Cấp giấy hồng mới: Cải “lùi”, khổ dân

Cập nhật 05/04/2010 08:10

Quy định mỗi lần chuyển nhượng phải được cấp giấy mới gây hao tiền tốn của, mất thời gian. Nhiều trường hợp bị quay mòng mòng với những thủ tục, quy trình tựa như lần đầu đi làm giấy.

Quy định mỗi lần chuyển nhượng phải được cấp giấy mới gây hao tiền tốn của, mất thời gian. Nhiều trường hợp bị quay mòng mòng với những thủ tục, quy trình tựa như lần đầu đi làm giấy.

Tính đến nay, Nghị định 88/2009 quy định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (gọi tắt là giấy hồng mới) đã được triển khai khoảng bốn tháng. Nhiều bất ổn xung quanh việc cấp giấy mới từng được báo chí dự báo trước khi nghị định này có hiệu lực thi hành giờ đã trở thành hiện thực.

Trần ai với giấy hồng cũ

Theo quy định trước đây, sau khi công chứng, trước bạ xong, những người mua nhà, đất chỉ cần nộp hồ sơ đăng bộ và chờ bảy ngày là có kết quả. Nhưng nay Nghị định 88 yêu cầu tất cả người nhận chuyển nhượng nhà phải nộp hồ sơ cấp giấy hồng mới. Đáng nói là có nhiều trường hợp bị quay mòng mòng với những thủ tục, quy trình tựa như lần đầu đi làm giấy.

Tháng 11-2009, ông C. mua căn nhà ở đường Cửu Long, quận Tân Bình, TP.HCM. Nhà này đã có giấy hồng cấp theo Nghị định 60/1994. Để được quận nhận hồ sơ, ông C. phải đi đo vẽ lại, mất hơn 2 triệu đồng và cả tháng trời lên xuống, chờ đợi, đồng thời ông phải đợi phường thực hiện niêm yết trong 15 ngày. Tuy được quận ra giấy hồng mới đúng hẹn nhưng tính ra ông đã mất hơn ba tháng trời.


Người dân đang làm thủ tục giấy tờ nhà đất tại UBND quận Tân Phú. Ảnh: HTD

Tương tự, sau khi vợ mất, ông G. (và các đồng thừa kế khác) cũng phải tốn công đi đo vẽ lại để làm hồ sơ nhận thừa kế và cấp giấy hồng mới cho căn nhà ở đường 47, phường Tân Quy, quận 7. So với ông C. thì ông G. may mắn hơn do không phải chờ phường niêm yết. Song ông cũng mất hơn hai tháng mới có kết quả chứ đâu ít!

Giấy mới không khỏe hơn

Cứ tưởng do các giấy hồng của Nghị định 60/1994 hoặc các loại giấy tờ hợp lệ khác (thường gọi là giấy trắng) quá cũ nên dân mới trầy vi tróc vẩy nhưng không phải.

Cuối năm 2009, bà T. mua một căn nhà ở cư xá Ụ Tàu, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh. Nhà này vừa được cấp giấy hồng theo Nghị định 90/2006 (tức theo Quyết định 54/2007 của UBND TP.HCM) nên bà T. đinh ninh sẽ được quận giải quyết ngay. Ai dè quận bảo bà phải nộp đơn xin cấp giấy mới kèm xác nhận của phường. Rồi bà phải đợi sau 15 ngày để phường niêm yết thì bà mới nộp được hồ sơ và phải 15 ngày sau bà mới nhận được giấy hồng. Tính sơ sơ bà T. mất hơn một tháng.

Ngay với giấy hồng cấp theo Nghị định 88/2009 thì người dân cũng phải đợi khoảng 15 ngày (lắm khi trễ hơn) mới có giấy. Nhiều thiệt hại đã phát sinh do họ không được cấp giấy kịp thời.

Quận, huyện cũng than

Đâu phải chỉ người dân, các quận, huyện đảm nhận việc cấp giấy hồng cũng “xẩu mình” với giấy mới. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Sáng, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận 2, nói: “Quy định cấp giấy hồng mới sau mỗi lần chuyển nhượng nhà, đất gây lãng phí vì có nhiều trường hợp nhà, đất thay đổi chủ sử dụng liên tục. Cứ mỗi lần đổi chủ là lại tòi ra cái giấy mới!”. Theo ông Sáng, nếu trước đây chỉ mất khoảng bảy ngày là hoàn tất thủ tục đăng bộ cập nhật biến động trên giấy hồng thì nay ít nhất cũng phải mất đến 15 ngày. Nếu hồ sơ nào gặp trục trặc về bản vẽ thì thời hạn sẽ kéo dài hơn.

Ông Đặng Minh Nguyên, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thạnh, cũng đồng tình: “Mỗi lần chuyển nhượng phải cấp lại giấy mới gây lãng phí và tốn thêm thời gian không đáng. Việc kéo dài thời gian cấp giấy này khi gặp phải số lượng hồ sơ lớn sẽ dễ dẫn đến quá tải”.

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chánh văn phòng UBND quận 3, phân tích thêm: Hồ sơ cần bản vẽ mới lại càng phức tạp hơn. Vì các đơn vị đo vẽ thường vẽ sai. Khi phát hiện sai sót, quận buộc vẽ lại thì bị cho là hành dân. “Nếu chúng tôi nhận đo vẽ luôn thì chẳng khác nào vừa đánh trống vừa thổi kèn” - ông Hạnh nói.

Bà Trịnh Thị Phương Châm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận 1, cho rằng Nghị định 88 có hạn chế trong trường hợp cấp giấy chứng nhận đối với tài sản có nhiều người đồng sở hữu, nghị định này quy định cấp mỗi người một giấy chứng nhận riêng (trước đây cấp chung một giấy chứng nhận cho nhiều người). So với cách làm của Nghị định 88 thì cách làm của Nghị định 60/1994 có nhiều tiện lợi hơn như mẫu đơn khai không nhiều chi tiết; được cập nhật biến động vào trang 3 và 4 giúp cơ quan quản lý và người dân dễ dàng nhận biết sự biến động, thay đổi chủ sử dụng, sở hữu của thửa đất, căn nhà.

Niêm yết hay không?

Theo ông Đặng Minh Nguyên, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thạnh, không phải trường hợp nào cũng đo vẽ và chuyển về phường niêm yết. Người dân cần phân biệt có hai dạng:

Khi chuyển nhượng trọn thửa, người dân chỉ cần làm thủ tục cấp giấy mới, không phải nộp lại bản vẽ, không phải niêm yết.

Khi chuyển nhượng một phần, tách thửa, người dân mới phải chờ phường niêm yết để xác nhận có tranh chấp hay không. Thường thì thời gian thụ lý loại hồ sơ này nhiều hơn.

Tuy nhiên, trường hợp bà T. mua căn nhà ở cư xá Ụ Tàu, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25 nói trên thuộc dạng chuyển nhượng trọn thửa mà vẫn phải chờ 15 ngày niêm yết ở phường phải chăng cán bộ đã làm sai?


>>Chờ giấy hồng, nhiều giao dịch án binh bất động

>>Cấp giấy hồng mới: Tính cách tháo gỡ để dân đỡ vất vả


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP