Cao ốc xanh: Xu hướng thời thượng

Cập nhật 26/12/2007 09:00

Các cao ốc là những cỗ máy khổng lồ tiêu tốn năng lượng. Do vậy, làm sao giảm thiểu các nguy cơ tổn hại đến môi trường, cắt giảm...

Các cao ốc là những cỗ máy khổng lồ tiêu tốn năng lượng. Do vậy, làm sao giảm thiểu các nguy cơ tổn hại đến môi trường, cắt giảm các chi phí, tạo ra không gian làm việc tốt hơn… là những mục tiêu mà các kiến trúc sư, các công ty xây dựng, kinh doanh BĐS đang hướng tới. Đó cũng là lý do khiến xu hướng cao ốc xanh đang trở thành thời thượng.

Thế nào là cao ốc xanh?

Theo một thống kê gần đây, ở Hoa Kỳ, các cao ốc chiếm hơn 65% mức tiêu thụ điện 30% khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính.

Tổ chức Green Building Alliance (Liên minh Các toà nhà cao ốc xanh) cho biết: Trong các cao ốc, sự kết hợp các kỹ thuật thiết kế xanh và công nghệ sạch có thểõ làm giảm mức tiêu thụ năng lượng và giảm ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Sự kết hợp này còn làm giảm chi phí điều hành, tạo ra khung cảnh làm việc thoải mái, nâng cao sức khỏe làm việc của nhân viên. Nó cũng giúp tăng thêm giá trị dự án và thu hồi nhanh vốn đầu tư cao ốc. Vậy tiêu chí nào để xác định cao ốc xanh?

Vào đầu năm 2000, một hội đồng chuyên về cao ốc xanh của Hoa Kỳ đã đưa ra các tiêu chí chứng chỉ LEED (tạm dịch là dẫn đầu trong thiết kế tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường).

Theo đó, việc xếp hạng sẽ tùy thuộc các hạng mục khác nhau, từ sử dụng tốt năng lượng (17 điểm) sử dụng nguồn nước hiệu quả (5 điểm), chất lượng môi trường bên trong tòa nhà (15 điểm)… và căn cứ tổng số điểm để xếp hạng. Cụ thể, nếu đạt 39 điểm, toà nhà sẽ được xếp loại vàng; 52 điểm loại bạch kim.

Một tòa nhà hạng vàng sẽ đạt mức giảm tới 50% tác hại môi trường so với một toà nhà thông thường, hạng bạch kim giảm hơn 70%. Tại châu Âu, một số nước như Pháp, Đức, Anh.. còn đưa ra một số tiêu chí riêng, song nền tảng cơ bản cũng khá giống với các tiêu chí của LEED.

Một thống kê gần đây cho biết hiện có khoảng 6.000 doanh nghiệp trên thế giới nhận chứng chỉ LEED. Trong vòng 4 năm tới, số doanh nghiệp nhận chứng chỉ này có thể lên tới 100.000. Điều đáng nói là tại Hoa Kỳ các doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng đều đi đầu trong việc xây dựng cao ốc xanh, Ngân hàng HSBC, Công ty Siemens, Google, Toyota… đều liên tục dẫn đầu trong top các công ty nhận chứng chỉ LEED hằng năm.

Cơ hội cho Việt Nam

Việc Việt Nam trở thành thành viên WTO và đang đón làn sóng đầu tư ồ ạt của các công ty nước ngoài... đã khiến thị trường BĐS trong nước tăng nhanh đến mức chóng mặt.

Theo thống kê gần đây của Công ty Tư vấn và quản lý CBRE Việt Nam, mức thuê các cao ốc văn phòng loại A ở Hà Nội và TPHCM luôn đạt 100%; loại B là 99%; C là 97%. Điều này cho thấy sốt cao ốc tại Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng trong vòng 5 - 10 năm nữa. Cùng với sốt văn phòng là nhu cầu sống trong các căn hộ hiện đại, tiện nghi và thân thiện với môi trường. Đây chính là một thị trường rộng mở cho các cao ốc xanh phát triển.

Hiện nay đã hình hành một số cao ốc văn phòng xanh tại khu Mỹ Đình Mễ Trì , Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội), khu đô thị Nam Sài Gòn (TPHCM), khu công nghiệp Bình Dương…

Tuy nhiên, theo ông Marc Towsend, Giám đốc điều hành Công ty CBRE Việt Nam, thực tế các cao ốc xanh tại Việt Nam vẫn chưa được hình thành bài bản mà chỉ mới ở dạng sơ khai (cao ốc có balcon, sân thượng trồng cây, có công viên xung quanh, hệ thống PCCC, đèn tiết kiệm điện…). Cái khó của Việt Nam là các doanh nghiệp địa ốc, khách hàng chưa quen với khái niệm này.

Trong cơn sốt nhà đất, người ta chỉ lo tranh nhau mua bán, đầu cơ kiếm lời. Các tiêu chí về căn hộ cao cấp, thân thiện với môi trường tại Việt Nam vẫn chưa được xác lập bằng quy chuẩn. Đã vậy, chi phí đầu tư cho cao ốc xanh khá cao, cũng khiến cho các doanh nghiệp không “mặn mà” lắm với xu hướng này.

Theo ông Peter Dinning, Tổng giám đốc Công ty quản lý BĐS Colliers International, để phát triển mạnh mô hình cao ốc xanh, trong thời gian tới Chính phủ Việt Nam cần có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế, thuế, chính sách môi trường và phạt nặng các doanh nghiệp gây ô nhiễm, tiêu hao nhiều năng lượng.

Đó là giải pháp đã được Chính phủ Trung Quốc áp dụng và đã gặt hái khá nhiều thành công đầu thập niên 90 vừa qua. Ông Peter Dinning dự báo xu hướng cao ốc xanh sẽ phát triển mạnh tại Việt Nam, doanh nghiệp nào mạnh dạn “đón trước” đầu tư vào mô hình này sẽ thắng lớn.

Một số tiêu chuẩn cơ bản cho một cao ốc xanh:

Đạt chuẩn về tiết kiệm năng lượng.
Giảm tác động do hiệu ứng nhà kính.
Bảo tồn nguồn nước, ánh sáng, không khí.
Chống tiếng ồn, tạo môi trường sống. trong lành, thoải mái, tiện nghi.
Sử dụng thành công quá trình tái chế và sử dụng các chất thải, năng lượng.


Theo Sài Gòn Giải Phóng