông của TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt tháng 1-2007, đến năm 2020, trên sông Sài Gòn từ thượng lưu...

Cầu vượt, nút giao cầu Thủ Thiêm 1 sẽ hoàn thiện trong năm 2010 sẽ phát huy tác dụng của cầu Thủ Thiêm 1 nhưng rất cần có thêm cầu Thủ Thiêm 2, 3 và 4. Ảnh: Lưu Đức

Thành phố thay đổi ý kiến, nhà đầu tư “nguội lạnh”.

Sau khi cầu Thủ Thiêm 1 đã được thông xe từ năm 2008, theo quy hoạch giao thông của TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt tháng 1-2007, đến năm 2020, trên sông Sài Gòn từ thượng lưu đến hạ lưu sẽ phải xây thêm 16 cầu và hai hầm, trong đó có các cầu Thủ Thiêm 2, 3 và 4.

Thay nhà đầu tư

Sau khi có quy hoạch trên, vấn đề sớm xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, 3 và 4 trở thành “điểm nóng”. Đầu năm 2008, UBND TP giao giám đốc Sở Giao thông Công chính (nay là Sở GTVT) làm việc với các nhà đầu tư quan tâm đến các dự án xây dựng các cầu trên, đề xuất trình UBND TP chỉ định danh sách các nhà đầu tư có đủ năng lực và kinh nghiệm để có thể khởi công xây dựng vào đầu năm 2009 và hoàn thành cuối năm 2010.

Ngay sau đó, Sở Giao thông Công chính và các sở, ngành thống nhất xác định vị trí ba cây cầu. Cụ thể, cầu Thủ Thiêm 2 bắt đầu từ đường Tôn Đức Thắng, quận 1; cầu Thủ Thiêm 3 bắt đầu tại khu vực đường Tôn Đản, quận 4; cầu Thủ Thiêm 4 sẽ được xác định vị trí cụ thể sau nhưng sẽ nối với đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7.

Tháng 3-2008, UBND TP.HCM chấp thuận giao ba đơn vị xây dựng ba cây cầu trên. Cụ thể, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) “lãnh” cầu Thủ Thiêm 2; Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII) làm cầu Thủ Thiêm 3 và Tổng Công ty Xây dựng số 1 - Bộ Xây dựng (CC1) xây dựng cầu Thủ Thiêm 4. Phương thức xây dựng ba cầu này là đổi đất lấy hạ tầng. Liền đó, đại diện CC1 đánh tiếng sẽ hợp vốn với bảy công ty xây dựng khác để xây cả ba cầu.

Đến đầu tháng 3-2009, các sở, ngành lại có ý kiến thống nhất với Sở GTVT về việc giao Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ (PMC) nghiên cứu xây dựng cầu Thủ Thiêm 3. Lý do thay đổi chủ đầu tư là bởi CII đang “ôm” quá nhiều dự án nên không thể kham nổi việc làm cây cầu có tổng mức đầu tư dự tính hơn 1.500 tỷ đồng này.

Trước tình thế có nhiều nhà đầu tư cùng muốn tham dự vào việc xây dựng ba cây cầu, UBND TP phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư chứ không thể phân công, chỉ định hoặc giao thầu. Đến nay, phương án, cơ chế, cách thức tổ chức đấu thầu vẫn chưa có!

Dự tính mời nước ngoài, thi thiết kế


Năm 2008, sau khi xác định được vị trí và “nhắm” chọn được các nhà đầu tư, các cơ quan chức năng thống nhất cơ bản về kết cấu, chiều dài (trên 1.250 m), tĩnh không thông thuyền (trên 10 m) của ba cầu tương tự như cầu Thủ Thiêm 1. Theo đại diện Ban quản lý dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, độ tĩnh không cao 10 m nhằm tạo không gian thân thiện giữa khu trung tâm hiện hữu với khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT, cho biết TP sẽ kiến nghị Bộ GTVT và Thủ tướng chấp thuận xây dựng các cầu Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn đều có độ tĩnh không cao 10 m.

Liền đó, nhiều ý kiến đã lưu ý rằng đến sau năm 2020 mới di dời hết cụm cảng biển nằm từ dưới ngã ba sông Sài Gòn-kênh Đôi (cụm cảng nằm ở quận 7 và huyện Nhà Bè). Như vậy, nếu xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, quận 7 nối quận 2, thì đó phải là cầu dây văng cao trên 37,5 m giống như cầu Phú Mỹ để tàu biển vào ra bình thường.

Tháng 3-2009, các sở, ngành cho rằng cầu Thủ Thiêm 3 ở vị trí rất đẹp và trong kế hoạch điều chỉnh địa giới hành chính TP, sau khi cụm cảng Sài Gòn được di dời, một phần quận 4 sẽ được nhập vào quận 1 để mở rộng trung tâm TP cũ. Khu vực cảng Sài Gòn cũ sẽ trở thành trung tâm tài chính, thương mại, cao ốc và bến tàu khách du lịch đường sông. Vì vậy phải chọn kiến trúc độc đáo cho cầu Thủ Thiêm 3 và nó có thể trở thành biểu tượng trên sông thứ hai của TP sau cầu Phú Mỹ.

Ngay lập tức, lãnh đạo PMC cho biết sẽ mời kiến trúc sư nước ngoài từng thiết kế những cây cầu nổi tiếng để lập kiến trúc, thiết kế cầu Thủ Thiêm 3. Tuy nhiên, UBND TP cho rằng các cơ quan chức năng phải tổ chức thi kiến trúc, thiết kế cho ba cây cầu này để tạo ra sự đa dạng, tránh đơn điệu.

Rồi... tạm ngưng!

Tuy nhiên, trong khi chưa thấy PMC đưa ra thiết kế, kiến trúc cầu Thủ Thiêm 3 và chưa có cuộc thi nào cho cả ba cầu thì giữa năm 2009, UBND TP lại có ý kiến... tạm ngừng triển khai xây dựng các cầu Thủ Thiêm 3 và 4. Lý do: Sắp tới sẽ xây dựng cầu Sài Gòn 2 và cầu Thủ Thiêm 2 nên nếu xây dựng cầu Thủ Thiêm 3 và 4 thì mật độ cầu trên đoạn sông Sài Gòn dài gần 5 km sẽ dày đặc. Mặt khác, quy hoạch bến tàu du lịch tại khu vực cảng Sài Gòn đang được xây dựng, chưa rõ nét nên khó xác định được kết cấu, quy mô, độ cao của cầu Thủ Thiêm 3.

Trước những ý kiến chỉ đạo mới trên, có nhà đầu tư trở nên “nguội lạnh” với cầu Thủ Thiêm 3 và 4.

Cũng theo vị này, nếu cầu Sài Gòn 2, cầu Thủ Thiêm 2 được khởi công xây dựng vào đầu năm 2010 thì cũng phải ba năm nữa mới xong. Trong khi đó, nút giao của cầu Thủ Thiêm 1 ở phía quận Bình Thạnh và đường chui của đường Nguyễn Hữu Cảnh dưới nút giao này phải đến giữa năm 2010 mới hoàn chỉnh. Như vậy trong thời gian tới, gánh nặng giao thông vẫn đè lên cầu Sài Gòn cũ. “Nếu TP quyết đoán hơn trong việc cho xây đồng loạt các cầu vượt sông Sài Gòn thì đến năm 2012 chúng ta sẽ có 5-6 cầu sang quận 2 để đẩy tốc độ phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm lên, thay vì chỉ có cầu Sài Gòn cũ và cầu Thủ Thiêm 1!” - đại diện một nhà đầu tư nói.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP