Cần tháo gỡ vướng mắc về cơ chế và nguồn lực cho nhà ở xã hội

Cập nhật 10/08/2009 15:05

Trước tình hình nhiều đề án, chương trình về phát triển nhà ở còn gặp khó khăn, tiến triển chậm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban chỉ đạo về chính sách nhà ở...

Không phải doanh nghiệp nào cũng mặn mà với các dự án xây dựng nhà ở xã hội.

Trước tình hình nhiều đề án, chương trình về phát triển nhà ở còn gặp khó khăn, tiến triển chậm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban chỉ đạo về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản đã yêu cầu các bộ, ngành hữu quan lập các đoàn kiểm tra, rà soát kết quả các chương trình, đề án tại các ngành, địa phương trọng điểm để đề xuất với Ban chỉ đạo cơ chế, chính sách, biện pháp giải quyết.

Thực tế cho thấy, không phải doanh nghiệp nào cũng mặn mà với các dự án xây dựng nhà giá rẻ, nhà ở xã hội. Theo Cục phó Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản, trở ngại đầu tiên đối với doanh nghiệp là thủ tục đầu tư và vốn. Thủ tục tuy đã giảm nhưng vẫn còn rườm rà và phức tạp, mang tính bao cấp qua cơ chế xin - cho.

Nhiều doanh nghiệp thừa nhận mặc dù tổng số tiền có thể đưa ra lưu thông qua chương trình kích cầu của Chính phủ lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng, song tìm kiếm được nguồn vốn cho các dự án xây dựng nhà chung cư hiện nay không đơn giản do thủ tục thẩm định và thận trọng trong việc thế chấp bằng bất động sản.

Để có được đất sạch ở khu vực các đô thị lớn là một vấn đề nan giải. Những vướng mắc trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng luôn là một vật cản không nhỏ. Bất cập về cơ chế tự thỏa thuận đền bù giữa người dân và doanh nghiệp là đẩy giá đền bù lên cao. Với chi phí tiền đất cao như hiện nay, để xây dựng nên một chung cư giá rẻ là một thách thức không dễ vượt qua.

Về sự hỗ trợ tín dụng từ ngân hàng cho người thu nhập thấp mua nhà, đa số đối tượng công nhân, sinh viên mới ra trường, hay cán bộ công nhân viên khó mà có ngay một lúc khoản tiền mặt 350 - 450 triệu đồng để mua căn hộ.

Nếu mua trả góp, ngoài các thủ tục phải chứng minh để được trả góp, khoản lãi suất trong thời hạn 15 - 20 năm đối với người mua cũng là một khoản tiền lớn. Vì thế, những người có thu nhập thấp ngại mua nhà trả góp.

Vấn đề phân phối nhà ở đến được đúng đối tượng, đúng giá cũng là một sự thách thức. Khi nhà ở đến được đúng người mua thì đã phải qua tay vài ba khâu trung gian và giá sẽ đội lên nhiều.

Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan hữu quan xem xét, đề xuất xử lý các vấn đề vướng mắc như chính sách về đối tượng, giá cho thuê nhà ở công vụ, tiền sử dụng đất, Quỹ tín thác bất động sản, Quỹ tiết kiệm nhà ở, vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng tại các khu chung cư cũ.

Ban chỉ đạo Trung ương sẽ xem xét để chỉ đạo, có quyết sách hợp lý, kịp thời, khắc phục tình trạng khó khăn và chậm trễ trong triển khai các dự án hiện nay. Đặc biệt là cần sớm xây dựng, ban hành chiến lược và quy hoạch phát triển nhà ở đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 làm cơ sở để thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình cụ thể.

Ban chỉ đạo sẽ làm việc với các địa phương, doanh nghiệp để xem xét việc triển khai các đề án, tạo quỹ đất của Nhà nước phục vụ các mục tiêu công ích, chính sách xã hội, điều tiết thị trường và hỗ trợ tái định cư, các chính sách tín dụng cho vay đối với người có thu nhập thấp được mua nhà, thuê mua nhà...


DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy