11 năm trước cây cầu được phê duyệt với tổng mức đầu tư 19 tỉ đồng. Nay đã lên 119 tỉ đồng, nhưng vẫn chưa xong.
11 năm trước cây cầu được phê duyệt với tổng mức đầu tư 19 tỉ đồng. Nay đã lên 119 tỉ đồng, nhưng vẫn chưa xong.
Cầu Hoàng Hoa Thám nối quận 1 với quận Bình Thạnh,TP.HCM có nguy cơ đình trệ thi công vì công tác giải phóng mặt bằng (phía bờ quận 1) quá chậm chạp - Ảnh: M.Đ. |
Theo đơn vị thi công, đến cuối tháng 9, cầu Hoàng Hoa Thám bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) sẽ hoàn tất. Nhưng đến nay cây cầu này vẫn còn hai nhịp mới có thể tiếp đất...
Nguy cơ đình trệ thi công nếu đến đầu tháng 10-2009 công tác giải phóng mặt bằng (phía bờ quận 1) chưa hoàn thành (ảnh chụp chiều 18-9) - Ảnh: Minh Đức |
Theo Khu quản lý giao thông số 1, việc xây dựng cầu Hoàng Hoa Thám nhằm mục đích giải tỏa bớt áp lực xe lưu thông trên cầu Bông cũng như cầu tạm Trần Khánh Dư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông giữa quận Bình Thạnh và quận 1. Với tình hình ùn tắc giao thông như hiện nay, nhu cầu hoàn thành cầu Hoàng Hoa Thám bức thiết hơn lúc nào khác.
Chờ điều chỉnh dự án
Dự án xây dựng cầu Hoàng Hoang Thám trước đây do Công ty Đầu tư phát triển đô thị thuộc Tổng công ty Xây dựng số 1 (Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư. Năm 1998, UBND TP.HCM phê duyệt dự án cầu với quy mô năm nhịp, rộng 14m, dài 100m với tổng mức đầu tư 19 tỉ đồng, trong đó chi phí đền bù giải tỏa tạm tính khoảng 5,4 tỉ đồng, xây lắp 11 tỉ đồng.
Từ năm 1998-2002, Công ty Xây dựng số 8 thuộc Tổng công ty Xây dựng số 1 thi công được một mố và ba trụ cầu. Sau đó, Sở GTVT TP yêu cầu Công ty Đầu tư phát triển đô thị thực hiện điều chỉnh dự án để đảm bảo hành lang an toàn cầu tối thiểu 7m mỗi bên, đồng thời kết nối đường dọc kênh ra đường Trần Quang Khải, nâng tĩnh không cầu vượt lên 2,5m cho thông suốt tuyến đường dọc kênh phía bên dưới. Vậy là từ năm 2003, công trình phải ngưng thi công chờ điều chỉnh dự án.
Điều đáng nói, từ năm 2000-2005, quận 1 chưa giải tỏa được hộ dân nào. Đến tháng 8-2005, UBND TP giao cho Khu quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư. Lúc này Khu quản lý giao thông đô thị số 1 mới phối hợp với UBND quận 1 xúc tiến đền bù giải tỏa, chọn tư vấn thiết kế điều chỉnh dự án.
Kinh phí tăng
Năm 2006, UBND TP duyệt điều chỉnh dự án xây dựng cầu Hoàng Hoa Thám với phần mở rộng hẻm 68 Trần Quang Khải đúng lộ giới 16,5m, cầu có chiều rộng 14,5m, tĩnh không đường chui dọc kênh cao 2,5m. Tuy nhiên, vốn đầu tư lúc này đã tăng lên 119,75 tỉ đồng (kể cả phí dự phòng) với kinh phí xây lắp 28,77 tỉ đồng và chi phí đền bù giải tỏa 78,545 tỉ đồng.
Mãi đến năm 2008, bản vẽ thi công cầu Hoàng Hoa Thám mới được Khu quản lý giao thông đô thị số 1 duyệt thiết kế. Giai đoạn này việc giải phóng mặt bằng phía bờ quận 1 vẫn chưa hoàn tất. Cùng lúc này, giá cả vật tư, vật liệu xây dựng cũng như chính sách về hệ số nhân công, xe máy được điều chỉnh lên khiến tổng mức đầu tư của dự án tăng cao. Một lần nữa, dự án được trình UBND TP duyệt điều chỉnh. Đến tháng 7-2008, dự án cầu Hoàng Hoa Thám được duyệt lại với tổng mức đầu tư 155,571 tỉ đồng, trong đó phí xây lắp tăng lên 49,568 tỉ đồng, kinh phí đền bù giải tỏa vẫn là 78,545 tỉ đồng.
Theo báo cáo của chủ đầu tư, phía quận 1 có 129 hộ dân nhưng chỉ mới giải tỏa được 106 hộ, hiện còn tồn tại 28 hộ dân (10 hộ phải giải tỏa toàn phần và 18 hộ giải tỏa một phần). Đến tháng 3-2009, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 thông báo chuyển tiền vào ngân hàng đã đền bù cho các hộ thuộc diện giải tỏa toàn phần và yêu cầu ngày 9-4 các hộ phải bàn giao mặt bằng, nếu không thì sau 30 ngày sẽ cưỡng chế. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, quận 1 vẫn chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công vì các hộ dân không chịu giá bồi thường.
Ông Lưu Trung Hòa, phó chủ tịch UBND quận 1, cho biết: “Do thời gian kéo dài, giá cả biến động nhiều nên người dân không chịu giá bồi thường giải tỏa theo cách tính trước đây. Trong dự án cầu Hoàng Hoa Thám, tiền đền bù giải tỏa các hộ dân thuộc vốn ngân sách nên không thể linh hoạt như các dự án khác. Hiện UBND quận 1 đang báo cáo UBND TP để tìm hướng giải quyết vụ việc”.
Theo đơn vị thi công, cầu Hoàng Hoa Thám chỉ thi công trong vòng 18 tháng tính từ tháng 2-2009 nếu có mặt bằng phía quận 1 được bàn giao. Nhưng với tiến độ giải phóng mặt bằng như hiện nay thì thời gian hoàn thành cầu sẽ còn kéo dài. Và như vậy, cầu Hoàng Hoa Thám vẫn sẽ lơ lửng, không thể tiếp đất, dù dự án đã được triển khai cách đây 11 năm.
Người dân chưa chấp nhận giá đền bù
Ông Lê Quốc Cường, trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1, cho biết hiện vẫn còn 28 hộ dân chưa di dời trong dự án cầu Hoàng Hoa Thám, trong đó có 10 căn giải tỏa toàn phần và 18 căn giải tỏa một phần. Các hộ không chịu di dời chủ yếu do vướng mắc về giá đền bù giải tỏa.
Theo các hộ dân chưa chịu giải tỏa, giá đền bù được phê duyệt từ ngày 11-8-2005 với đơn giá từ 14.400.000 đồng/m2 đến 16.800.000 đồng/m2 (thời điểm này tương đương 1,7-1,9 lượng vàng/m2), nay áp dụng giá này là không thỏa đáng.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO