Cảng chờ đường, đường chờ… giải tỏa

Cập nhật 29/07/2009 08:30

Tuần qua, hai con đường dẫn đến 2 khu cảng biển lớn của TPHCM liên tục bị tắc. Hàng trăm xe container, xe tải cùng nhiều loại phương tiện giao thông khác phải nằm hàng giờ trên đường, có xe trộn bê tông phải tháo đổ bê tông để tránh bê tông đông cứng trong xe.

Thi công cầu Giồng Ông Tố 2. Ảnh: Cao Thăng.

Tuần qua, hai con đường dẫn đến 2 khu cảng biển lớn của TPHCM liên tục bị tắc. Hàng trăm xe container, xe tải cùng nhiều loại phương tiện giao thông khác phải nằm hàng giờ trên đường, có xe trộn bê tông phải tháo đổ bê tông để tránh bê tông đông cứng trong xe.

Liên tỉnh lộ 25B: Mới có 1% đất để thi công

Liên tỉnh lộ 25B là trục đường duy nhất nối đến khu cảng Cát Lái của TPHCM. Đây là một khu cảng tập trung khá nhiều cảng của nhiều doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như Sai Gon Petro, Petexchim, Vitaico… và đặc biệt là Tân Cảng, một cảng container mới được di dời từ trong nội thành ra. Nói Tân Cảng đặc biệt là vì Tân Cảng có một vị trí rất quan trọng trong hoạt động hàng hải của đất nước. Nơi đây tiếp nhận tới gần 50% lượng container, tương đương hơn 2 triệu teu ra, vào hệ thống cảng biển Việt Nam.

Liên tỉnh lộ 25B thiết yếu là thế, nhưng hiện chỉ rộng 8m và một lề bộ hành rộng 5m. Những xe chở container 40 feet phải khéo léo lắm mới qua được những đoạn cua gắt. Vài năm nay, Liên tỉnh lộ 25B luôn đứng đầu trong danh sách những trục đường thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông của thành phố.

Ngay sau khi di dời Tân Cảng từ nội thành ra Cát Lái, chính quyền TPHCM cũng đã tính toán đến việc mở rộng Liên tỉnh lộ 25B cho phù hợp với yêu cầu vận chuyển hàng hóa ở đây. Nhưng mãi đến năm 2008, TPHCM mới tìm được nhà đầu tư chịu ứng vốn xây dựng cho thành phố, đó là Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (CII).

Theo ông Dương Quang Châu, Phó Giám đốc Đầu tư Kinh doanh của CII, lộ giới toàn tuyến Liên tỉnh lộ 25B lên tới 60m nhưng trước mắt CII chỉ làm một phần. Phần này rộng khoảng 16m (5m lề đường và 11m lòng đường). Khi phần đường mới này hoàn thành, việc giao thông ở đây sẽ được tổ chức lại theo hướng một chiều ra và một chiều vào Cát Lái. Tất nhiên, sau đó CII sẽ tiếp tục thi công nốt phần đường còn lại cho đủ 60m.

Cũng theo ông Dương Quang Châu, ngày 19-5-2009 vừa qua, TPHCM đã ký hợp đồng ứng vốn đầu tư với CII và hơn một tháng sau, ngày 26-6-2009 CII đã khởi công xây dựng cầu Giồng Ông Tố (một trong 2 cầu quan trọng trên trục Liên tỉnh lộ 25B). Tuy nhiên, từ đó đến nay, mọi việc đã dừng lại.

Ông Dương Quang Châu cho biết, toàn bộ diện tích đất cần thiết để thi công công trình, ước khoảng 30ha nhưng hiện chính quyền địa phương mới giao 3.000m² cho CII để thi công cầu Giồng Ông Tố. Phần đất này không đủ cho CII thi công cầu, do vậy việc thi công cầu Giồng Ông Tố vẫn được thực hiện chủ yếu… giữa sông (đóng các cọc khoan).

TPHCM đã giao cho UBND quận 2, địa phương có dự án đi qua và Công ty Phát triển Nhà Phú Nhuận, chủ đầu tư dự án có phần đất phải giải tỏa để xây dựng Liên tỉnh lộ 25B, có trách nhiệm bàn giao mặt bằng thi công sớm cho CII nhưng hiện chưa thấy động thái gì. Trong khi đó, CII đã chuẩn bị sẵn kinh phí, thiết kế cơ sở con đường đã được Sở Giao thông Vận tải thẩm định, nhưng CII không dám tổ chức đấu thầu, chọn nhà thầu, vì không biết bao giờ mới có mặt bằng để thi công.

Đường nối vào Khu cảng Hiệp Phước... cũng chờ mặt bằng

Chưa đi vào hoạt động sôi động như Cát Lái nhưng khu cảng Hiệp Phước cũng đã bắt đầu “nên hình, nên dáng”. Tại đây đang có hàng loạt cảng được xây dựng như cảng SPCT (cảng của một trong những nhà đầu tư cảng biển lớn trên thế giới: Dubai World), cảng Sài Gòn-Hiệp Phước (của cảng Sài Gòn di dời ra)… Cảng SPCT đang tích cực thi công những hạng mục cuối cùng để có thể đi vào hoạt động trong tháng 11-2009 như chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân.

Ở Cát Lái, dù xảy ra tình trạng cảng đang dần hình thành nhưng đường phù hợp vẫn chưa có. Hiện tại nối đến khu công nghiệp Hiệp Phước (các cảng đều nằm trong khu công nghiệp này) chỉ có một con đường Nguyễn Văn Tạo. Đây vốn là con đường nội bộ của địa phương, trọng tải chỉ khoảng 8 tấn, nhưng thời gian gần đây phải “cõng” hàng ngàn chuyến xe có trọng tải hàng chục tấn từ trong khu công nghiệp đi ra nên đã xuống cấp trầm trọng.

Cách đây nhiều năm, UBND TPHCM đã yêu cầu chính quyền địa phương cải tạo lại con đường này và xây dựng thêm một con đường mới, dài khoảng 2,2km nối từ khu công nghiệp Hiệp Phước ra cầu Bà Chiêm để giảm tải cho đường Nguyễn Văn Tạo. Nhưng đường Nguyễn Văn Tạo vẫn xuống cấp mà đường mới thì chưa thấy. Hậu quả là tuần qua, tại đây đã xảy ra một vụ ùn tắc giao thông với thời gian kỷ lục: gần 10 tiếng đồng hồ.

Thậm chí, trung tuần tháng 7-2009, đích thân Chủ tịch UBND TPHCM, Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo UBND huyện Nhà Bè - nơi có trục đường Nguyễn Văn Tạo và đường mới dài 2,2 km đi qua phải sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Lãnh đạo huyện Nhà Bè cũng đã hứa sẽ bàn giao mặt bằng thi công đường 2,2 km, đoạn từ khu công nghiệp Hiệp Phước đến cầu Xa Sạp, cho đơn vị thi công ngay trong giữa tháng 7-2009. Thế nhưng, đến 28-7-2009, Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) chủ đầu tư con đường dài 2,2km cho biết “vẫn chưa nhận được mét vuông đất nào”.

Theo ông Phan Hồng Quân, Tổng Giám đốc IPC, đến đầu tháng 8-2009, IPC sẽ tổ chức đấu thầu chọn nhà thầu thi công. “Tiền đã chuẩn bị đủ, chúng tôi chỉ còn chờ mặt bằng thi công thôi”, ông Quân nói.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng