Cảnh giác "cò" nhà đất!

Cập nhật 02/03/2010 10:05

Các khu đô thị mới đã xuất hiện tại Hà Nội từ hơn 10 năm nay nhưng cơ chế quản lý mấy trăm tòa nhà với cả trăm ngàn hộ dân đang sinh sống vẫn còn bùng nhùng. Thế nên, tranh chấp dân sự tại các tòa nhà liên tục nổ ra và phần thua thiệt cuối cùng thường thuộc về khách hàng.

Sau tết là thời điểm nhu cầu thuê nhà của học sinh, sinh viên, công nhân và người lao động nhập cư tăng vọt. Từ đó nảy sinh nhiều hình thức “cò” với các chiêu thức làm tiền khác nhau. Nếu không cảnh giác, người thuê sẽ chịu nhiều thiệt thòi.


Bảng quảng cáo dịch vụ nhà đất mọc lên khắp nơi. Ảnh: Th.Thu

Tiền mất tật mang

Chị Lam Khanh, công nhân làm việc ở khu chế xuất Tân Thuận (quận 7 TPHCM) kể về quá trình tìm nhà thuê của mình như sau: “Từ một mẩu quảng cáo đăng trên báo, tôi liên hệ với một “cò” tên Giang. Sau khi hứa chắc nịch sẽ giới thiệu nhà đến khi nào tôi ưng ý, anh ta yêu cầu nhận trước 150.000 đồng gọi là phí xăng dầu, điện thoại. Ròng rã suốt 3 ngày trời đi cùng anh ta, tôi đã đến xem hàng chục căn nhà nhưng vẫn không có phòng nào vừa ý. Phòng trọ trông được thì chủ nhà hét giá cho thuê trên trời, còn có mức vừa phải thì cơ sở vật chất tồi tàn, không có nhà vệ sinh, nằm trong hẻm sâu, ngập nước. Thậm chí có nơi chúng tôi đến mấy lần nhưng vẫn không gặp được chủ nhà. Sang ngày thứ tư, anh ta viện lý do xăng tăng giá để đòi thêm tiền phí. Tôi không đồng ý thì người này lập tức trở mặt, cài hẳn dịch vụ chặn cuộc gọi mỗi khi số điện thoại của tôi gọi đến”.

Hai tuần sau, chị Khanh gọi điện lại cho “cò” này nhưng chỉ nhận được câu trả lời quen thuộc từ tổng đài “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được, xin quý khách vui lòng gọi lại sau”.

“Cò” di động may nhờ rủi chịu là vậy nên nhiều người đã cẩn thận tìm đến các trung tâm mua, bán và cho thuê nhà đất có văn phòng, bảng hiệu hẳn hoi. Song tình hình cũng không khá hơn.

Ngọc Dung, sinh viên năm thứ hai, Trường ĐH Hồng Bàng, cho biết: “Sợ gặp phải “cò ma” nên tôi đến một trung tâm mua, bán và cho thuê nhà đất trên đường Trần Văn Đang (quận 3) cho đảm bảo.

Tại đây, tôi được nhân viên trung tâm tư vấn tận tình nhưng yêu cầu nộp trước phí giới thiệu 100.000 đồng, có biên lai ký nhận đàng hoàng nên tạm yên tâm. Vậy mà không ngờ trong ba địa chỉ trung tâm giới thiệu, hai địa chỉ đã có người thuê, một địa chỉ còn lại không có thật. Tôi quay lại trung tâm phàn nàn thì chỉ nhận được lời hứa hẹn khi nào có nhà phù hợp, trung tâm sẽ gọi lại sau. Nhưng chờ hơn một tháng vẫn chẳng thấy ai liên lạc”.

Trước đây, người hoặc dịch vụ môi giới nhà đất chỉ nhận tiền hoa hồng sau khi khách hàng đã tìm được nhà vừa ý. Tuy nhiên, những năm gần đây, trước nhu cầu thuê nhà ngày càng tăng vọt, hầu hết “cò” và các trung tâm môi giới đều yêu cầu khách hàng đưa trước một khoản phí, khi tìm được nhà vừa ý sẽ đưa tiếp phần còn lại. Từ đó dẫn đến nhiều tình huống dở khóc dở cười cho khách hàng, tiền trao nhưng chờ mãi nhà chẳng có.

Chọn mặt gửi vàng

Nghị định 23/2009/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-5-2009 quy định rõ: Những cá nhân, tổ chức hành nghề môi giới, định giá không có chứng chỉ sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng. Tổ chức sử dụng nhân viên môi giới, định giá không có chứng chỉ bị phạt 30-40 triệu đồng. Tổ chức kinh doanh bất động sản không đủ số người có chứng chỉ môi giới, định giá hoặc vi phạm các nguyên tắc về môi giới bất động sản sẽ bị phạt 60-70 triệu đồng…
Đi dọc nhiều tuyến đường ở TPHCM hiện nay như Trần Văn Đang, Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), Nguyễn Khuyến, Bùi Đình Túy, Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thượng Hiền (quận Phú Nhuận)… không khó để nhìn thấy các bảng hiệu dịch vụ “cò” nhà đất mọc lên nhan nhản.

Thậm chí nhiều bảng chỉ có tên người và số điện thoại cần liên hệ đặt chỏng chơ trên lề đường, không hề có văn phòng hoặc người đại diện trực tiếp. Đa số các dịch vụ môi giới nhà đất hiện nay đều không chuyên, làm ăn tự phát, không có chứng chỉ hành nghề và giấy phép đăng ký hoạt động.

Trong khi đó, theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản (ban hành ngày 29-6-2006): “Tổ chức, cá nhân khi kinh doanh dịch vụ bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, đăng ký kinh doanh dịch vụ bất động sản theo quy định của pháp luật…

Tổ chức, cá nhân khi kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải có ít nhất một người có chứng chỉ môi giới bất động sản”. Khi xảy ra sự cố, khách hàng thường phải chịu thiệt thòi vì không biết đòi hỏi quyền lợi ở đâu. Việc kiện tụng, đòi bồi thường khá rườm rà, trong khi mức thiệt hại nhỏ (dưới 2 triệu đồng) nên nhiều người đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

Do đó, để đảm bảo quyền lợi của mình, người thuê nhà nên đến các trung tâm, tổ chức môi giới bất động sản có giấy phép đăng ký hoạt động rõ ràng. Ngoài ra, đối với các hợp đồng thuê nhà có thời hạn từ 6 tháng trở lên, người thuê nhà phải yêu cầu công chứng hợp đồng để bảo đảm các quyền lợi về sau, tránh tiền mất tật mang một cách oan uổng.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng