Việc Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 02/2013/TT-BXD, có hiệu lực kể từ ngày 24/4/2013 đến hết ngày 31/12/2014 đã nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ phía doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, khi bước vào thực hiện, lại lộ diện những băn khoăn.
Ồ ạt xin chuyển đổi
Bộ Xây dựng cho biết, đã tiếp nhận nhiều đơn xin chuyển dự án nhà ở thương mại sang nhà xã hội của các chủ đầu tư tại Hà Nội. Một số dự án đã được đồng ý về nguyên tắc như Tổ hợp chung cư AZ Thăng Long của Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long tại Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức; Khu đô thị mới Trung Văn, huyện Từ Liêm của CTCP Đầu tư xây dựng Hà Nội và một dự án của CTCP Thiết bị vật tư Du lịch.
Ngoài ra, Vinaconex 2 cũng đã có đề nghị được chuyển đổi một tòa chung cư cao tầng thuộc Dự án Khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ (Golden Silk) tại quận Hoàng Mai sang loại hình nhà ở xã hội. CTCP Quốc tế Sơn Hà cũng có chủ trương xin chuyển đổi mục đích xây dựng nhà ở thương mại tại Khu đô thị Kiến Hưng thành nhà ở xã hội.
Nếu không xem xét thấu đáo, làn sóng chuyển đổi sang nhà ở xã hội có thể khiến phân khúc này bị bội cung
|
Mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản chấp thuận cho Dự án Khu nhà ở thương mại cao tầng đô thị Sông Đà tại 143 Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông của CTCP Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà được chuyển đổi sang làm nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để được chính thức chấp nhận chuyển đổi, doanh nghiệp sẽ còn phải làm việc với Tổ công tác hướng dẫn chuyển đổi dự án của Thành phố để được hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ trước khi trình UBND Thành phố quyết định.
Riêng đối với các dự án xây mới nhà ở xã hội, lãnh đạo TP. Hà Nội cho biết, hiện đang có 6 chủ đầu tư đăng ký xây dựng tại 7 địa điểm. Trong năm 2013, Hà Nội sẽ phấn đấu xây dựng, chuyển đổi khoảng 10 dự án nhà ở xã hội và ngay quý II, sẽ có khoảng từ 5 đến 6 dự án khởi công.
Còn vướng mắc và "lăn tăn"
Theo tìm hiểu của phóng viên Đầu tư Bất động sản, hầu hết dự án đề nghị xin chuyển đổi đều mới trong quá trình chuẩn bị đầu tư, chưa hình thành nhà. Đây đều là những dự án nằm ở vị trí đẹp, chủ đầu tư do thiếu vốn, không triển khai được nên xin chuyển sang nhà xã hội để gỡ khó về vốn cho dự án.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một doanh nghiệp đang tiến hành “công cuộc” đi xin chuyển đổi phản ánh, cực chẳng đã thì mới phải xin chuyển đổi, bởi nếu cứ để dự án thương mại thì ngân hàng không cho vay vốn vì không chứng minh được đầu ra.
“Lợi nhuận của các doanh nghiệp khi chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội sẽ thấp đi, nhưng nó sẽ giải quyết được vốn vay và đầu ra cho sản phẩm”, vị lãnh đạo này nói và cho biết thêm, trong quá trình làm việc, có cán bộ vẫn còn “làm khó” doanh nghiệp bằng việc chất vấn rằng chuyển đổi có làm tăng mật độ dân số không và yêu cầu doanh nghiệp phải giải trình, trong khi Thông tư 02 đã có hướng dẫn cụ thể.
Một vấn đề nữa cũng khiến nhiều doanh nghiệp “lăn tăn” khi xin chuyển đổi là thực tế hiện nay, Hà Nội đang có nhiều dự án nhà ở xã hội vẫn ở trong tình trạng dư thừa nguồn cung. Cụ thể, Dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị Đặng Xá 1 (Gia Lâm) có 946 căn hộ, mở bán từ tháng 5/2011 nhưng đến nay, sau 15 đợt mở bán vẫn chưa bán hết; Khu đô thị Đại Mỗ gồm 2 tòa nhà chung cư CT1 và CT2 gồm 124 căn hộ, diện tích từ 53 - 69 m2 cũng mới có rất ít người mua và chuyển về ở.
Chính vì vậy, giám đốc một công ty chuyên đầu tư kinh doanh bất động sản có dự án định xin chuyển đổi cho rằng, nếu việc xây dựng nhà ở xã hội không tính toán kỹ thì cũng rất dễ bị tồn kho giống như nhà ở thương mại hiện nay, bởi không phải người dân không có nhu cầu, mà là không phù hợp với họ. Trong khi đó, nhà ở thương mại nếu có giá phù hợp vẫn bán được tốt, đơn cử như tòa nhà của Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu ở Dự án Kim Văn - Kim Lũ.
Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đưa ra lời cảnh báo, việc chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội nếu không được xem xét cẩn thận, thấu đáo, có thể sẽ khiến thị trường rơi vào trạng thái chuyển từ mất cân đối này sang mất cân đối khác.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán