Cầu phải chờ đường

Cập nhật 12/10/2009 14:10

Cuối tuần rồi, đốt dầm cuối cùng đã được lắp đặt để nối liền hai đầu cầu Cần Thơ. Với tiến độ hiện nay, dự kiến cầu Cần Thơ sẽ hoàn thành vào cuối tháng 3-2010. Cầu chính sắp xong...

Cầu Cần Thơ đã được nối liền, nhưng đường dẫn ỡ hai đầu vẫn còn rất ngổn ngang. Ảnh: Hồ Hùng.

Cuối tuần rồi, đốt dầm cuối cùng đã được lắp đặt để nối liền hai đầu cầu Cần Thơ. Với tiến độ hiện nay, dự kiến cầu Cần Thơ sẽ hoàn thành vào cuối tháng 3-2010. Cầu chính sắp xong, nhưng để thông xe thì phải nơm nớp chờ đường dẫn.

Cầu xong, đường chưa có!

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, tính đến đầu tháng 10 này, gói thầu số 2 (phần cầu chính) đã thi công đạt 95,7%. Còn phần đường dẫn hai bên bờ sông Hậu, gói thầu số 1 (do các tổng công ty xây dựng trong nước là Thăng Long, Cienco 6, Cienco 8 thi công) đã đạt 96,03%, các cầu trên tuyến này cũng đang được thi công phần mặt cầu... Tuy nhiên, gói thầu số 3 (do Tổng công ty Xây dựng Trung Quốc thi công) chỉ mới đạt 75,41%.

Gói thầu số 3 là đoạn đường dẫn phía bờ Cần Thơ, dài 7,69 ki lô mét, trong đó có sáu chiếc cầu. Vào tháng 8-2009, Tổng công ty Xây dựng Trung Quốc đã bị cho ngưng hợp đồng thi công phần đường và chỉ làm tiếp phần cầu, do thi công quá chậm.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (PMU Mỹ Thuận), chủ đầu tư dự án cầu Cần Thơ, đã nhiều lần nhắc nhở về tiến độ thi công gói thầu số 3, nhưng công trình chậm vẫn chậm. Cụ thể, vào giữa tháng 6-2009, gói thầu này mới đạt 69,2% khối lượng công việc, nhưng nhà thầu vẫn cam kết sẽ thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào cuối tháng 8 và hoàn tất dự án vào cuối năm 2009. Kết quả, qua gần bốn tháng, nhà thầu này chỉ thi công được thêm 6,21% khối lượng công việc!

Theo kế hoạch, thời gian thi công gói thầu này dự kiến chỉ trong vòng 45 tháng. Thế nhưng cùng được khởi công từ tháng 9-2004, và dù gói thầu số 2 phải gián đoạn gần một năm vì sự cố sập nhịp dẫn, nhưng rốt cuộc gói thầu số 3 vẫn đủng đỉnh và tụt hậu...

Dự kiến cầu Cần Thơ sẽ được thông xe vào tháng 3-2010 nhưng với tiến độ thi công gói thầu số 3, không ít người cho rằng, khó tránh được tình trạng cầu chờ đường, bởi đến đầu tuần này, theo tin trên báo Tuổi Trẻ ngày 5-10, phần đường dẫn của gói thầu này mới được giao cho Công ty cổ phần Thương mại ô tô thuộc Bộ Giao thông Vận tải.

Điều đáng nói là tình trạng cầu xong, nhưng đường dẫn chưa xong lại không phải là điều hiếm. Mới đây, cầu Phú Mỹ ở TPHCM, nối quận 2 với quận 7, có kinh phí xây dựng lên đến 2.077 tỉ đồng, đã được thông xe nhưng vẫn chưa thể phát huy hiệu quả như mong muốn bởi các dự án đường dẫn kết nối chưa hoàn thành. Đến nay, cầu chỉ cho xe hai bánh, xe ô tô nhỏ qua, còn xe tải nặng, xe container muốn qua cầu, có thể phải chờ đến cuối năm, khi các dự án đường kết nối hoàn thành.

Trước đó, cầu Thủ Thiêm cũng không thể phát huy ngay hiệu quả vì phải chờ đường. Còn dự án cầu Đồng Nai, dự kiến cuối năm nay phần cầu chính sẽ xong để... chờ đường, vì dự án làm đường dẫn vẫn đang “lúc lắc” bởi mặt bằng được giao quá chậm.

Lãng phí vì ai?
 

Cầu Cần Thơ với vốn đầu tư khoảng 300 triệu đô la Mỹ, nếu đưa vào sử dụng, theo tính toán hồi năm 2007, mỗi ô tô sẽ tiết kiệm chi phí vận hành 20.400 đồng, giảm mất mát giá trị hàng hóa 12.394 đồng/ô tô và rút ngắn thời gian vượt sông khoảng 20 phút, giúp nông, thủy sản vận chuyển tập trung về TPHCM không bị giảm sút chất lượng nhiều. Bình quân hiện nay, mỗi ngày có 7.000 xe tải, xe khách và gần 60.000 lượt xe gắn máy qua lại bằng phà. Do đó, nếu cầu đưa vào sử dụng chậm vì chờ đường dẫn, con số thiệt hại về kinh tế mỗi ngày lên đến hàng trăm triệu đồng.

Do không phát huy hết hiệu quả, nên ở dự án cầu Phú Mỹ, phía chủ đầu tư sẽ thiệt rất lớn khoản thu phí qua cầu, trong khi phải chịu khoản lãi vay từng ngày. Trong khi đó, “nhiệm vụ” giao lưu hàng hóa tải trọng lớn từ các cảng khu vực cũng chưa được phát huy, giảm ý nghĩa của việc cầu Phú Mỹ hoàn thành vượt kế hoạch bốn tháng.

Còn cầu Cần Thơ với vốn đầu tư khoảng 300 triệu đô la Mỹ, nếu đưa vào sử dụng, theo tính toán hồi năm 2007, mỗi ô tô sẽ tiết kiệm chi phí vận hành 20.400 đồng, giảm mất mát giá trị hàng hóa 12.394 đồng/ô tô và rút ngắn thời gian vượt sông khoảng 20 phút, giúp nông, thủy sản vận chuyển tập trung về TPHCM không bị giảm sút chất lượng nhiều. Bình quân hiện nay, mỗi ngày có 7.000 xe tải, xe khách và gần 60.000 lượt xe gắn máy qua lại bằng phà. Do đó, nếu cầu đưa vào sử dụng chậm vì chờ đường dẫn, con số thiệt hại về kinh tế mỗi ngày lên đến hàng trăm triệu đồng.

Giám đốc một công ty xây dựng ở Cần Thơ cho rằng tình trạng cầu chờ đường vẫn liên tục diễn ra, nguyên nhân chính là do lỗi chủ quan của chủ đầu tư khi chia gói thầu, lựa chọn nhà thầu... thiếu đồng bộ. Cụ thể, ở gói thầu số 3, cầu Cần Thơ, theo một cán bộ ở Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, nhà thầu Trung Quốc có năng lực tài chính hạn chế và năng lực thi công cũng có vấn đề. Trong khi đó, ngoài tuyến đường dẫn, nhà thầu này còn được giao thêm dự án cầu Đầu Sấu, cầu Cái Răng trên quốc lộ 1A (cũng nằm trong nội ô thành phố Cần Thơ), nên năng lực thi công phân tán. Kết quả, hai chiếc cầu trên quốc lộ 1A cũng gặp phải tình trạng thi công “đủng đỉnh”.

Khi thi công, hoạt động giám sát của Ban quản lý dự án kém hiệu quả cũng dẫn đến sự thiếu đồng bộ giữa các gói thầu. Theo quy định của Nhà nước, chia gói thầu để dễ thực hiện dự án, nhưng thực tế cũng dễ làm chủ đầu tư “rối” do phải lựa chọn nhiều nhà thầu, khó tránh rủi ro. “Nhưng cũng theo quy định, chủ đầu tư vẫn có thể xử lý nhà thầu nếu phát hiện thiếu năng lực, hoặc cố tình thi công chậm. Cụ thể, chủ đầu tư có thể phạt, hoặc thay đổi nhà thầu. Nhưng tình trạng thi công không đồng bộ vẫn diễn ra, lỗi trước tiên là do chủ đầu tư “xử lý thiếu kiên quyết và thiếu linh động”, giám đốc một công ty xây dựng nói.

Điều quan trọng là phải nâng cao công tác thẩm định năng lực nhà thầu của chủ đầu tư. Bởi nếu chọn “lầm” nhà thầu thì việc thay đổi sẽ gây tốn kém rất nhiều về thời gian vì phải nghiệm thu phần đã thực hiện, lập kế hoạch giao thầu hoặc tổ chức đấu thầu để thi công tiếp. Như tại Cần Thơ, theo quy định, chỉ riêng phần đấu thầu, phải mất đến 95 ngày để phê duyệt kế hoạch, hồ sơ mời thầu và kết quả đấu thầu, chưa kể thời gian chờ mời gọi, mở thầu... Bên cạnh đó, một nguyên nhân khách quan khác dẫn đến tình trạng cầu chờ đường là tình hình biến động giá vật tư trong thời gian qua.

Ngoài ra, theo ông Võ Thành Sang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ, các quy định trong lĩnh vực này lại được thay đổi liên tục và nếu không cập nhật kịp thời thì chủ đầu tư sẽ gặp khó trong quá trình thực hiện. Ông kiến nghị, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành tham mưu, tổng hợp các quy định có liên quan đến công tác đầu tư, xây dựng cơ bản thành một nghị định, một thông tư thống nhất để thuận tiện trong quá trình triển khai, thực hiện, từ khâu chuẩn bị đầu tư đến quyết toán công trình.

Cầu Cần Thơ với vốn đầu tư khoảng 300 triệu đô la Mỹ, nếu đưa vào sử dụng, theo tính toán hồi năm 2007, mỗi ô tô sẽ tiết kiệm chi phí vận hành 20.400 đồng, giảm mất mát giá trị hàng hóa 12.394 đồng/ô tô. Bình quân hiện nay, mỗi ngày có 7.000 xe tải, xe khách và gần 60.000 lượt xe gắn máy qua lại bằng phà. Do đó, nếu cầu đưa vào sử dụng chậm vì chờ đường dẫn, con số thiệt hại về kinh tế mỗi ngày lên đến hàng trăm triệu đồng.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG