Cẩn trọng với dự án sinh thái

Cập nhật 12/09/2010 08:25

Khách hàng cần cẩn trọng khi đầu tư vào những dự án có gắn mác sinh thái, bởi có thể bị mua hớ do chất lượng không đúng thực tế.

Khách hàng cần cẩn trọng khi đầu tư vào những dự án có gắn mác sinh thái, bởi có thể bị mua hớ do chất lượng không đúng thực tế.

Chưa bao giờ thị trường bất động sản (BĐS) TPHCM lại có nhiều dự án được chủ đầu tư gắn thêm mác sinh thái nhiều như hiện nay. Theo các chuyên gia địa ốc, chiêu này nhằm tăng giá trị bán ra của sản phẩm, chứ thực sự chất lượng thường không song hành với quảng cáo.

Rạch biến thành sông!

Do không có những bãi biển tràn ngập nắng như ở Nha Trang, Phan Thiết, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu... hay vùng đất có khí hậu mát lạnh với đồi thông trùng điệp như TP Đà Lạt, nhiều nhà đầu tư đã tận dụng tiềm năng sông nước ở TPHCM để phát triển BĐS kèm theo những thảm thực vật xanh ven sông nhằm tạo giá trị gia tăng cho dự án.

Dòng sản phẩm này là căn hộ xanh, biệt thự ven sông có lối kiến trúc mở, lộ thiên, tận dụng không gian tự nhiên và hầu hết dự án thường lùi xa nội đô TP nhưng được kết nối giao thông thuận tiện.

Tại TPHCM, căn hộ xanh đã manh nha từ “điểm nóng” hạ tầng được đầu tư hoành tráng là quận 2, 7 rồi lan sang các quận vùng rìa nội đô như huyện Nhà Bè, quận 9, Thủ Đức. Giới chuyên gia BĐS dự báo xu hướng đầu tư các sản phẩm địa ốc hài hòa với môi trường, nhiều mảng xanh sẽ tạo điểm thu hút cho thị trường.


Một dự án bất động sản với thảm thực vật xanh ven sông tại huyện Bình Chánh - TPHCM. Ảnh: Tấn Thạnh.

Đơn cử như dự án The Boat Club Residence tại quận 9 hướng tới dòng sản phẩm căn hộ, biệt thự ven sông nước. Khu biệt thự được bố trí công viên, rạch nắn dòng nhân tạo, đài phun nước. Các căn hộ chung cư có tầm nhìn hướng ra bờ sông để lấy cảnh quan thông thoáng. Công viên bao quanh các con rạch, cây xanh, lối đi bộ, điểm câu cá, bến du thuyền... nằm dọc dự án.

Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư có vẻ lạm dụng mác sinh thái để chiêu dụ khách hàng mà trong thực tế nhiều tiêu chuẩn không thể đáp ứng. Trong đó, nổi bật là nhiều cao ốc dùng từ “river” để gắn vào tên dự án căn hộ của mình. Theo tiếng Anh, nghĩa của từ trên là dòng sông nhưng thực tế, nhiều dự án chỉ nhìn ra kênh, rạch mà bề rộng chưa đến 2 m – 3 m, thế nhưng vẫn quảng cáo chào bán là nhìn ra sông để tăng thêm giá trị!

Chưa có chuẩn

Chạy theo mốt

Theo ông Khương Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc phát triển BĐS sinh thái đang là xu hướng chung mà cả thế giới nỗ lực hướng đến nhưng ở Việt Nam, việc này được nhìn nhận dưới góc độ chạy theo mốt để lòe khách hàng nhằm kiếm lợi nhuận nhiều hơn. Ông Mười cũng cho rằng hiện ở Việt Nam chưa có một chuẩn mực để đánh giá đâu là BĐS sinh thái chính hiệu và đâu là “ăn theo”. Song việc các chủ dự án bắt đầu chú trọng đến yếu tố này cũng là một tín hiệu tích cực.
Do nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, hiện nay, có khá nhiều dự án được gắn mác sinh thái nhưng thực tế không hề có gì cả. Trong khi thị trường BĐS sinh thái ở châu Âu đã phát triển khá lâu và ở đó, người ta đã đưa hệ thống đánh giá chuẩn mực cho các tiêu chí sinh thái thì ở Việt Nam, khái niệm sinh thái là “gần gũi với thiên nhiên”.

Hiện vẫn chưa có chuẩn mực cụ thể cho khái niệm này để khách hàng nhận biết việc đầu tư vào BĐS sinh thái, chứ không đơn thuần là BĐS có yếu tố thiên nhiên.

Theo các chuyên gia địa ốc, hiện Việt Nam chưa có chuẩn để xác định như thế nào là đô thị, biệt thự sinh thái. Điều này có thể dẫn đến tình huống lạm dụng khái niệm để chào bán sản phẩm.

“Các cơ quan quản lý BĐS nên đặt ra tiêu chuẩn nhằm rà soát lại dòng sản phẩm này và phổ biến khái niệm sinh thái để tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng, đồng thời hạn chế sự lạm dụng từ phía chủ đầu tư...” - một chuyên gia địa ốc hiến kế. Mặt khác, các chuyên gia địa ốc cũng cảnh báo khách hàng cần cẩn trọng khi đầu tư vào những dự án có gắn mác sinh thái, bởi có thể bị mua hớ do chất lượng không đúng thực tế.

Ông Nguyễn Xuân Châu, giảng viên bộ môn BĐS - Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng BĐS sinh thái là một xu hướng mới, đánh vào tâm lý ưa thích môi trường sống chất lượng cao, xanh, sạch và yên tĩnh. Song, vẫn có không ít sản phẩm gắn mác sinh thái một cách tùy tiện, được rao bán, rao thuê nhưng chưa chạm đến đẳng cấp này.

Các dự án sinh thái phải ở vị trí xa các khu công nghiệp, nhà máy; hệ số sử dụng đất thấp; mật độ đất dành cho xây dựng chỉ bằng một nửa diện tích được phép kinh doanh; khoảng không gian còn lại dành cho cây xanh, vườn hoa, công viên, sông suối, bãi biển...

Ngược lại, nhà diện tích nhỏ, xây san sát nhau, cao tầng, thiếu mảng xanh, không có sân vườn, thiếu công viên, chưa đầy đủ các dịch vụ tiện ích, môi trường sống kém hoặc ô nhiễm thì chưa phải là sinh thái. “Hiện có không ít chủ đầu tư đã đánh đồng khái niệm nhà vườn với biệt thự sinh thái rồi bán với giá cao” - ông Châu nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động