Nhiều du khách nước ngoài đang mua sắm tại Diamond Plaza (quận 1) đã rời khỏi tòa nhà sau khi xảy ra dư chấn. Ảnh: Huy Thịnh . |
Khoảng 14 giờ 30 chiều 26-1, nhiều du khách, nhân viên đang ở, làm việc tại các khách sạn, cao ốc ở trung tâm TPHCM bỏ chạy ra khỏi tòa nhà vì cảm nhận nền nhà bị rung lắc, đồ đạc trong phòng bị lắc lư, chao đảo…
Khu vực quận 1, TPHCM tập trung nhiều cao ốc nên người dân cảm nhận rõ nhất sự rung lắc, chao đảo. Gần một giờ sau dư chấn, một số nhân viên các tòa nhà Diamond Plaza, Centec, WASECO Building …(cùng thuộc quận 1) vẫn tập trung trước tiền sảnh, chưa dám lên lầu.
Anh Hùng, làm việc tại cao ốc Centec kể: phòng làm việc rung bần bật, các bóng đèn, đồ đạc treo trong phòng bị rung lắc. Tôi tưởng mình bị hoa mắt, chóng mặt nhưng ngay sau đó có nhiều tiếng la “động đất” nên tôi theo cầu thang bộ rời khỏi tòa nhà.
Chị Hoàng (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) thuật lại: Tôi đang đi xe máy trên đường Cộng Hòa thì thấy người bị rung, cứ như có người từ phía sau đâm trúng xe mình. Đến khi về tới công ty, nghe mọi người bàn tán, tôi mới biết đó là do dư chấn động đất.
Ông Lê Ngọc Tài (ngụ phường 1, quận Bình Thạnh, TPHCM) cho hay, đang xem phim, bỗng thấy căn nhà rung, cứ tưởng ai đập tường không ngờ đó là dư chấn động đất.
Tại khu vực vườn hoa phía sau nhà thờ Đức Bà (quận 1) có khá nhiều du khách nước ngoài tập trung. Một hướng dẫn viên du lịch thuộc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist) cho biết, đó là những du khách đăng ký trú tạm một số khách sạn cao tầng, do tòa nhà bị rung lắc nên bỏ ra ngoài và chưa dám quay trở lại phòng.
Toà nhà Kumho Asiana ở khu trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, nơi một số người làm việc tại đây cảm nhận dư chấn trận động đất. Ảnh: Hồng Thái (Sài Gòn Tiếp Thị). |
Không chỉ khu vực TPHCM, trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, người dân các tỉnh, thành phía Nam như Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận, Long An… khẳng định cảm nhận rõ dư chấn. Chị Lan (ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, tòa nhà nơi chị làm việc bị rung lên khiến nhiều người giật mình.
Nhiều người khẳng định động đất làm xuất hiện hai đợt dư chấn, trong đó đợt sau mạnh nhất, kéo dài khoảng 5 giây.
Theo thông cáo chính thức từ Viện Vật lý Địa cầu, lúc 7 giờ 24 phút 30 giây (giờ GMT) tức 14 giờ 24 phút 30 giây (giờ Hà Nội) ngày 26 – 1, một trận động đất có cường độ 4.7 độ Richter xảy ra ở ngoài khơi biển Vũng Tàu tại tọa độ 9,94 độ vĩ Bắc, 108, 33 độ kinh Đông, dưới độ sâu khoảng 10km.
Tâm chấn động đất cách TP Phan Thiết 113 km và cách TPHCM 200km. Động đất gây ra rung động cấp 5 (theo thang MSK-64) ở khu vực ngoài khơi biển Vũng Tầu. Nhiều người trong đất liền gần chấn tâm động đất cảm thấy được và đồ vật treo bị đung đưa.
Viện Viện Vật lý Địa cầu khẳng định đây là trận động đất yếu, không có khả năng gây thiệt hại và hiện nay đang được Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (trực thuộc Viện) tiếp tục theo dõi.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong