Căn hộ cao cấp: Có khi chỉ là... tự phong

Cập nhật 15/09/2007 10:00

Vài năm trở lại đây, thị trường BĐS có nhiều “căn hộ chung cư cao cấp” được xây dựng và rao bán....

Vài năm trở lại đây, thị trường BĐS có nhiều “căn hộ chung cư cao cấp” được xây dựng và rao bán. Để sở hữu những căn hộ này, người mua cũng phải trả mức giá rất... cao cấp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là đã có rất nhiều chung cư cao cấp lại có dấu hiệu chất lượng… xuống cấp.

Giá bán khác biệt chất lượng

Giá bán của các căn hộ chung cư cao cấp có khi lên tới vài ngàn USD/m2, thế nhưng đã có không ít vụ khiếu nại, kiện cáo về chất lượng công trình của người mua nhà.

Một số cư dân chung cư The Manor ở TPHCM đã đứng tên chung trong một lá đơn khiếu nại về chất lượng chung cư. Theo đơn, trong các căn hộ mà khách hàng nhận được, đá lát sàn, sàn gỗ, gỗ đóng tủ, thiết bị toilet và nhà bếp, cửa không chống cháy… đều khác xa với căn hộ mẫu.

Mới đây nhất, lại xảy ra sự cố sập vữa trát trần tại căn hộ số 1501, tầng 15 nhà 17 T1 (thuộc TCT Vinaconex) khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, cũng là một trong những chung cư cao cấp ở Hà Nội.

Ông Nguyễn Trường Tiến, Phó Tổng giám đốc TCT Xây dựng Hà Nội - người có nhiều năm nghiên cứu về kết cấu - nhận xét: Tôi đã vào những căn hộ có giá bán 1.300-3.000 USD/m2, dễ dàng nhận thấy chủ đầu tư đã “ăn” quá nhiều. Hiện nay, pháp luật chưa có sự phân chia cấp độ nhà cao cấp hay trung bình, cũng chưa có tiêu chuẩn cho các loại nhà, nên việc các chủ đầu tư tự phong “căn hộ chung cư cao cấp” cho sản phẩm của mình để đẩy giá bán lên cao là điều dễ hiểu.

Ông Trần Chủng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, cho biết theo quy định hiện nay, tất cả nhà cao tầng trước khi đưa vào sử dụng phải có giấy chứng nhận chất lượng phù hợp do một đơn vị tư vấn độc lập cấp. Tuy nhiên thực tế hiện nay có rất ít chủ đầu tư các khu chung cư làm việc này.

Cần một thị trường BĐS chuyên nghiệp


“Ngay cả ở các nước phát triển, mua nhà vẫn là một việc rất quan trọng, người ta phải thuê tư vấn có chuyên môn, hiểu biết để đảm bảo giá cả hợp lý và pháp lý hoàn thiện. Còn dân mình đi mua nhà ngay cả khi chưa biết hình dáng nó thế nào, mua khi nhà mới là bản vẽ đến vài năm sau mới giao nhận nhà, nên chuyện tiền nào... không mua được của ấy cũng là dễ hiểu” - Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà nhận xét.

Bình luận về việc nhiều khách hàng gần đây phàn nàn việc họ mua căn hộ chung cư cao cấp, trả giá tiền rất cao nhưng khi vào ở mới phát hiện nó không cao cấp, ông Hà nói: “Mua bán căn hộ chung cư cũng như những loại mua bán khác, là loại hợp đồng dân sự, thuận mua vừa bán và tranh chấp của nó cũng là tranh chấp dân sự. Người bán có quyền quảng cáo, có quyền giới thiệu tốt về sản phẩm của họ, thậm chí là việc gắn mác cho công trình là quyền của người bán mà pháp luật không cấm. Người mua nếu không suy xét kỹ trước khi ký hợp đồng mua bán loại sản phẩm đặc biệt này thì chắc chắn sẽ thua khi có tranh chấp. Đây chính là tính chưa chuyên nghiệp của thị trường bất động sản ở ta”.

Để khắc phục vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng phải từng bước hình thành hệ thống tư vấn, môi giới BĐS chuyên nghiệp để giúp khách hàng cũng trở nên chuyên nghiệp hơn. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang soạn thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh bất động sản, điều kiện chuyển giao dự án... Trong đó dự kiến sẽ đưa ra điều kiện về vốn pháp định nhằm sắp xếp lại hoạt động kinh doanh, môi giới bất động sản đang lộn xộn và không chuyên nghiệp hiện nay.

Theo Nguyên Quân - Sài Gòn Giải Phóng