Cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi hơn nữa

Cập nhật 17/11/2014 14:36

Với thu nhập và giá nhà như hiện nay, hầu hết người lao động, công nhân tại các KCN khó có khả năng thực hiện được mong muốn “an cư lạc nghiệp” của mình. Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước đã có nhiều chính sách, giải pháp thiết thực như hỗ trợ người lao động từng bước thuê, mua nhà giá rẻ để ổn định cuộc sống.

Với thu nhập và giá nhà như hiện nay, hầu hết người lao động, công nhân tại các KCN khó có khả năng thực hiện được mong muốn “an cư lạc nghiệp” của mình. Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước đã có nhiều chính sách, giải pháp thiết thực như hỗ trợ người lao động từng bước thuê, mua nhà giá rẻ để ổn định cuộc sống.

Khu nhà ở công nhân Viglacera Hạ Long.

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, mặc dù chúng ta đã có chính sách tạo điều kiện cho người dân xây nhà cho công nhân thuê nhưng kết quả lại không như mong đợi khi mới bắt đầu đi vào thực hiện.

Trong quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21/8/2006, thì đến năm 2020 tổng số công nhân, lao động tại các KCN đạt khoảng khoảng 7,2 triệu người. Số công nhân, lao động tại các KCN cả nước có nhu cầu về chỗ ở đến năm 2020 là khoảng 4,2 triệu người tương đương khoảng 33,6 triệu m2 nhà ở.

Hiện vẫn còn khoảng 70 - 80% công nhân lao động tại các KCN chưa có chỗ ở ổn định, vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm. Đa số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các KCN trên cả nước đều phải thuê nhà trọ của tư nhân với giá thuê từ 200.000–300.000 đồng/người/tháng. Các phòng trọ thuê của tư nhân hầu hết đều rất chật hẹp (diện tích sử dụng bình quân từ 2-3m2/người), điều kiện vệ sinh, môi trường không đảm bảo. Trong khi mức thu nhập bình quân hàng tháng của họ còn thấp (từ 3 - 4triệu đồng/người/tháng). Chỗ ở tạm bợ, không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, đời sống của công nhân và làm xáo trộn tình hình trật tự, an toàn xã hội tại nhiều KCN.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, thực tế cho thấy, người dân xây nhà cho công nhân cho thuê hiện rất nhiều nhưng chưa đủ chuẩn, chất lượng xây dựng chưa đạt nên cần phải có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Ngoài ra cần phải có sự vào cuộc của người dân. Cùng với đó, giá cho thuê, giá bán cũng phải có một quy chuẩn riêng.

Mặt khác, nhà trọ, nhà ở cho công nhân vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề về vệ sinh môi trường, các loại dịch vụ, quyền của người lao động trong sinh hoạt ở khu nhà trọ... Trong khi, Nhà nước và DN chưa thể có đủ tiền xây nhà đầu tư cho đối tượng này vì tiềm lực kinh tế còn hạn chế. Vì vậy, việc hỗ trợ và khuyến khích người dân đầu tư xây nhà cho công nhân thuê là giải pháp hợp lý trong thời điểm hiện nay.

Để đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) dành cho công nhân, Nghị định 188/2013/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã bổ sung quy định công nhân, người lao động tại KCN được mua, thuê, thuê mua NƠXH thay vì chỉ được thuê như các quy định trước.

Bên cạnh đó, Chính phủ bổ sung đối tượng được vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng theo NQ 02 đối với hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng NƠXH để cho thuê, cho thuê mua và để bán cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các KCN, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, khu chế xuất, KKT, khu công nghệ cao, các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp (kể cả bên trong và ngoài KCN) của tất cả các ngành, nghề thuộc các thành phần kinh tế…

Ở Việt Nam, có một số mô hình khá thành công, chủ đầu tư cũng đã xây dựng những khu dịch vụ riêng cho nhà xã hội để người thu nhập thấp được sử dụng dịch vụ vừa với túi tiền của mình. Không chỉ lợi về kinh tế, xây nhà ở xã hội còn có lợi cả về mặt xã hội. Khi có nhà, người lao động sẽ yên tâm làm việc, thúc đẩy nền kinh tế phát triển và tránh được các tệ nạn xã hội.

Ngoài ra, cũng cần phải thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội bởi vì nhà ở là tài sản cần vốn lớn nhưng không có nguồn vốn dài hạn thì rất khó khăn, nhất là trong việc cải thiện nhà ở cho người lao động thu nhập thấp. Thế nên rất cần có nguồn và quỹ để tạo vốn dài hạn, từ đó người dân có thể vay mua hoặc thuê nhà ở.

Hiện nay, nhà ở cho công nhân thuê tại các trung tâm công nghiệp đều do tư nhân đầu tư tự phát, thiếu kế hoạch, chất lượng kém… Nếu được hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi, người dân sẽ hướng đến việc xây dựng các khu nhà đạt chuẩn và tham gia cho thuê theo khung giá thống nhất do địa phương ban hành. Có như vậy, mới thật sự hấp dẫn để khuyến khích các nhà đầu tư (doanh nghiệp, cá nhân) tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân cũng như tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội tiếp cận chỗ ở đảm bảo cho cuộc sống của họ…


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng