Cầu Cần Thơ: Cầu đã nối nhưng đường còn ngổn ngang

Cập nhật 04/10/2009 08:20

9g35 ngày 3-10, cầu Cần Thơ được nối liền trong niềm vui chung của người dân ĐBSCL. Dầm bêtông thép dài 24m, rộng 6m, nặng 75 tấn đã được nâng lên từ sà lan và đặt vừa khít mặt cầu.

Cầu Cần Thơ nối liền hai bờ sông Hậu (ảnh chụp lúc 10g ngày 3-10) - Ảnh: T.T.D.
 

9g35 ngày 3-10, cầu Cần Thơ được nối liền trong niềm vui chung của người dân ĐBSCL. Dầm bêtông thép dài 24m, rộng 6m, nặng 75 tấn đã được nâng lên từ sà lan và đặt vừa khít mặt cầu. Nhiều công nhân đã bước nhanh qua tấm thớt dầm bêtông bằng phẳng, tay bắt mặt mừng không giấu được niềm vui.

Cầu đã liền mạch

4g sáng 3-10, toàn bộ kỹ sư, công nhân của Công ty Nippon Nhật và đội tàu Falcon, Biển Đông đã có mặt để 5g30 cho nâng dầm cầu. Sau hồi còi hiệu lệnh, tàu Falcon 36 nổ máy ra vị trí làm công tác định vị cho sà lan chở dầm cầu đến thả neo. Đúng 6g, sà lan chở dầm cầu thép ra vị trí, sau đó thả bốn neo tại địa điểm cố định và điều chỉnh chính xác vào vị trí nâng dầm cầu đã định.

Đúng 7g30, thiết bị nâng dầm cầu trên mặt cầu Cần Thơ đã được kết nối với dầm cầu tại sà lan. Ngay khi đó thiết bị nâng dầm cầu của Công ty Nippon bằng hai tổ hợp cáp với sức nâng (của mỗi tổ hợp bằng lực chịu được sức nặng khoảng 150 tấn) đã nhấc từ từ dầm cầu lên.
 

Trao đổi với báo chí tại buổi đến thăm và làm việc ở cầu Cần Thơ, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đề nghị ban quản lý dự án phải có biện pháp kiên quyết điều hành tiến độ xây dựng.

Riêng gói thầu số 3, đường dẫn bờ nam cầu Cần Thơ (do Tổng công ty Xây dựng Trung Quốc thi công đang chậm so với kế hoạch) phải có biện pháp xử lý để đẩy nhanh tiến độ. Nếu nhà thầu không đảm bảo tiến độ, có phát sinh phải báo cáo Chính phủ ngay để sớm giải quyết.

Trên mặt cầu và dưới sà lan, công tác phối hợp nâng dầm cầu khá chặt chẽ. Tiếng alô bộ đàm bằng cả hai thứ tiếng Việt - Nhật liên hồi đối đáp. Một kỹ sư trên công trường nói: “Công tác định vị và việc kết nối nâng dầm phải được phối hợp chặt chẽ bằng các thiết bị thông tin, ghi hình với độ chính xác cao”. Công việc nâng dầm cầu diễn ra chuyên nghiệp, đồng bộ và nhịp nhàng.

Sau khoảng hai giờ, dầm cầu thép đã được nâng lên 30m ngang với mặt cầu đặt đúng vào vị trí đã định. Ông Nguyễn Thanh Sơn, phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nói: “Chúng tôi chờ đợi tin vui này từ ba năm qua. Và mong chiếc cầu Cần Thơ này sớm hoàn chỉnh để trong quý 1-2010 có thể thông xe đúng như mơ ước của người dân ĐBSCL”.

Ngay sau khi lắp dầm đốt số 10 vào dầm đốt số 9, các công nhân sẽ kích các đốt dầm sát lại nhau để bắt bulông và hàn nối các đốt dầm thép lại. Tiếp đó, năm ngày sau, các công nhân sẽ tiếp tục kích và nối dầm thép số 10 vào dầm thép số 11. Một cán bộ Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết hiện các kỹ sư và công nhân làm việc có thể đi lại trên cầu từ bờ này sang bờ kia. Cầu Cần Thơ được thiết kế đặc biệt nay đã lắp xong toàn bộ nhịp dầm hộp thép có tổng chiều dài 210m và nặng khoảng 3.000 tấn.

Đường vào cầu còn ngổn ngang

Ông Nguyễn Thanh Sơn nói với Tuổi Trẻ: TP Cần Thơ đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, mọi thứ đã hoàn toàn thuận lợi cho đơn vị thi công. Thế nhưng thực tế tiến độ thi công của gói thầu số 3 đường dẫn vào cầu Cần Thơ (bờ Cần Thơ) vẫn còn rất nhếch nhác. “Chúng tôi đang lo khả năng có cầu nhưng không có đường vào cầu” - ông Sơn nói.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trên đường dẫn bờ nam cầu Cần Thơ từ nút IC3 (đoạn giao giữa cầu với đường dẫn vào cầu ở bờ nam) về phía quốc lộ 1 do Tổng công ty Xây dựng Trung Quốc thi công vẫn còn nham nhở, rất chậm so với kế hoạch.

Theo báo cáo mới đây của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, ban đã giao toàn bộ phần đường dẫn cho một nhà thầu có năng lực của VN thực hiện, còn phần cầu của đường dẫn sẽ để lại cho nhà thầu Trung Quốc thi công. Thông qua Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, ông Sơn cũng cho biết do nhà thầu Trung Quốc không đủ tiềm năng tài chính, chưa huy động được nhân lực cũng như các thiết bị xây dựng cần thiết nên hạn chế trong thi công.


DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO