Cần minh bạch đối tượng mua nhà thu nhập thấp?

Cập nhật 16/07/2014 08:47

Theo nhiều chuyên gia, cần minh bạch đối tượng thu hưởng ưu đãi mua nhà thu nhập thấp, và thay đổi cách phát triển loại nhà này.

Theo nhiều chuyên gia, cần minh bạch đối tượng thu hưởng ưu đãi mua nhà thu nhập thấp, và thay đổi cách phát triển loại nhà này.

Việc phát triển nhà ở dành cho người thu nhập thấp, bên cạnh những hiệu quả ban đầu, vẫn có nhiều quan điểm trái chiều, thậm chí nghi ngờ tính minh bạch của nó, trước hết là ở đối tượng thụ hưởng ưu đãi để tiếp cận loại nhà này.

Khó xác định đúng đối tượng

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội Hà Nội khẳng định, việc xác định lương người thu nhập thấp để hướng chính sách hỗ trợ nhà ở là một bài toán rất khó.

Một khu nhà thu nhập thấp tại Hà Nội (Ảnh/TT)

Theo đánh giá của Tiến sĩ Lê Đình Tri, nguyên Phó vụ trưởng Vụ kiến trúc Quy hoạch (Bộ Xây dựng), mục tiêu tạo điều kiện cho người khó khăn tiếp cận dễ hơn với nhà ở là hết sức nhân văn. Tuy nhiên, thực tế đã có chuyện nhiều người mượn danh thu nhập thấp để mua nhà hưởng ưu đãi.

Một trong những nguyên nhân quan trọng, theo ông Tri, do việc xác định người có thu nhập thấp là rất khó khăn, nếu chỉ căn cứ vào mức lương không phải nộp thuế thu nhập. Bởi theo ông Tri, lương thì ai cũng biết, nhưng “cái không phải là lương hay còn gọi thu nhập ngoài rất bí ẩn”. Cho nên, ông Tri lo ngại rằng “người mua nhà có thể rơi vào nhóm người giả nghèo giả khổ”.

Lo lắng này của ông Tri không phải không có cơ sở. Thực tế, cảnh khách hàng “cưỡi xế hộp” đến đăng ký mua nhà thu nhập thấp không hiếm. Hơn nữa, hiện tại, nhiều khu nhà thu nhập thấp ngay trên địa bàn Hà Nội, cư dân của các căn hộ thu nhập thấp đó “dập dìu” đi về bằng xe con không hiếm. Cho dù những hình ảnh đó chỉ là vẻ bề ngoài, khó xác định chủ sở hữu thực sự của những chiếc xe đó, nhưng cảnh tượng đó cũng phần nào là nguyên nhân khiến nhiều người nghi ngờ về tính minh bạch của đối tượng thụ hưởng ưu đãi để mua nhà ở thu nhập thấp.

Chia sẻ bài học kinh nghiệm từ nước Mỹ về phát triển nhà ở dành cho người thu nhập thấp, Ths.KTS Trần Ngô Đức Thọ, cho biết: Tại Mỹ, nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc tạo các cơ chế hỗ trợ các dự án nhà thu nhập thấp. Trong đó, có cơ chế tài chính nhằm đưa giá nhà vào tầm với của khả năng chi trả của các gia đình thu nhập thấp. Còn việc xác định đối tượng thụ hưởng, dựa trên thu nhập bình quân địa phương. Theo đó, gia đình thu nhập thấp khi có mức thu nhập ít hơn 80% thu nhập bình quân của địa phương.

Ông Thọ cho rằng, về lý thuyết, Việt Nam có thể áp dụng được những chính sách của Mỹ sau khi điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của nước ta. Nhưng hiện thực tế nước ta vẫn còn nhiều trở ngại cần khắc phục để có thể học hỏi và triển khai có hiệu quả kinh nghiệm quốc tế.

Hãy để người dân tham gia vào quá trình kiến tạo nhà ở

Bài toán về phát triển nhà dành cho người thu nhập thấp vẫn còn đang vướng nhiều bề. Nhiều chuyên gia cho rằng, để gỡ khó, nhà nước không nên mãi loay hoay trong việc cung ứng sản phẩm nhà ở cho người dân. Thay vào đó, hãy xây dựng chính sách hợp lý để người dân tham gia vào quá trình cung ứng này.

Ông Lê Đình Tri cho rằng, Nhà nước muốn làm tốt chính sách nhà ở thì trước hết phải là tạo ra được cơ chế tốt. “Cho cơ chế tốt còn quý hơn cho tiền mặt và ổn định hơn”.

Còn bà Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) có quan điểm: không cần thiết phải quá cầu kỳ xây nhà thu nhập thấp hàng trăm triệu đồng như hiện nay, vì mỗi đối tượng sẽ có nhu cầu nhà ở khác nhau. Bà Loan đề nghị không nên cứ hướng đến việc để doanh nghiệp xây dựng nhà nữa mà “hãy để người dân tự xây trên cơ sở nhà nước có sự hỗ trợ về tài chính và đất đai”.

Bởi theo Hồ sơ nhà ở Việt Nam của Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UNHABITAT), 80% nhà ở đô thị là do người dân tự xây. Cho nên, giải pháp phát triển nhà ở tốt nhất là nâng cấp tại chỗ. Vì “với mỗi USD Chính phủ đầu tư cho nâng cấp cộng đồng, những hộ nghèo sẽ đầu tư thêm 7 USD từ túi tiền của họ để tiếp tục cải thiện nhà ở của mình. Nhưng cần có sự thừa nhận và đảm bảo an toàn về sở hữu đất”.

Bà Loan còn cho rằng, người nghèo, người thu nhập thấp có thể không đủ khả năng mua được nhà ngay, nhưng họ có thể sở hữu nhà ở thông qua hình thức trả góp. Còn đối với trường hợp vô gia cư, người lao động nghèo, “họ chỉ cần có túp lều chui ra chui vào cũng là hạnh phúc. Việc xây một túp lều chỉ cần mảnh đất 10-20 m2, với giá 20 triệu đồng. Ai có thể nói túp lều không phải là một tổ ấm?”.

Hơn nữa, theo bà Loan, nên quan tâm đến giải pháp người không có việc làm ổn định, không có thu nhập có thể vay vốn thông qua hình thức tín chấp nhờ sự xác thực từ cộng đồng địa phương.

Cùng với đó, ông Trần Ngô Đức Thọ cho rằng, cần thiết để người dân tham gia vào thiết kế nhà ở cho người thu nhập thấp. Kinh nghiệm từ nhiều nước khác cho thấy, tiếng nói của người dân vào công cuộc xây dựng nhà thu nhập thấp càng lớn, tỷ lệ thành công càng cao. Vì rằng, “chính người dân mới biết họ cần gì trong ngôi nhà của mình, kiến trúc sư không thể biết nhu cầu thực sự của mỗi hộ dân”.

DiaOcOnline.vn - Theo VOV