Chủ những dự án căn hộ siêu sang khi mở bán hét giá trên trời và biện minh rằng “chất lượng đi kèm với giá trị và đẳng cấp". Khi thị trường sốt giá, đây là những hàng hot không phải ai muốn mua cũng được.
Chủ những dự án căn hộ siêu sang khi mở bán hét giá trên trời và biện minh rằng “chất lượng đi kèm với giá trị và đẳng cấp". Khi thị trường sốt giá, đây là những hàng hot không phải ai muốn mua cũng được.
Thế nhưng sau chưa đầy nửa năm mở bán, chủ đầu tư của những dự án căn hộ siêu sang đã trở nên ế ấm, giảm giá cũng vắng khách. Những dự án ít ỏi này dường như đang bị cho ra rìa trong lựa chọn của đa số khách hàng.
Ra mắt rầm rộ, âm thầm giảm giá
Một loạt dự án siêu sang rầm rộ mở bán náo động thị trường BĐS song càng về sau này thì càng im ắng. Kinh tế khó khăn, trong khi giá mỗi căn hộ siêu sang được chủ đầu tư "hét" lên đến hàng chục tỷ đồng đã khiến khách hàng thờ ơ quay lưng. Nhiều dự án siêu sang buộc phải giảm giá để tìm khách. Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều căn hộ siêu sang đang được rao bán với mức giá thấp hơn so với thời điểm chủ đầu tư mở bán.
Đơn cử như dự án Saigon M&C tại giao lộ Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng (Q1- TP Hồ Chí Minh) trước đây bán với giá 8,700 - 9,000 USD/m2, nay đã phải giảm xuống còn 7,500-8,000 USD/m2; Còn dự án Sailing Tower đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) từ 100 triệu đồng/m2 giảm xuống còn khoảng 80 triệu đồng/m2; Tương tự, căn hộ SG Pavillon (đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3) giảm từ 110 triệu đồng/m2 xuống còn 85 triệu đồng/m2; Dự án Đảo kim cương ở quận 2 trước một thời đình đám trên thị trường cũng không nằm ngoài quy luật giảm giá, cũng giảm khoảng 20 triệu đồng mỗi mét vuông.
Tại Hà Nội, căn hộ cao cấp tại dự án siêu sang D'.Palais de Louis năm 2011 được chủ đầu tư mở bán với giá tới 145 triệu đồng/m2, nhưng nay trên 1 số trang web nhà đất, căn hộ tại dự án này đang được rao bán có giá 100 triệu đồng/m2.
Mặc dù giảm giá nhưng căn hộ siêu sang vẫn không khuấy động được thị trường. Với phương thức bán hàng nhỏ giọt, giá cao nên thanh khoản của những căn hộ siêu sang khá chậm khiến nhiều người lo ngại doanh nghiệp của những dự án này sẽ gặp khó khăn trong vấn đề tài chính dẫn đến chậm tiến độ là điều khó tránh khỏi.
Như trường hợp dự án Saigon M&C chẳng hạn, mặc dù khi mới công bố, chủ đầu tư dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2011song đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành để bàn giao nhà cho khách hàng.
Khi người giàu không dám tiêu hoang
Kinh tế khó khăn, thị trường BĐS lao dốc nhưng hầu như chủ đầu tư các dự án siêu sang vẫn tự tin về sản phẩm giá cao, dự án độc của mình. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang phải thắt lưng buộc bụng để chống chọi với những khó khăn, cố gắng chèo lái vượt qua thời gian này tránh bị phá sản thì chủ đầu tư dự án siêu sang vẫn cho rằng người giàu tại Việt Nam không phải là ít, đó là chưa kể dự án chủ yếu nhắm vào đối tượng Việt kiều hồi hương.
Một số khác thì tự tin bởi dự án có vị trí đắc địa cùng với chính sách bán hàng nhỏ giọt của mình, chắc chắn dự án sẽ đắt khách. Nhưng trên thực tế ngược lại hoàn toàn. Căn hộ hạng sang không những không gây sự chú ý đối với khách hàng, mà đối với giới đầu tư BĐS, họ cũng rất thờ ơ, thậm chí quay lưng với những dự án này.
Nhiều dự án ế ẩm khiến chủ đầu tư phải "tung" đủ chiêu để "hút" khách. Cũng theo làn sóng "lao dốc" xả hàng của thị trường BĐS, căn hộ siêu sang từ giảm giá, hỗ trợ lãi suất... vẫn bị ế nên nhiều căn hộ rao bán đã phải chuyển sang cho thuê.
Dự án Bến Thành Luxury là 1 ví dụ. Được mở bán từ đầu năm 2010 với giá từ 80 - 120 triệu đồng/m2 nhưng đến nay dự án cũng chỉ mới bán được non nửa, dù chỉ có 88 căn. Được biết, do tình hình bán hàng chậm, nên mới đây, chủ đầu tư đã quyết định chuyển 30 căn thành căn hộ dịch vụ để cho thuê.
Sau khi công bố mở bán rầm rộ được một thời gian, dự án D'.Palais de Louis đến nay cũng mặc dù không chính thức việc giảm giá bán căn hộ siêu sang tại dự án này song lại "tung" ra gói ưu đãi cho khách hàng với lãi suất 0%, vay trong 24 tháng và 1 chỗ đậu ô tô vĩnh viễn cho 20 khách hàng đầu tiên đăng ký mua căn hộ tại dự án này.
Lý giải về vấn đề này, đại diện của chủ đầu tư dự án siêu sang này cho rằng, thị trường BĐS đóng băng, nhiều DN gặp khó khăn và Tân Hoàng Minh cũng không tránh khỏi. Và đông thái này của Tân Hoàng Minh được giới đầu tư BĐS tại Hà Nội đánh giá, đây cũng là cách gián tiếp mà chủ đầu tư hạ giá bán căn hộ tại dự án này nhằm kích cầu người mua.
Song, với mức giá cao chót vót của những căn hộ siêu sang đã từng công bố thì viễn cảnh cho thị trường căn hộ siêu sang ở Việt Nam vẫn còn nhiều mơ hồ bởi thực tế cho thấy, nhiều dự án sau thời gian triển khai rầm rộ rồi bỗng dưng im bặt. Giá BĐS trên thị trường lao dốc mạnh, , nhất là đối với thị trường căn hộ chung cư cao cấp, căn hộ hạng sang cũng sẽ không nằm ngoài quy luật đó.
Theo báo cáo quý 2/2012 của CBRE Việt Nam cho thấy, tại Hà Nội, giá căn hộ hạng sang giảm tới 6,7% so với quý 1/2012. Càng về cuối năm , áp lực về tài chính càng lớn, khối lượng căn hộ tồn kho ngày càng tăng cao, trong khi người mua chưa mặn mà lắm, thì việc chủ đầu tư của những dự án siêu sang giảm giá là điều tất yếu, nếu không nguy cơ ế ẩm sẽ ngày càng hiện rõ.
DiaOcOnline.vn - Theo VEF