“Cảnh giác” với nhà nhỏ ngoại thành hút khách

Cập nhật 27/06/2010 08:50

Với số tiền tích cóp khoảng 500 triệu đồng, không thể chen chân vào khu vực nội thành hay các quận lân cận khu trung tâm, nhiều đôi vợ chồng trẻ quyết định chuyển hướng sang tìm kiếm nhà ở khu vực ngoại thành.

Với số tiền tích cóp khoảng 500 triệu đồng, không thể chen chân vào khu vực nội thành hay các quận lân cận khu trung tâm, nhiều đôi vợ chồng trẻ quyết định chuyển hướng sang tìm kiếm nhà ở khu vực ngoại thành.


Căn nhà trị giá mấy chục triệu đồng của chị N.T.H nay chỉ là đống gạch vụn.

Anh Tiên và chị Hiền cùng làm tại một công ty gia công phần mềm cho nước ngoài có trụ sở tại quận Tân Bình. Thu nhập của 2 anh chị cộng lại gần 20 triệu đồng/tháng. Nhưng vì còn phải phụ giúp gia đình nuôi em ăn học nên mỗi tháng anh chị chỉ dành dụm được 7 - 8 triệu đồng. Vì vậy, dù đã cưới nhau được 4 năm trời nhưng anh chị vẫn chưa đủ tiền mua nhà riêng.

Sau nhiều lần bàn bạc, anh chị quyết định ra quận 12 để tìm mua một căn nhà nhỏ, phù hợp với thu nhập của mình hơn là cố dành dụm để mua nhà ở khu trung tâm. Cuối cùng, anh Tiên cũng mua được 1 căn nhà 30m2 gồm 1 trệt, 1 lầu trong 1 con hẻm nhỏ ở phường Tân Thới Nhất với giá 450 triệu đồng. Anh cho biết: “Đi làm xa một chút nhưng có nhà riêng thì tiện hơn nhiều”.

Quanh khu công nghiệp Tân Bình và các khu nhà trọ công nhân ở quận 12 có khá nhiều “đại lý nhà đất” theo dạng “đặt cục gạch, treo tấm biển” rao bán đất nền. Đất ở các đại lý này rao chủ yếu là ở Bình Dương với giá 60 - 90 triệu đồng/nền tùy diện tích; hay nền đất ở Hóc Môn, Củ Chi (TPHCM) với giá từ 70 - 120 triệu/nền diện tích từ 60 - 100m2.

Chị Hòa, một đại lý ở đường Tân Thới Nhất 08 cho biết: “Nhiều công nhân gốc Bắc vào đây làm ăn lâu năm đều muốn mua một mảnh đất để định cư. Nhưng công nhân làm cả chục năm trời, gom góp được vài chục triệu là may rồi, làm sao dám mơ nhà trung tâm thành phố”.

Chị Hòa cho biết thêm: “Trước nhiều người mua ở Vĩnh Lộc, Bình Chánh. Nhưng nay đất ở đó cũng đắt quá, với lại chính quyền cũng làm gắt vụ xây nhà trái phép nên đa số chuyển sang Hóc Môn, Củ Chi”.

Dọc tuyến quốc lộ 22, đoạn qua địa bàn huyện Củ Chi cũng xuất hiện chi chít những “đại lý nhà đất” với những lời rao hấp dẫn như nền 5x15=60 triệu; 5x20=80 triệu… Những dạng đất nền này đều là đất vườn, đất nông nghiệp được san lấp, phân lô rồi bán nên thủ tục xin giấy phép xây dựng rất trần ai.

Nhiều người cũng ngại việc lo thủ tục xây nhà nên cố tìm những căn nhà, giá vừa phải để mua thay vì mua đất nền. Do đó, những căn nhà nhỏ ở các quận ngoại thành rất được giới “cò đất” ưu ái.

Chị Hòa cho hay: “Nhà 200 triệu cũng có. Nhưng diện tích chỉ được 20 - 30m2 thôi, mà chủ yếu là ở phường Tân Thới Hiệp, Tân Chánh Hiệp (quận 12) mới có. Ở Củ Chi thì với số tiền này có thể mua nhà chừng 30 - 50m2. Nhà dạng này hiện rất hút khách, có hàng là có người mua ngay”.

Tuy nhiên, chị cũng cảnh báo: “Đừng thấy người ta bán rẻ quá mà ham mua liền. Nhà ở khu vực này có giá tầm 10 triệu/m2 là tốt rồi. Ai bán quá thấp so với giá bình quân thì phải cẩn thận”.

Đơn cử như trường hợp chị N.T.H vừa mua căn nhà 35m2 với giá 75 triệu hồi cuối năm 2009 bằng giấy tay. Thấy nhà rẻ, hợp túi tiền, lại mới xây xong phần khung anh chị liều mua ngay. “Chồng” tiền xong, anh chị dọn đồ về ở, tính đợi dành dụm thêm sẽ xây dựng hoàn thiện căn nhà cho tươm tất. Ai ngờ đâu, một tuần sau phường đưa giấy đòi cưỡng chế tháo dỡ căn nhà vì xây dựng trái phép.

Hay trường hợp anh Việt, vốn bị bại liệt 1 chân, tất bật ở TPHCM cả chục năm trời, dành dụm và vay mượn người thân được vài trăm triệu định mua căn nhà để cưới vợ. Nghe “cò đất” nỉ non “thấy con tật nguyền cô thương cô bán rẻ cho căn nhà này”, anh cứ tưởng là gặp phải “quý nhân” nên đặt cọc ngay 50 triệu để mua căn nhà hơn 70m2 ở quận 12 với giá 450 triệu đồng.

Ai dè khi anh đem giấy tờ nhà (bản photo) ra phường hỏi thì mới hay là căn nhà này nằm trong diện quy hoạch, chờ giải tỏa. Anh tá hỏa xin hoàn lại tiền đặt cọc thì “cò đất” lật bài: “Mua thì chồng đủ tiền, không mua thì mất tiền cọc”.

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí