Cầu thông, dân vui, đường bớt... tắc

Cập nhật 02/09/2010 09:10

Sáng 1-9, người dân TPHCM nô nức chạy xe qua “cây cầu thế kỷ” Hoàng Hoa Thám trong niềm hân hoan. Cây cầu này chỉ dài 103 m nhưng phải mất đến 12 năm mới nối được đôi bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Sau 12 năm thi công, sáng 1-9, công trình cầu Hoàng Hoa Thám đã được thông xe đưa vào sử dụng, cải thiện đáng kể tình hình giao thông cho khu vực

Sáng 1-9, người dân TPHCM nô nức chạy xe qua “cây cầu thế kỷ” Hoàng Hoa Thám trong niềm hân hoan. Cây cầu này chỉ dài 103 m nhưng phải mất đến 12 năm mới nối được đôi bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.


Cầu Hoàng Hoa Thám được đưa vào sử dụng sáng 1-9. Ảnh: Tấn Thạnh

Đi trên “cây cầu thế kỷ”

Ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 - Sở GTVT TPHCM, cho biết cầu Hoàng Hoa Thám được khởi công xây dựng từ năm 1998 với số vốn ban đầu 19 tỉ đồng. Trải qua hơn 10 năm, tổng vốn đã “đội” lên 155,571 tỉ đồng. Theo ông Thắng, việc đưa vào sử dụng cầu Hoàng Hoa Thám sẽ kết nối giao thông giữa quận 1 - quận 3 với quận Bình Thạnh - quận Phú Nhuận. Việc này có ý nghĩa rất lớn nhằm giảm bớt áp lực giao thông phức tạp của khu vực Đinh Tiên Hoàng - Hai Bà Trưng - Võ Thị Sáu - Trần Quang Khải - Nguyễn Hữu Cầu.

Ông Trần Danh Truyền (60 tuổi, ngụ số 80 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1) sống ở khu vực này từ nhỏ, xúc động nói: “Rốt cục thì việc xây cầu cũng xong, khu này trở nên khang trang, đẹp hẳn ra. Tôi rất mừng vì sau bao nhiêu năm chờ đợi, chúng tôi không còn phải chịu cảnh ùn tắc giao thông nữa. Riêng tôi và đứa cháu gái 3 tuổi cũng có chỗ dạo chơi”. Không đi nổi nữa, cụ bà Trần Thị Kim Ngọc (75 tuổi) và cụ bà Võ Thị Tư (80 tuổi) cùng nhau ngồi ngắm cây cầu. Cụ Ngọc cứ cười mãi: “Dân ở đây ai cũng mừng chứ không riêng gì tôi. Lúc còn chỏng chơ mấy cái trụ, cả người và súc vật cứ đến đây phóng uế hôi thối lắm. Bây giờ cầu đã xây xong, khu này sạch đẹp hẳn lên. Tối hôm qua, người dân lên cầu dạo mát đông lắm”.

Nhân dịp này, Sở GTVT cũng tổ chức phân luồng giao thông khu vực. Theo đó, trên đường Nguyễn Hữu Cầu (quận 1), ô tô lưu thông một chiều theo hướng từ đường Trần Quang Khải đến đường Hai Bà Trưng. Trên đường Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh), ô tô cũng lưu thông một chiều theo hướng từ đường Phan Đăng Lưu đến đường Phan Xích Long. Phần đường dân sinh dọc hai bên hông cầu Hoàng Hoa Thám (phía quận 1 và quận Bình Thạnh) tổ chức lưu thông cùng chiều với hướng lưu thông của phương tiện lên hoặc xuống cầu Hoàng Hoa Thám.

Gỡ rối giao thông khu vực Bình Triệu

Một cây cầu nữa không kém phần quan trọng trong giao thông TP là cầu Bình Triệu 1 (cầu Bình Triệu cũ). Cây cầu này cũng sẽ được đưa vào sử dụng từ ngày 4-9 sau 15 tháng sửa chữa, nâng cấp. Tuy không phải là “gương mặt mới” như cầu Hoàng Hoa Thám, cầu Bình Triệu 1 đã có từ những năm 60 của thế kỷ trước, đóng vai trò rất quan trọng ở cửa ngõ phía Đông Bắc TP đi các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Nguyên. Qua gần 50 năm sử dụng, cầu Bình Triệu 1 xuống cấp nghiêm trọng, tải trọng an toàn chỉ còn khoảng 10 tấn và thường xuyên bị hàng đoàn xe quá tải “đè oằn lưng”. Vì vậy, UBND TP đã đồng ý cho Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP (CII) sửa chữa, nâng cấp cầu Bình Triệu 1 trước. Ông Dương Quang Châu, Phó Giám đốc Đầu tư kinh doanh của CII, cho biết cầu Bình Triệu 1 đã được tăng khả năng chịu tải lên 32,5 tấn, tương đương với các cầu mới xây dựng. Hiện cầu Bình Triệu 1 có 2 làn ô tô (rộng 7 m) và 1 làn xe máy (rộng 3,5 m), hoàn toàn đáp ứng được khả năng tăng lưu lượng xe cho 20 năm tới.

Song song đó, việc thay thế khe co dãn và sửa chữa phần đường đầu cầu của cầu Bình Triệu 2 cũng hoàn thành vào ngày 4-9. Như vậy, với việc đưa vào sử dụng tiếp tục hai cây cầu cửa ngõ này, giao thông khu vực Xô Viết Nghệ Tĩnh - Đinh Bộ Lĩnh - Quốc lộ 13 - Kha Vạn Cân sẽ thông suốt hơn hiện tại rất nhiều.

“Lý lịch” cầu Hoàng Hoa Thám

Khởi công năm 1998, một năm sau đó hàng loạt sự cố ở công trình cầu Hoàng Hoa Thám bị phát hiện như: tĩnh không cầu quá thấp, chất lượng bê tông ở cọc khoan nhồi không đồng nhất, cường độ bê tông thấp hơn so với thiết kế... nên dự án bị ngừng thi công để điều chỉnh. Đến năm 2006, UBND TP giao cho Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư thay cho chủ đầu tư trước đó là Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Bình Minh. Tuy nhiên đến tháng 10-2009, dự án tiếp tục bị ngừng thi công do vướng mặt bằng. Đến tháng 4-2010, công trình này mới tiếp tục “chạy”.


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động