Cao ốc chui vào lòng đất

Cập nhật 23/08/2010 15:25

Đất mặt khu trung tâm TP.HCM ngày càng đắt đỏ, nhiều nhà đầu tư tìm cách “chui” xuống đất làm trung tâm thương mại, bãi đậu xe ngầm... để tận dụng vị thế “đất vàng”. Các cao ốc đua nhau... xuống đất.

Đất mặt khu trung tâm TP.HCM ngày càng đắt đỏ, nhiều nhà đầu tư tìm cách “chui” xuống đất làm trung tâm thương mại, bãi đậu xe ngầm... để tận dụng vị thế “đất vàng”. Các cao ốc đua nhau... xuống đất.


Từ tầng trệt M của tòa nhà Vincom (Q.1, TP.HCM) sâu xuống dưới là bảy tầng hầm. Trong ảnh là bốn tầng hầm làm trung tâm thương mại - Ảnh: Thuận Thắng

Hiện nay, ngoài các bãi đậu xe ngầm do TP quy hoạch tập trung ở Q.1, hàng loạt công trình có tầng ngầm khác đang và sắp triển khai để đón đầu, kết nối với các tuyến metro (tàu điện ngầm)...

Đua nhau xuống đất


Dự án ngầm đầu tiên của TP.HCM có lẽ để đón đầu kế hoạch trên là công trình bảy tầng hầm dưới công viên Chi Lăng (Q.1) đã làm xong vào tháng 4-2010. Công trình gồm bảy tầng hầm và thông với các tầng hầm của tòa nhà Vincom với tổng diện tích hơn 80.000m2, sâu khoảng 20m. Trong đó, chủ đầu tư bố trí trung tâm thương mại, cửa hàng ăn uống, các dịch vụ, trò chơi... ở bốn tầng trên cùng. Ba tầng còn lại là bãi đậu xe hai bánh và xe hơi.

"TP.HCM hiện chưa có quy hoạch không gian ngầm, nếu cho xây dựng từng công trình riêng lẻ như một giải pháp tình thế thì không ổn, sau này quy hoạch sẽ bị “đụng”, khó kết nối các công trình với nhau được. Việc cần làm ngay bây giờ là phải quy hoạch không gian ngầm và chú ý kết nối các dự án ngầm với nhau”

Kiến trúc sư

Nguyễn Trường Lưu

Dự kiến, công trình tại khu tứ giác Eden, đối diện công viên Chi Lăng sẽ có bốn tầng hầm. Băng qua phía bên kia đường Nguyễn Huệ là khu thương xá Tax, tại đây sẽ mọc lên một cao ốc trong thời gian tới và dự kiến cũng sẽ có năm tầng hầm...

Những cụm công trình ngầm này sẽ kết nối bằng các tuyến metro: tuyến metro chạy dọc đường Đồng Khởi sẽ nối tầng hầm công viên Chi Lăng với Eden, thông ra ga metro trên đường Nguyễn Huệ. Tuyến metro chạy ngầm dưới đường Nguyễn Huệ kết nối với tầng hầm khu thương xá Tax tạo thành một mạng lưới đô thị dưới mặt đất. Từ khu vực này theo tuyến metro ra nhà ga trung tâm tại công trường Quách Thị Trang...

Khách hàng đi metro, xuống các ga theo đường nối đến trung tâm thương mại mua sắm, ăn uống và ngược lại mà không cần phải “trồi” lên mặt đất...

Nhưng hiện nay chưa có hệ thống metro nên chưa có đường dẫn, các trung tâm ngầm tạm thời hoạt động độc lập, chưa kết nối với nhau được.

Ngày 8-8 vừa qua, bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám đã động thổ, do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS) làm chủ đầu tư. Công trình có hơn 103.000m2 sàn, trong đó có một khu năm tầng hầm làm bãi đậu xe, công suất 600 xe lên xuống một giờ, sức chứa hơn 3.300 xe máy, ôtô con, xe buýt, xe tải với hàng chục ngàn lượt xe ra vào khu vực này mỗi ngày. Công trình còn dành riêng một khu vực ba tầng hầm để làm khu thương mại - dịch vụ.

Hiện bao quanh công viên Lê Văn Tám là ba tuyến đường Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ với lưu lượng giao thông khá cao. Nhưng bốn đường dẫn đến cửa hầm cho xe lên xuống đều được bố trí trên hai tuyến đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ. Nhiều người băn khoăn nếu hình thành bãi đậu xe, kết hợp trung tâm thương mại thì lượng xe đổ về đây rất lớn và có nguy cơ gây ùn tắc giao thông nặng hơn.


Phải quy hoạch, quản lý không gian ngầm

Trước đây, để khuyến khích nhà đầu tư xây dựng các công trình ngầm, TP.HCM có một số chính sách như miễn tiền thuê đất, hỗ trợ nhà đầu tư... khi triển khai dự án. Tuy nhiên, nghị định 39 về quản lý không gian xây dựng ngầm (có hiệu lực từ ngày 25-5-2010) quy định: nhà đầu tư sử dụng đất ngầm cho mục đích kinh doanh phải trả tiền thuê đất, các địa phương phải quy hoạch, quản lý không gian ngầm...

IUS trấn an quá trình lập dự án đã tính đến phương án điều tiết giao thông của khu vực này, nhưng nhiều người vẫn chưa an tâm là phương án của IUS có thể giải tỏa ách tắc giao thông tại khu vực khi mỗi ngày có hàng chục ngàn lượt xe ra vào bãi đậu xe ngầm.

Theo kế hoạch, cuối năm nay một dự án bãi đậu xe ngầm khác cũng được khởi công tại khu vực sân khấu Trống Đồng (Q.1) do Công ty TNHH tập đoàn Đông Dương làm chủ đầu tư, với tổng số vốn gần 883 tỉ đồng. Đây là công trình bãi đậu xe ngầm nhiều tầng, kết hợp trung tâm thương mại - dịch vụ và cả sân khấu, được xây dựng trên khu đất hơn 5.300m2.

Hai bãi đậu xe ngầm quy mô khác tại sân vận động Hoa Lư, sân bóng đá Tao Đàn (Q.1) cũng được các nhà đầu tư đăng ký và triển khai trong thời gian tới. Và nhiều dự án cao ốc khác tại Q.1 đang và sắp triển khai cũng tính đến việc xây thêm các tầng ngầm để tận dụng các vị trí “đất vàng”...

Làm riêng lẻ, khó kết nối

Nhiều ý kiến cho rằng việc “chui” xuống đất xây dựng công trình là xu hướng hiện đại khi đất chật người đông. Có ý kiến còn nói rằng không gian ngầm tại TP là “mỏ vàng” chưa được khai thác.

Theo kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, khi giao thông nổi không đáp ứng được nhu cầu cho lượng xe quá đông thì phải tìm cách “chui” xuống đất, điều này phù hợp với xu hướng phát triển hiện đại. Nhiều nơi trên thế giới sử dụng không gian ngầm để làm những dự án giao thông và diện tích dành cho giao thông tại đây gấp nhiều lần so với diện tích giao thông trên mặt đất. Điều này là tất yếu khi muốn phát triển đô thị “nén”. Tuy nhiên, ông Lưu cho rằng việc sử dụng không gian ngầm ra sao phải có quy hoạch đồng bộ, tính toán thật kỹ.

Ở các đô thị lớn của các nước, người ta sử dụng không gian ngầm như trên mặt đất, không chỉ để xe mà còn kết hợp xây dựng các trung tâm thương mại dịch vụ... Những công trình ngầm hoặc các công trình nổi có tầng ngầm đều được quy hoạch để nối kết, liên thông với nhau như một đô thị ngầm trong lòng đất và giao thông lên xuống được bố trí phù hợp nhằm giảm tải áp lực cho khu trung tâm.

Cao ốc: nhiều hơn, cao hơn


Tòa nhà hình hoa sen 68 tầng ở Q.1 khi nào sẽ bị cao ốc khác “qua mặt” về chiều cao? - Ảnh: Thuận Thắng
Nhà cao tầng gần như chiếm lĩnh mặt tiền các đường lớn ở trung tâm TP.HCM như đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi và có xu hướng cao dần. Chỉ một đoạn đường Nguyễn Huệ dài khoảng 500m, từ đường Tôn Đức Thắng vào trung tâm thành phố, đã có đến bảy tòa nhà cao trên dưới 20 tầng ở hai bên đường.

Cách đây vài năm, tòa nhà cao nhất TP là Trung tâm Thương mại Sài Gòn (37 Tôn Đức Thắng, Q.1) với 33 tầng và là điểm tham quan của nhiều người muốn ngắm toàn cảnh thành phố. Đến nay, kỷ lục của tòa nhà này đã đi vào quá khứ khi hàng loạt cao ốc khác được thành phố chấp thuận quy hoạch với tầng cao lên đến 50, 60 tầng.

Cao nhất TP hiện nay là tòa tháp hình hoa sen của Công ty sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh (Bitexco) 68 tầng. Tòa nhà này không nằm hẳn ở mặt tiền đường Hàm Nghi (Q.1) mà lùi sâu vào góc chéo của các đường Hải Triều, Hồ Tùng Mậu và Ngô Đức Kế.

Thông tin cho biết khu vực này được cho phép xây đến 90 tầng. Tòa nhà cao hơn 260m này sẽ có gần 38.000m2 văn phòng, 11.000m2 diện tích gian hàng bán lẻ các loại. Dự kiến tòa nhà này có sức chứa hơn 9.000 nhân viên văn phòng và hàng ngàn lượt người thường xuyên lui tới trong khu vực trung tâm thương mại.

Cách tòa nhà Bitexco không xa, ngay góc đường Hàm Nghi và Tôn Đức Thắng là tòa cao ốc Saigon M&C cao 41 tầng và năm tầng hầm, đang xây dựng. Dự kiến tòa nhà này sẽ có 23.000m2 làm thương mại dịch vụ, 49.000m2 văn phòng cho thuê và 45.000m2 căn hộ để ở.

Sắp tới, trung tâm thành phố còn một tòa nhà cao nữa là tòa tháp SJC tại khu tứ giác giới hạn bởi bốn đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi - Nguyễn Trung Trực - Lê Thánh Tôn. Theo thông tin ban đầu, công trình trung tâm thương mại tọa lạc trên lô đất rộng 4.000m2 này cao gần 60 tầng, sẽ là nơi trưng bày vàng bạc đá quý tầm cỡ quốc tế. Một khu “đất vàng” khác ở trung tâm Q.1 là tứ giác nằm giữa các đường Phó Đức Chính - Phạm Ngũ Lão... cũng được quy hoạch cao đến 55 tầng.

Nếu như những tuyến đường lớn của trung tâm TP, cao ốc vươn cao đến 50-70 tầng thì trong những đường có lộ giới nhỏ như Thái Văn Lung, Lê Thánh Tôn, Thi Sách... cũng không chịu thua. Nhiều nhà cao trên dưới 20 tầng đã mọc lên ở những con đường này. Cao ốc văn phòng số 2-4-6 Lê Thánh Tôn cao 22 tầng, tiếp đó là các tòa nhà số 20, 22 Lê Thánh Tôn cao 15-17 tầng... Những tòa nhà cao tầng liên tiếp nối nhau chiếm hết không gian bên trên khiến con đường này hẹp lại.

Không chen nổi vào các “khu đất vàng” của trung tâm TP, nhiều chủ đầu tư có xu hướng dạt ra các quận gần trung tâm. Theo đó, Q.11 và Bình Thạnh đang là những “điểm nóng” về xây dựng cao ốc.


DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO