Cầu đường Nguyễn Tri Phương: Mới xong giai đoạn 1 đã nhiều sai phạm

Cập nhật 16/04/2009 08:15

Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Sở GTVT TPHCM bên cạnh việc giảm trừ thanh toán hơn 13,5 tỉ đồng, phải tổ chức kiểm điểm, quy trách nhiệm với các cá nhân có sai phạm trong công tác...

Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Sở GTVT TPHCM bên cạnh việc giảm trừ thanh toán hơn 13,5 tỉ đồng, phải tổ chức kiểm điểm, quy trách nhiệm với các cá nhân có sai phạm trong công tác nghiệm thu khối lượng, áp dụng sai định mức đơn giá...

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có kết luận về dự án cầu đường Nguyễn Tri Phương nối dài tại TPHCM. Theo đánh giá của KTNN, dù dự án chỉ mới xong giai đoạn 1 nhưng đến nay đã thường xuyên ùn tắc, dễ xảy ra tai nạn giao thông...

Phê duyệt một đường, làm một nẻo

Trong vòng 8 năm, từ 1991 đến 1999, sau 7 lần thay đổi chủ đầu tư và 6 lần thay đổi phương án tài chính, đến ngày 10-9-1999, UBND TPHCM ra quyết định đầu tư dự án cầu đường Nguyễn Tri Phương nối dài.

Mục đích của dự án nhằm cải thiện giao thông khu vực quận 5, quận 8, huyện Bình Chánh và hệ thống giao thông trục chính của TPHCM, tạo điều kiện phát triển kinh tế -xã hội trên cả địa bàn.

Trước đó, năm 1997, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phương án thiết kế được lựa chọn là phương án một cầu, nút giao thông khác mức tại đường Hưng Phú và đường Ba Đình, làm cầu vượt tại nút giao thông với đại lộ Nguyễn Văn Linh.

Tuy nhiên, theo KTNN, khi phê duyệt dự án, UBND TP đã không tuân thủ phương án một cầu như Thủ tướng phê duyệt. Hệ quả là phải thiết kế nút giao thông đồng mức tại đường Ba Đình và đường Hưng Phú ở hai đầu cầu, cách giải quyết này dễ gây tai nạn giao thông.

Việc không làm cầu vượt tại nút giao với đại lộ Nguyễn Văn Linh vừa kém về mỹ quan vừa không thuận tiện cho các phương tiện lưu thông tại khu vực này. Đến thời điểm KTNN vào cuộc, nút giao thông Ba Đình đã được dựng rào chắn nhưng chính rào chắn này đã bị các phương tiện giao thông làm hư hại.

Còn cầu Nguyễn Tri Phương và cầu Chánh Hưng phải chịu mật độ giao thông rất cao và thường xuyên bị ùn tắc. Tại nút giao thông với đại lộ Nguyễn Văn Linh, người và phương tiện giao thông vượt qua rất khó khăn.

Đề nghị giảm quyết toán nhiều hạng mục

Dự án cầu đường Nguyễn Tri Phương nối dài được chia làm hai giai đoạn, đến nay chưa đề nghị quyết toán xong giai đoạn 1 nhưng thực tế cho thấy phần hoàn thành đã không đáp ứng được yêu cầu lưu thông. “Nếu làm tiếp giai đoạn 2 thì chi phí đầu tư sẽ rất lớn do chi phí đền bù giải tỏa và xây lắp ngày càng cao” – KTNN nhận định.

KTNN đã đề nghị loại khỏi báo cáo quyết toán hơn 13,5 tỉ đồng. Trong đó, tại hạng mục cầu Chánh Hưng giảm hơn 6,5 tỉ đồng do quyết toán sai khối lượng, sai đơn giá, sai số học. Còn hạng mục đường Nguyễn Tri Phương giảm giá trị quyết toán hơn 5,5 tỉ đồng...

KTNN cũng kiến nghị Sở GTVT TPHCM nghiên cứu, tổ chức lại nút giao thông đường Ba Đình, đường Hưng Phú nhằm bảo đảm thuận tiện và an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Nghiên cứu thiết kế cầu vượt đường Nguyễn Văn Linh và cầu đường Nguyễn Tri Phương giai đoạn 2, sớm có kế hoạch đầu tư nhằm phát huy hiệu quả kinh tế khi kết nối với đại lộ Đông Tây.

Sở GTVT TPHCM phải chỉ đạo Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 (chủ đầu tư dự án) bên cạnh việc giảm trừ thanh toán hơn 13,5 tỉ đồng, phải tổ chức kiểm điểm, quy trách nhiệm với các cá nhân có sai phạm trong công tác nghiệm thu khối lượng, áp dụng sai định mức đơn giá...; rút kinh nghiệm trong việc thực hiện chế độ quy định của Nhà nước đối với vấn đề cung cấp hóa đơn khi quyết toán, công tác ký kết hợp đồng.

Dự án cầu đường Nguyễn Tri Phương nối dài trị giá hơn 253,4 tỉ đồng, có chiều dài 3.072 m, rộng 18,5 m, trong đó có 2 cây cầu, gồm cầu Nguyễn Tri Phương và cầu Chánh Hưng cùng nút giao thông đồng mức với các đường Ba Đình, Hưng Phú và Bình Thuận; nút giao thông khác mức với các đường Hàm Tử, Nguyễn Duy, Phạm Thế Hiển.


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động