Theo thông tin từ các Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện trên cả nước, theo quy định mới, các trường hợp nhận chuyển nhượng nhà đất phải làm giấy mới, chia tách thổ phải có sơ đồ bản vẽ thổ đất.
Điều này gây không ít khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc thẩm định sơ đồ và người dân thêm khổ vì phần lớn các trường hợp vẽ sơ đồ đều sai.
Nhiều rắc rối nhất là nhà diện 61
Nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất và nhà quận Cầu Giấy.
|
Sau gần 4 tháng triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (gọi tắt là giấy hồng mới) theo Nghị định 88/2009, nhiều bất ổn được cảnh báo đã thành hiện thực. Một trong những điều khiến người dân gặp nhiều khó khăn, gây tốn kém nhất là mỗi lần chuyển nhượng phải cấp lại giấy mới gây lãng phí, mất nhiều thời gian. Đặc biệt, hầu hết các trường hợp phải vẽ lại sơ đồ nhà đất với lý do tiêu chí về bản vẽ của Nghị định 90/2006 không giống với Nghị định 88.
Theo Thông tư 17/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, người dân không bị buộc phải nộp bản vẽ đất. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có nhiệm vụ trích bản đồ địa chính để làm sơ đồ thửa đất in vào giấy chứng nhận cho người dân. Tuy nhiên, theo các cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp quận, huyện thì bản đồ địa chính của các tỉnh, thành trong cả nước đều làm từ năm 2004 hoặc 2005. Do đó, bản đồ đã lạc hậu so với hiện trạng sử dụng đất hiện hành. Hơn nữa, bản vẽ theo bản đồ cũ cũng không có tọa độ ranh giới, không phù hợp với bản vẽ hiện hành. Cán bộ thụ lý tự đi thực tế, thời gian cấp giấy lại kéo dài thêm và cũng không đủ người để làm theo cách này. Do đó, người dân vẫn phải tự làm với chi phí cho mỗi bản vẽ giao động từ 5.000- 10.000 đồng/m².
Ông Vũ Văn Dụ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: "Gặp rắc rối nhiều nhất là với bản vẽ diện nhà 61 do diện tích cơi nới, lấn chiếm rất khó hình dung được hiện trạng cũ. Nhiều trường hợp trong số này phải vẽ đi vẽ lại nhiều lần".
Với thửa đất đồng thừa kế cũng gặp không ít rắc rối. Anh Quách Văn Thành, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội cho biết: "Bố mẹ tôi cho 3 anh em thừa kế một thửa đất rộng 1.200m2. Chúng tôi đã phải tốn gần 5 triệu đồng nhờ người đo đi vẽ lại để làm hồ sơ nhận thừa kế và cấp giấy hồng mới. Chúng tôi cũng phải mất tới gần 3 tháng trời mới nhận được mỗi người một giấy chứng nhận mới".
Thậm chí ngay cả trường hợp đã được cấp giấy theo Nghị định 90 cũng gặp không ít phiền toái. Ông Nguyễn Văn Anh, mua căn nhà ở phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội cho biết: "Nhà tôi mua vừa được cấp giấy hồng theo Nghị định 90/2006, tôi nghĩ mình sẽ được giải quyết ngay. Nhưng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận yêu cầu tôi phải nộp đơn xin cấp giấy mới kèm xác nhận của phường. Gần 1 tháng ngược xuôi và chờ đợi phường niêm yết đến 15 ngày tôi mới nộp được hồ sơ. Mọi thứ trở nên quá cồng kềnh vì theo tôi không cần thiết phải niêm yết lại vì nhà đất đó trước đây đã được niêm yết và xác nhận không có tranh chấp. Phòng cấp giấy lại cõng thêm việc này gây tốn kém thời gian. Do đó, phải mất hơn 2 tháng trời tôi mới nhận được giấy chứng nhận mới".
Cơ quan chức năng thêm việc
Ông Vũ Văn Dụ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ba Đình, Hà Nội cũng thừa nhận: "Việc thẩm định hồ sơ mất nhiều thời gian hơn do có thêm bản vẽ. Thông thường nhiều đơn vị, hộ dân vẽ sai. Khi phát hiện sai sót, quận buộc vẽ lại thì bị cho là hành dân. Do đó, trong rất nhiều trường hợp người dân vẫn phải nhận giấy chứng nhận trễ hơn quy định. Vì rất nhiều lý do khác nhau. Nếu trước đây chỉ mất khoảng 7 ngày là hoàn tất thủ tục đăng bộ cập nhật biến động trên giấy hồng thì nay ít nhất cũng phải mất đến 15 ngày. Nếu hồ sơ nào gặp trục trặc về bản vẽ thì thời hạn sẽ kéo dài hơn. Việc kéo dài thời gian cấp giấy này khi gặp phải số lượng hồ sơ lớn dễ dẫn đến quá tải".
Theo một nhân viên phòng công chứng ở Mỹ Đình, Hà Nội thì cách cấp giấy mới cho mỗi lần chuyển nhượng sẽ không thể hiện được quá trình chuyển quyền sử dụng đất, sở hữu nhà. Cơ quan công chứng khó có cơ sở xác định đó là tài sản thuộc sở hữu riêng hay chung, được cho hay được thừa kế nên họ lại phải đề nghị người dân xuất trình các giấy tờ xác định việc này. Trong khi đó, khi được cấp giấy mới các quận, huyện đều thu lại giấy cũ và hồ sơ liên quan nên trong nhiều trường hợp, người dân phải mất công đi trích lục hợp đồng, xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, bổ sung thêm văn bản...
Nếu theo cách cấp giấy cũ, cơ quan công chứng không phải làm việc này. Ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) cũng cho rằng, trong trường hợp đồng thừa kế không cần phải cấp nhiều giấy khác nhau nếu bản thân những cá nhân đó không có nhu cầu. So với việc cấp chung một giấy cho nhiều người, việc cấp giấy riêng này gây lãng phí. Trường hợp là chủ mới chỉ cần ghi tên vào trang sau của giấy chứng nhận.
Với việc người nhận chuyển nhượng nhà đất phải đổi giấy mới, thời gian cấp giấy cho người dân đương nhiên sẽ lâu hơn do phải làm thêm thủ tục. Việc đổi giấy chứng nhận chỉ cần thiết khi miếng đất đó có sự thay đổi về diện tích. Trường hợp nhà đất không có biến động gì, chỉ thay mỗi cái tên chủ sở hữu thì không cần cấp giấy mới mà viết vào trang sau là ổn. Vì theo quy định mới nhiều trường hợp phải tốn thêm tiền cho bản vẽ, tới lui nhiều nơi để chỉnh sửa bản vẽ, niêm yết hồ sơ... Các cơ quan chức năng cũng hao tốn giấy mực, thời gian do phải làm nhiều giấy để cấp cho nhiều chủ sở hữu. Các cơ quan chức năng cần có những giải pháp để khắc phục tình trạng khổ dân mà quan cũng thêm việc này.
DiaOcOnline.vn - Theo Gia Đình