Cấp phép, khởi công rồi để đó!

Cập nhật 26/05/2009 08:10

Hàng chục dự án có số vốn khổng lồ, từ vài tỉ đến hơn chục tỉ USD đã được trao giấy phép, khởi công rầm rộ. Tuy nhiên, hầu hết đều phơi nắng, gió, có dự án chỉ mới làm mỗi chuyện đóng cọc phân ranh giới...

Hàng chục dự án có số vốn khổng lồ, từ vài tỉ đến hơn chục tỉ USD đã được trao giấy phép, khởi công rầm rộ. Tuy nhiên, hầu hết đều phơi nắng, gió, có dự án chỉ mới làm mỗi chuyện đóng cọc phân ranh giới, có dự án chưa xây dựng đã xin bán... Trong khi đó, hàng nghìn hộ dân trong vùng giải tỏa cuộc sống cũng lửng lơ theo những dự án “tỉ đô”.

Vẫn chưa nhận được tiền đền bù

Chúng tôi trở lại Cà Ná, xã Phước Diêm, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) vào giữa tháng 5-2009, tức hơn năm tháng sau ngày dự án khu liên hợp thép Cà Ná được Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) và Lion Group (Malaysia) liên doanh đầu tư, chính thức động thổ. Được xem là dự án có vốn đầu tư lớn nhất VN với khoảng 9,8 tỉ USD, nhưng nay vùng triển khai dự án vẫn im lìm.

Ông Bảy Hòa - một trong số hơn 500 hộ dân chịu ảnh hưởng của dự án - bức xúc cho biết gia đình đã giao hơn 3 sào đất từ gần một năm qua để thực hiện dự án, nhưng hiện vẫn chưa được nhận tiền đền bù. Nhiều hộ dân khi tiếp xúc đều tỏ ra hết sức bức xúc vì dự án không triển khai. “Hơn một năm qua, kể từ ngày dự án thép… rục rịch, chúng tôi bị cấm không được sửa sang nhà cửa, đầu tư cơ sở để làm ăn nhưng chờ hoài có thấy ai triển khai xây dựng gì đâu” - anh Trần Thanh phân trần.

Mặc dù được xếp vào nhóm A, với tổng vốn đầu tư rất lớn và từ gần sáu tháng qua nhưng hiện dự án thép liên hợp Cà Ná vẫn chưa thành lập bộ máy liên doanh để điều hành. Theo báo cáo của Sở Công thương Ninh Thuận, hiện hàng loạt công tác chuẩn bị đầu tư của dự án liên hợp thép Cà Ná vẫn đang… bỏ ngỏ. Cụ thể: chưa lập thiết kế chi tiết kỹ thuật dự án; chưa bổ sung nhà máy nhiệt điện, cảng vào quy hoạch hệ thống điện, cảng biển quốc gia…

“Mục tiêu của dự án là đến cuối năm 2010 sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động tổ hợp nhà máy thép công suất 4,5 triệu tấn/năm, hai nhà máy nhiệt điện tổng công suất 1.450MW, cảng biển công suất bốc dỡ 15 triệu tấn/năm, lò nung vôi và nhà máy oxy phục vụ sản xuất. Nhưng đến nay chỉ riêng công tác đền bù chưa hoàn thành thì làm sao đảm bảo kế hoạch” - một lãnh đạo ngành công thương Ninh Thuận cho hay.

Mới làm cọc ranh giới

Tại TP.HCM, khu đô thị Tây Bắc - nơi được đánh giá có bước đột phá trong thu hút đầu tư, chúng tôi tìm đến khu đất dành để xây dựng khu đô thị - đại học quốc tế do Tập đoàn Berjaya (Malaysia) làm chủ đầu tư ở xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn. Ngoài những cây cọc ghi “khu ĐHQT” (đại học quốc tế) chỉ rõ ranh giới trên 900ha, dự án 3,5 tỉ USD này chưa có động tĩnh nào khác. Chỉ vào những trụ cọc đóng theo con đường đất dọc dòng kênh An Hạ, ông Huỳnh Văn Vàng, một cư dân ở ấp Nhị Tân 2, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, nói: “Từ lúc họ đóng cọc đến nay chẳng thấy làm gì cả ở khu đất này. Dân tình xôn xao một thời vì chuyện di dời, giá đền bù rồi cũng êm luôn.”

Theo nhiều người dân ở đây, biết chắc là đất dự án, dân phải di dời nhưng chưa thấy xã mời họp hành gì để bàn chuyện đền bù, tái định cư. “Họ đóng cọc để đó còn chúng tôi không làm giấy tờ nhà gì được cả. Tất cả đều bị xã ách lại hết!” - bà Ba, một người dân ở đây, than thở.

Rời dự án “tỉ đô” trên, chúng tôi có dịp chứng kiến một trong những dự án lớn khác, khu sân golf 36 lỗ của Công ty GS E&C (Hàn Quốc) cũng đang trong tình trạng triển khai cầm chừng. Trên khu đất rộng 200ha chúng tôi chỉ thấy một máy xúc đất đang làm việc trong khi một chiếc khác nằm chỏng chơ cạnh đó. “Văn phòng làm việc” trên công trường này là một container nhỏ cũng cửa khóa, then cài. Anh Thanh, một công nhân người Bến Tre, cho biết anh được thuê đào đất làm hồ nhân tạo đã một năm nay. Khi được hỏi vì sao chỉ có mình anh làm việc, anh kể trước đây hàng trăm người làm việc mỗi ngày, nhưng 2-3 tháng qua số lượng công nhân cứ vơi dần không biết vì lý do gì.

Trong khi đó, ở khu giải trí hồ Kỳ Hòa, Q.10, chúng tôi cũng chưa thấy bóng dáng hay dấu hiệu xây dựng nào của dự án trung tâm tài chính quốc tế 930 triệu USD, dự định xây dựng trên diện tích 8ha. Đại diện chủ đầu tư dự án này, ông Nguyễn Hoài Nam - tổng giám đốc Công ty Berjaya VN - xác nhận: “Trong tình hình khó khăn chung hiện nay, tiến độ của chúng tôi phải chậm lại. Nhưng chúng tôi cam kết thực hiện dự án trong một tương lai không xa”. Không cho biết cụ thể số tiền nhưng ông Nam cho biết công ty đã chuyển vào VN một số tiền không nhỏ.

Giải ngân... ”rùa”

Bà Rịa - Vũng Tàu những năm qua được xem là địa phương đón nhận nhiều dự án “tỉ đô” nhất. Nhưng theo Sở KH-ĐT tỉnh, hàng loạt dự án có con số giải ngân bằng 0 như: khu công viên thế giới kỳ diệu (1,3 tỉ USD), khu đô thị mới Tóc Tiên (600 triệu USD), vườn thú hoang dã Sarafi (500 triệu USD)…

Các dự án lớn như: khu du lịch Saigon Atlantic Hotel (4,1 tỉ USD), tổ hợp hóa dầu miền Nam (3,77 tỉ USD) vẫn chưa triển khai xây dựng. Trong đó, khu du lịch Saigon Atlantic Hotel mới giải ngân 6 triệu USD, dự án tổ hợp hóa dầu miền Nam dù đã giải ngân 7 triệu USD nhưng xác nhận hiện khó khăn trong việc huy động vốn. Riêng dự án thép Essar (trên 500 triệu USD) đã có kế hoạch tạm ngưng đầu tư.

Một lãnh đạo cấp cao Tổng công ty Thép VN - đối tác trong liên doanh này - xác nhận đang lên phương án tự đầu tư hoặc mời đối tác khác tham gia. Dự án khu du lịch Hồ Tràm vốn đầu tư 4,23 tỉ USD cũng chỉ mới giải ngân được 50 triệu USD.

Dự án 4,1 tỉ USD “tắc” vì 19 tỉ đồng

Ông Trần Văn Sơn, phó tổng giám đốc Công ty Winvest Investment VN (Vũng Tàu), than thở: “Lẽ ra giai đoạn một của dự án khu du lịch nghỉ mát, giải trí đa năng Saigon Atlantic Hotel (4,1 tỉ USD) của chúng tôi đã khởi công nhưng đến nay vẫn chưa được giao đất sạch”. Theo chỉ dẫn của nhân viên Công ty Winvest Investment VN, tại khu vực trung tâm của dự án không có công trình xây dựng nào ngoài một căn nhà gỗ, có một tấm bảng ghi “Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Đại Dương”, thể hiện “chủ quyền” thuộc về một công ty khác là Công ty TNHH Đại Dương. Lãnh đạo Sở KH-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác nhận có sự chồng lấn diện tích đất của hai dự án này và tỉnh đã xử lý bằng cách hoán đổi một vị trí khác gần đó cho Công ty TNHH Đại Dương.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng thừa nhận: “Tỉnh đã giao một khu đất khác lớn hơn nhưng phía Đại Dương vẫn chưa chịu và đòi Winvest phải bồi thường gần 19 tỉ đồng dù họ chưa triển khai gì cho dự án của mình. Phía Winvest cho rằng số tiền bồi thường đó quá lớn. Sự việc cứ nhùng nhằng mãi đến nay”.

Điều ngạc nhiên là trong lúc UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra văn bản điều chỉnh sắp xếp lại địa điểm một số dự án (ngày 27-10-2006), trong đó có hoán đổi vị trí dự án của Công ty Đại Dương, sau đó ngày 10-7-2007 là văn bản giải quyết địa điểm mới cho khu du lịch Đại Dương thì “đùng một cái” đến ngày.

24-12-2007, Công ty TNHH Đại Dương được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất trên trong vòng 50 năm!