Sau hơn một năm thực hiện mô hình Thanh tra xây dựng quận, huyện đã cho thấy tỉ lệ công trình xây dựng được cấp phép ở Hà Nội tăng mạnh. Tỉ lệ cấp phép xây dựng toàn thành phố tăng 34,7%...
Sau hơn một năm thực hiện mô hình Thanh tra xây dựng (TTXD) quận, huyện đã cho thấy tỉ lệ công trình xây dựng được cấp phép ở Hà Nội tăng mạnh. Tỉ lệ cấp phép xây dựng toàn thành phố tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2008, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.
Phức tạp trong quản lý sau cấp phép
Quyết định của UBND TP phân cấp cho các quận, huyện cấp phép xây dựng đã có hiệu quả, trong số 1.957 giấy phép xây dựng được cấp từ đầu năm đến nay thì Sở chỉ cấp phép có 43 trường hợp, còn lại đều do UBND các quận, huyện cấp. Tuy cấp phép tăng, nhưng việc quản lý sau phép và xử lý xây dựng sai phép lại diễn biến phức tạp. Như con số báo cáo do ông Lê Quang Phú - chánh Thanh tra Xây dựng TP đưa ra là: trong 319 công trình xây dựng không phép và sai phép thì Thành phố cùng quận, huyện phải xử lý cưỡng chế tới 318 trường hợp.
Về việc thực hiện cưỡng chế, nơi nào quận, phường làm quyết liệt, triệt để theo các quy định pháp luật như quận Hai Bà Trưng thì có công trình như 221 - 223 Bạch Mai, sai phạm phải "cắt ngọn" tới 2 lần vẫn được xử lý triệt để. Nơi nào, chính quyền "nới tay", làm không kiên quyết thì những sai phạm nghiêm trọng như công trình số 4 Đặng Dung, các hạng mục vi phạm ở Công viên Thủ Lệ, nhà nổi Trúc Bạch... xử lý không dứt điểm để kéo dài gây bức xúc trong dư luận.
Ông Nguyễn Khắc Thọ, phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, có những vụ việc vi phạm khá rõ, nhưng rất khó xử lý do bị các mối quan hệ ràng buộc, chi phối. Đó là chưa kể, vì lợi nhuận, như ở quận Hoàn Kiếm, mỗi m2 có giá tới mấy trăm triệu đồng, nên chủ đầu tư sai phạm tìm đủ mọi cách để được tồn tại.
Ông Thọ nhấn mạnh và nêu một ví dụ khác: "Tại quận Thanh Xuân, cùng một vi phạm như nhau, nhà bên cạnh cưỡng chế phá dỡ rồi, nhưng nhà liền đó thì không thể làm được, chúng tôi đã mất gần 300 triệu đồng thuê giàn giáo, nhân công nhưng vẫn không phá dỡ được công trình hai tầng và một tum 8 m2 sai phạm. Cả hai lần chuẩn bị cưỡng chế, người vi phạm đều có đơn gửi khắp nơi với đủ lý do khác nhau, kể cả lý do nơi xây dựng sai phạm là để làm nơi thờ cúng anh hùng liệt sỹ...".
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trên địa bàn, còn tới 92 trường hợp xây dựng sai phép chưa xử lý. Phải chăng căn bệnh "trầm kha" chưa được chữa dứt điểm. Đây là sai phạm ngay khi chủ công trình đổ móng không được phường xử lý dứt điểm, xây thành tường rồi thì phường lại đẩy trách nhiệm lên quận. Quận không xử lý kịp thời, dứt điểm để công trình hoàn thiện thành nhà lại đẩy lên Thành phố. Đây là một thực tế đã và đang diễn ra một số nơi trên địa bàn. Đơn cử công trình sai phép tại 48 Hà Trung, quận cấp phép cho chủ đầu tư ở phía ngoài được xây 3 tầng (mặt phố cổ Hà Nội), giật vào phía trong cho phép xây 4 tầng. Vậy mà sau hơn 2 tháng sai phạm, công trình sai phép này đã và đang hoàn thiện đến cả 6 tầng mà phường vẫn "lặng thinh" để công trình sai phạm ngang nhiên tồn tại?
Có tiêu cực hay cán bộ yếu kém?
Có 3 vấn đề được ông Lê Quang Phú nêu ra nhằm giải thích nguyên nhân nhiều vụ xây dựng sai phép không được cơ sở xử lý dứt điểm ngay khi mới phát sinh, để kéo dài gây khiếu kiện phức tạp là: Có tiêu cực - người sai phạm cố tình chây ỳ - nhiều vụ bị can thiệp do tác động của các mối quan hệ khác nhau.
Nhưng nhiều ý kiến lại lập luận rằng, nếu có tiêu cực thì ngay trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được thể chế bằng Quyết định 89/2007/QĐ-TTg và Nghị định 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ ban hành năm 2007 đã cho quyền: Chánh Thanh tra xây dựng Tỉnh, Thành phố có quyền kiến nghị kỷ luật chủ tịch UBND quận, huyện khi để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng, kéo dài không xử lý và chủ tịch quận có quyền cách chức chủ tịch UBND phường khi không thực hiện xử lý các sai phạm về trật tự xây dựng ở địa bàn phụ trách. Vậy thì tại sao nhiều vụ việc sai phạm, sai phép nghiêm trọng được dư luận và báo chí phản ánh liên tục, trên chỉ đạo mà UBND quận, phường ở một vài nơi vẫn không xử lý mà Thành phố chưa thấy xử lý cách chức, kỷ luật kiên quyết một cán bộ cấp phường hay quận nào? Phải chăng UBND TP chưa có chế tài cụ thể hoá các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hay một lý do nào khác?
Nhiều ý kiến đề xuất Thành phố cần có quy chế ban hành, quy định rõ ràng, xử lý nghiêm khắc đối với cả cán bộ có trách nhiệm xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng mà không thực hiện nhiệm vụ!
Sở Xây dựng cũng thừa nhận, việc kiểm tra xử lý vi phạm tại các dự án, khu đô thị mới, khu di dân GPMB, đấu giá quyền sử dụng đất... cũng còn nhiều bất cập, chưa rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, các cấp chính quyền. Hơn thế, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của TTXD huyện, quận, xã phường hiện cũng chưa đủ tầm để kiểm soát các hoạt động xây dựng tại các dự án này. Thậm chí, lực lượng TTXD hiện cũng đang thiếu và yếu, còn tới 12/29 đơn vị hành chính huyện chưa có lực lượng TTXD mà các huyện này lại đang có tốc độ đô thị hoá nhanh. Ngay trong đợt thi tuyển TTXD vừa qua, toàn Thành phố chỉ tuyển được 529 người trong số 1.063 người tham gia thi tuyển.
Trước thực tế này, Sở Xây dựng đã đề nghị UBND TP cho phép ký tiếp hợp đồng lao động với số cán bộ thi trượt, nhưng lại công tác lâu năm trong ngành (để bố trí thi lại lần sau). Vì, số TTXD thi đỗ trong kỳ thi vừa qua lại hầu hết là cán bộ mới, chưa được đào tạo cơ bản, thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên chưa thể đáp ứng ngay được nhiệm vụ.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị