Cần ngay 30.000 tỷ đồng cho hạ tầng giao thông

Cập nhật 27/02/2010 11:30

Đó là giải pháp cấp bách Sở GTVT vừa đề xuất với UBND TP Hà Nội về việc xây dựng một số tuyến đường trên cao, nút giao thông trọng điểm và một số đoạn đường cần triển khai trong giai đoạn 2010 - 2015 phục vụ đi lại và chống ùn tắc giao thông.

Đó là giải pháp cấp bách Sở GTVT vừa đề xuất với UBND TP Hà Nội về việc xây dựng một số tuyến đường trên cao, nút giao thông trọng điểm và một số đoạn đường cần triển khai trong giai đoạn 2010 - 2015 phục vụ đi lại và chống ùn tắc giao thông.

Trong Tờ trình gửi UBND TP Hà Nội, Sở GTVT nêu rõ: để khắc phục và hạn chế thấp nhất tình trạng ùn tắc giao thông, bên cạnh rất nhiều giải pháp khác nhau thì giải pháp phát triển nhanh cơ sở hạ tầng giao thông bằng cách tập trung xây dựng ngay một số tuyến đường trên cao (cầu cạn) và một số nút giao thông lập thể trong giai đoạn 2010 - 2015 nhằm tận dụng tối đa không gian đường hiện có, giảm thiểu giải phóng mặt bằng là giải pháp vừa có tính cấp bách vừa căn bản và triệt để nhất.


Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông là giải pháp cấp bách, cơ bản và triệt để nhất để phục vụ đi lại và chống ùn tắc tại Hà Nội

Theo đó, những tuyến đường trên cao được đề xuất xây dựng bao gồm: Trên đê Hữu Hồng từ đường Lạc Long Quân đến Yên Phụ (tuyến 1, tạo thêm 2 làn đường); đường vành đai 2, đoạn từ Ngã tư Sở - Ngã tư Vọng - Minh Khai - cầu Vĩnh Tuy (tuyến 2, đảm bảo 4 làn xe chạy); đường vành đai 3, đoạn từ Nội Bài - Thăng Long - Mai Dịch - Linh Đàm - Pháp Vân (tuyến 3);

Trục ga Hà Nội - Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch - Tôn Thất Tùng - Kim Giang - Đường 70 (tuyến 4, đề xuất xây đường trên cao 4 làn xe); trục đường Trần Dung Hưng - Liễu Giai - Hồ Tây (tuyến 5, đề xuất xây dựng từ đường vành đai 1 đến vành đai 3, quy mô 4 làn xe); trục Giảng Võ - Láng Hạ - Thanh Xuân (tuyến 6, vành đai 3).

Các tuyến đường bằng cần đầu tư xây dựng giai đoạn 2010 - 2015: đoạn từ nút giao thông Bưởi - Hoàng Hoa Thám - Văn Cao (mặt cắt 6 - 8 làn xe); đoạn từ Ô Chợ Dừa - Giảng Võ - Voi Phục (vành đai 1, đề xuất đi bằng quy mô 6 - 8 làn xe); đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái (vành đai 1); trục Lĩnh Nam - Kim Đồng - Định Công - Nguyễn Trãi - Yên Hòa - Xuân Thủy - Xuân Đỉnh (Vành đai 2,5).

Cùng với những tuyến đường trên, các nút giao thông ưu tiên đầu tư giai đoạn 2010 - 2015 Sở GTVT đề xuất là: Ô Chợ Dừa, Deawoo, các nút trên đường vành đai 2 và vành đai 3.

Với các dự án cấp bách này, nguồn kinh phí dự kiến do Sở GTVT đề xuất lên tới 32.265 tỷ đồng và tiến độ thực hiện dự kiến đến năm 2015.

Trong buổi làm việc với Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng tại Sở GTVT chiều nay 26/2, ông Nguyễn Văn Khôi (Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) cho biết: “Vấn đề giao thông liên quan đến nhiều lĩnh vực nên phải được giải quyết một cách đồng bộ.

Đối với đường trên cao, UBND TP.Hà Nội và Bộ GTVT sẽ đưa ra những cơ sở khoa học, Sở GTVT cần phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan, ban, ngành để các dự án thực hiện đạt được kết quả cao nhất”.

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí