Cần Thơ: Ngổn ngang nhà siêu mỏng

Cập nhật 09/06/2011 15:15

TP.Cần Thơ tuy chưa xuất hiện tình trạng những ngôi nhà đang sử dụng bị nghiêng lún, đổ sập như ở TPHCM, Hà Nội, nhưng tại đô thị trung tâm miền Tây này lại có thừa nhà siêu mỏng, siêu méo với đủ các hình thù...

TP.Cần Thơ tuy chưa xuất hiện tình trạng những ngôi nhà đang sử dụng bị nghiêng lún, đổ sập như ở TPHCM, Hà Nội, nhưng tại đô thị trung tâm miền Tây này lại có thừa nhà siêu mỏng, siêu méo với đủ các hình thù kỳ dị mọc lên loạn xạ nối đuôi theo những tuyến đường được nâng cấp mở rộng hoặc mở mới.

Điều này đã làm xấu đi bộ mặt đô thị của thành phố, ảnh hưởng đến trật tự kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng và gây nguy hiểm cho chính những người sử dụng công trình...

Loạn nhà siêu mỏng...

Số liệu thống kê từ Sở Xây dựng TP.Cần Thơ cho biết, từ năm 1994, những căn nhà siêu mỏng đã bắt đầu xuất hiện trên địa bàn. Đến giữa năm 2010, riêng ở quận Ninh Kiều đã có đến 128 trường hợp nhà siêu mỏng hoặc có hình thù kỳ dị. Hiện nay, tuy chưa có con số thống kê chính thức, nhưng qua khảo sát tại các tuyến đường mới mở, những ngôi nhà thuộc loại “siêu” này cứ mọc lên nhan nhãn.

Mặc dù trong quy định hiện hành đã nêu rõ: Đối với các tuyến đường mới mở, các dự án được phê duyệt trước ngày 1.5.2008, lô đất đủ chuẩn xây dựng phải có diện tích tối thiểu là 15m2. Con đối với các khu đô thị tự cải tạo, các dự án được phê duyệt trước ngày 1.5.2008, lô đất đủ chuẩn xây dựng phải có diện tích tối thiểu là 25m2.

Tuy nhiên, tại một số tuyến dường mới mở hiện nay, đơn cử là đường Nguyễn Văn Linh có chiều dài chỉ khoảng 1km, nhưng đã có trên chục căn nhà siêu mỏng. Có chỗ, phần đất thâm hậu còn chưa đến 2m, thậm chí là 1m, nhưng chủ nhân của nó vẫn tận dụng triệt để, gắn những máy che di động làm nơi mua bán, sửa xe, mở văn phòng công ty, quán nhậu... Điều này, không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, phá vỡ quy hoạch kiến trúc không gian, làm mất trật tự kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng, mà còn tạo nên bao mối nguy hiểm luôn rình rập những người sử dụng công trình.

Nhà siêu mỏng trên đường Nguyễn Văn Linh.

Khó, nhưng có thể...

Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, một phần là do thời gian qua chưa có chính sách quy định cụ thể. Mặt khác, việc thu hồi phần diện tích quá nhỏ chỉ khi chủ gia có yêu cầu. Nhưng khi đường mở thì phần đất hai bên đường cũng sẽ trở nên “đắc địa”, nên không có hộ nào tự nguyện đứng ra lãnh phần “thiệt” về mình. Bên cạnh đó, nếu người dân có yêu cầu thu hồi, thì các chủ dự án chưa hẳn đã chịu, vì việc quyết toán sẽ rất khó khăn. Do vậy, xét về góc độ nào đó, nhiều hộ dân phải làm liều xây dựng nhà trên diện tích quá nhỏ.

Để khắc phục thực trạng trên, hiện nay, Sở Xây dựng đã đề xuất hai giải pháp trình UBND TP xem xét: Khuyến khích các hộ dân tự thương lượng với nhau để hợp khối công trình, nhằm đảm bảo diện tích công trình đủ chuẩn xây dựng. Tuy nhiên, những phần đất này dù nhỏ nhưng các hộ phía sau muốn mua lại thì giá rất đắt, thường hai bên thỏa thuận không thành công, nên giải pháp này xem ra khó khả khi.

Mặc dù vậy, trong giải pháp thứ hai Sở Xây dựng nêu rõ: Nếu các hộ dân không tự thương lượng được với nhau, thì nhà nước sẽ đưng ra thu hồi và sử dụng điều tiết phần đất đó, có thể sẽ đề xuất sử dụng vào các mục đích công cộng phục vụ cho nhu cầu xã hội và phát triển đô thị.

Trước mắt, Sở Xây dựng đang tiến hành lập quy hoạch đối với các tuyến đường mới mở, trên cơ sở đó kêu gọi đầu tư các dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị dọc hai bên tuyến đường, đặc biệt là cương quyết thu hồi các phần đất quá nhỏ, để hạn chế tình trạng bùng phát nhà siêu mỏng. Hy vọng, với những giải pháp mang tính khả thi, cùng sự kiên quyết của TP, trong thời gian không xa tình trạng nhà siêu mỏng ở Cần Thơ sẽ được giải quyết dứt điểm, trả lại bộ mặt khang trang cho đô thị trung tâm miền Tây này.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động