"Có ý kiến nếu đặt trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì thì không phù hợp về cả mặt lịch sử, văn hóa và quốc phòng an ninh, do vậy cần làm rõ cơ sở quy hoạch", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Hà Văn Hiền nhận xét sáng 2/6.
"Có ý kiến nếu đặt trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì thì không phù hợp về cả mặt lịch sử, văn hóa và quốc phòng an ninh, do vậy cần làm rõ cơ sở quy hoạch", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Hà Văn Hiền nhận xét sáng 2/6.
Được giao thẩm tra đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, có rất nhiều ý kiến xung quanh việc xây trung tâm hành chính quốc gia mới.
Những người đồng tình thì cho rằng với quy mô thủ đô vào năm 2030, 2050 thì không thể để trung tâm hành chính như hiện nay (thực tế chưa có trung tâm hành chính quốc gia theo đúng nghĩa, các cơ quan nhà nước được đặt tại nhiều địa điểm phân tán). Việt Nam cần có trung tâm hành chính quốc gia tương xứng với thủ đô của quốc gia có bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa, đang hội nhập và có vị trí quan trọng trong khu vực.
"Tuy nhiên, cũng có ý kiến nếu đặt trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì thì không phù hợp cả về mặt yếu tố lịch sử, văn hóa và quốc phòng an ninh, do vậy cần làm rõ cơ sở quy hoạch trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì, trong khi trung tâm chính trị vẫn ở khu Ba Đình", ông Hiền nói.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, một số ý kiến lại đề nghị không nên tách biệt trung tâm hành chính quốc gia khỏi trung tâm chính trị vì chỉ có một trung tâm hành chính và chính trị quốc gia. Hơn nữa đồ án chưa thể hiện rõ nét sự gắn kết giữa trung tâm hành chính và trung tâm chính trị hiện nay.
"Có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước tách riêng khu vực hành chính có hiệu quả không?", ông Hiền nói.
Xung quanh trục Thăng Long bắt đầu từ đường Hoàng Quốc Việt kéo dài đến chân núi Ba Vì, Ủy ban Kinh tế nhận thấy đây là điểm nhấn quan trọng trong đồ án quy hoạch, sẽ là một trục phát triển trung tâm của Hà Nội sau này. Đặc biệt trục này sẽ phát huy giá trị hơn khi đã hình thành trung tâm hành chính quốc gia.
Ủy ban đề nghị cần làm rõ ý nghĩa và sự cần thiết xây dựng trục Thăng Long, nhất là cần đặt trong quy hoạch các trục giao thông chính song song và gần với trục Thăng Long, diện tích đất nông nghiệp cần thu hồi để làm đường. Hiện đã có nhiều trục song song với trục này, trong đó chỉ cách trục 4 km có đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, quốc lộ 32.
Giờ giải lao, đại biểu đã tập trung quanh sa bàn quy hoạch thủ đô Hà Nội và bàn luận sôi nổi. Ảnh: PV. |
Theo báo cáo của Chính phủ, phấn đấu đến năm 2020, GDP bình quân đầu người của Hà Nội đạt khoảng 5.300 USD, năm 2030 khoảng 11.000 USD (hiện nay là 1.700 USD).
Dân số Hà Nội hiện nay trên 6,4 triệu người, đến năm 2020 dự báo dân số khoảng 7,1-7,4 triệu, đến năm 2030 khoảng 9-9,2 triệu. Đến năm 2050 đạt ngưỡng dân số tối đa khoảng 10,8 triệu người.
Tổng diện tích đất tự nhiên của Hà Nội là 3.344 km2, trong đó đất xây dựng cả đô thị và nông thôn hiện nay khoảng 45.500 ha. Giai đoạn đến năm 2030 cần sử dụng khoảng 120.000 ha đất đô thị và nông thôn; ngưỡng khống chế tối đa đến năm 2050 cần khoảng 132.500 ha (chiếm 40% diện tích tự nhiên).
Về phân bố không gian đô thị, thủ đô Hà Nội được xây dựng phát triển bền vững theo mô hình đô thị trung tâm hạt nhân kết nối với 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn thuộc khu vực nông thôn.
Đô thị trung tâm hạt nhân được giới hạn từ phía nam sông Hồng đến đường vành đai 4 và phía bắc sông Hồng có khu vực Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm - Yên Viên, Long Biên. Đây là trung tâm chính trị, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của thành phố và cả nước. Dự báo đến năm 2030, dân số khoảng 4-4,6 triệu người.
Đô thị vệ tinh gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh và Sóc Sơn. Dự báo dân số 5 đô thị vệ tinh đến năm 2030 khoảng 1,3-1,4 triệu người.
Không gian xanh của thành phố bao gồm hành lang xanh và các không gian xanh đô thị. Trong các không gian xanh đô thị có vành đai xanh sông Nhuệ, gồm hành lang xanh chiếm 70% tổng diện tích đất tự nhiên và hệ thống cây xanh đô thị. Đất cây xanh trong đô thị sẽ được tăng từ 2-3 m2/người như hiện nay lên 10-15 m2/người.
Đến năm 2030, nhà ở khu vực thành thị phấn đấu tăng từ 25,1 m2 sàn sử dụng mỗi người (năm 2009) lên hơn 30 m2 và nhà ở nông thôn tăng từ 17,9 m2 lên hơn 25 m2.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress