Căn hộ cho thuê có phải là "miếng bánh" ngon ?

Cập nhật 15/02/2014 09:47

Thời gian gần đây, thị trường BĐS đang chứng kiến làn sóng chuyển đổi từ căn hộ để bán, phòng khách sạn sang căn hộ cho thuê. Trong bối cảnh thị trường căn hộ bất động sản nói chung chưa có dấu hiệu hồi phục rõ rệt, mảng căn hộ dịch vụ cho thuê, đặc biệt là ở thành phố lớn như Tp.HCM, Hà Nội vẫn được xem là kênh đầu tư ổn định, và hấp dẫn của các nhà đầu tư trường vốn.

Thời gian gần đây, thị trường BĐS đang chứng kiến làn sóng chuyển đổi từ căn hộ để bán, phòng khách sạn sang căn hộ cho thuê.


Trong bối cảnh thị trường căn hộ bất động sản nói chung chưa có dấu hiệu hồi phục rõ rệt, mảng căn hộ dịch vụ cho thuê, đặc biệt là ở thành phố lớn như Tp.HCM, Hà Nội vẫn được xem là kênh đầu tư ổn định, và hấp dẫn của các nhà đầu tư trường vốn.

Ông Jonathan Tizzard, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Định giá Cushman & Wakefield nhận định: "Nhìn chung, phân khúc căn hộ dịch vụ khá tốt so với các phân khúc khác. Với các thời gian thuê linh hoạt hơn và giá cả hợp lý, các căn hộ dịch vụ vẫn được khách hàng rất quan tâm. Thị trường căn hộ dịch vụ được dự báo sẽ có xu hướng chuyển đổi từ căn hộ bán sang căn hộ cho thuê trong thời gian tới ".

Nghiên cứu của CBRE Việt Nam cũng cho thấy, loại căn hộ dịch vụ có thời hạn thuê từ 1-2 năm với mức giá từ 1.000-2.000 USD được nhiều khách hàng ưa chuộng nhất. "Nhu cầu căn hộ dịch vụ tại khu vực phía Tây Hà Nội tăng lên, đặc biệt với căn hộ giá từ 1.000-2.000 USD/tháng Nguyên nhân là số lượng văn phòng ở khu vực Phạm Hùng tăng lên nhanh chóng cùng với cộng đồng người Hàn và Nhật đông đúc ở khu vực này", CBRE nhận định.

Theo tính toán của giới đầu tư, mức lợi tức cho thuê khoảng 5-7%/năm tính theo USD trong khi lãi suất tiền gửi USD hiện chỉ vào khoảng 2%/năm.

Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI đang quay trở lại với Việt Nam, năm 2013 vốn FDI đăng ký đạt gần 22 tỷ USD, vốn giải ngân gần 11,5 tỷ USD. Các nhà đầu tư từ Nhật, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia đang dẫn đầu. Đây cũng là nguồn cầu chính cho mảng căn hộ dịch vụ. Bởi khi mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, các doanh nghiệp FDI sẽ cần thêm nhiều chuyên gia sống và làm việc ở đây.

Việt Nam cũng được xem là điểm đến ưa thích của các chuyên gia nước ngoài, theo kết quả khảo sát 7.000 chuyên gia của HSBC năm 2013. Theo đó, 64% chuyên gia nước ngoài cho rằng thu nhập của họ đã tăng lên khi đến Việt Nam đồng thời 23% người cho biết họ đã chi tiêu ít hơn hẳn khi đến đây.
Vì vậy, phân khúc căn hộ dịch vụ vẫn là miếng bánh ngon được nhiều doanh nghiệp BĐS nhòm ngó. Nhiều dự án căn hộ và khách sạn đang có xu hướng chuyển đổi sang căn hộ dịch vụ trong thời gian tới.

Từ gần hai năm nay, do thị trường trầm lắng, nhiều ông lớn BĐS đã tạm ngừng việc bán ra căn hộ tại một số dự án. Việc làm trên nhằm giữ giá sản phẩm và bảo vệ quyền lợi của nhóm khách hàng đã mua căn hộ trước đó. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cũng xây dựng chiến lược cho thuê dài hạn đối với những căn hộ này.

Trả lời truyền thông, ông Đỗ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho rằng đây là những cách làm hay để giữ giá dự án. Tuy nhiên, sự thành công của chiến lược này phụ thuộc nhiều vào vị trí dự án và tiềm lực tài chính của chủ đầu tư.

"Khi chuyển sang căn hộ cho thuê thì chủ đầu tư vẫn phải đầu tư nội thất. Do đó, những đơn vị có nguồn tài chính tương đối mới có thể kinh doanh kiểu này vì phải sau khoảng 2 năm hoạt động, chủ đầu tư mới có thể thu hồi được vốn. Trong khi đó, nếu kinh doanh căn hộ để bán thì nhanh thu hồi được vốn hơn", ông Lâm cho hay.

Các chuyên gia BĐS cũng cho biết, việc đầu tư căn hộ để cho thuê khá tốn kém. Trong khi đó, nếu nội thất, trang thiết bị bên trong không cao cấp, hiện đại, đơn vị quản lý không chuyên nghiệp thì cũng khó cạnh tranh bởi khách thuê phần lớn là các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam sinh sống và làm việc và phần lớn họ chọn các khu căn hộ cao cấp, phải được quản lý chuyên nghiệp.

DiaOcOnline.vn - Theo Trí thức trẻ