Cần giảm thủ tục, công khai quy hoạch

Cập nhật 11/05/2010 09:10

Mặc dù hiện nay tất cả các quận huyện của TP.HCM đều áp dụng quy định “một cửa” trong thủ tục xin giấy phép xây dựng (GPXD), thế nhưng nhiều trường hợp người dân vẫn phải chạy 2-3 “cửa” để chứng các loại giấy tờ “con”.

Mặc dù hiện nay tất cả các quận huyện của TP.HCM đều áp dụng quy định “một cửa” trong thủ tục xin giấy phép xây dựng (GPXD), thế nhưng nhiều trường hợp người dân vẫn phải chạy 2-3 “cửa” để chứng các loại giấy tờ “con”.


Người dân làm thủ tục cấp phép xây dựng tại UBND Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Điển hình như đơn xin cấp GPXD nộp ở UBND quận huyện nhưng buộc phải có xác nhận của UBND phường xã về hiện trạng nhà, đất làm mất thời gian 1-2 ngày. Trong đợt rà soát thủ tục hành chính theo đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ - đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, Phòng quản lý đô thị Q.6 cho biết quận đã kiến nghị bỏ thủ tục xác nhận vừa nêu vì không cần thiết. Nếu hồ sơ nào có vấn đề thì UBND quận yêu cầu UBND phường báo cáo là được.

Nên tăng thời hiệu giấy phép xây dựng


Với đề xuất trên, một cán bộ UBND Q.10 cho rằng nếu UBND phường không xác nhận hiện trạng thì quận dễ cấp nhầm GPXD cho nhà đang bị tranh chấp, kê biên... Do vậy, cần liên thông thông tin giữa quận huyện và phường xã để tránh trường hợp đó.

Theo quy định, trong vòng 12 tháng kể từ ngày được cấp GPXD nhưng chưa khởi công công trình thì người dân phải làm đơn xin gia hạn. Giấy phép gia hạn này có hiệu lực trong vòng 12 tháng. Nếu quá hạn, dù chỉ một ngày, người dân phải làm thủ tục xin cấp phép xây dựng lại từ đầu. Việc này khiến người dân phải đi lại, vừa mất thời gian vừa tốn kém chi phí. Trong đợt rà soát thủ tục hành chính theo đề án 30 vừa qua, đa số ý kiến đồng tình với đề xuất bỏ thủ tục gia hạn GPXD đồng thời kéo dài thời hiệu của giấy phép này.

Theo đề xuất của cơ quan có thẩm quyền trung ương thì kéo dài thời hiệu GPXD lên 18 tháng, Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất 24 tháng. Còn Phòng quản lý đô thị Q.6 đề nghị nên kéo dài thời hiệu của GPXD theo đồ án quy hoạch để thuận tiện cho người dân, vì hiện nay các quận huyện chủ yếu dựa vào đồ án quy hoạch để cấp GPXD - có “tuổi thọ” theo quy định từ 3-5 năm. Nếu đồ án quy hoạch điều chỉnh thì thông báo cho người được cấp phép biết để bổ sung thông tin trong GPXD.

Lại còn có quy định sau khi có GPXD, người dân muốn sử dụng lòng đường, vỉa hè để vật liệu xây dựng phải làm đơn xin quận xem xét cấp phép trong vòng bảy ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Hồ sơ này cũng phải có xác nhận của UBND phường, mất 1-2 ngày. Sau đó, cán bộ quận cũng phải khảo sát thực địa trước khi cấp phép sử dụng lòng, lề đường giống như để cấp GPXD.

Một cán bộ Phòng quản lý đô thị Q.6 nói như vậy người dân phải mất thêm một bước lo thủ tục, còn cơ quan chức năng thì lãng phí thời gian khi phải khảo sát, cấp phép đến hai lần. Vì vậy, Q.6 đã đề xuất đưa nội dung cấp phép sử dụng lòng, lề đường vào GPXD nhằm giảm thời gian đi lại, chờ đợi của người dân.

Thông tin quy hoạch là mật?

Hiện nay người dân muốn tìm hiểu thông tin quy hoạch về căn nhà, thửa đất phải có phiếu đề nghị cung cấp thông tin, nộp tại UBND quận huyện. Thời gian để cung cấp thông tin này theo quy định tối đa 20 ngày, còn theo đề án 30 của TP.HCM đề xuất tối đa 10 ngày. Thực tế có quận đã rút ngắn thời hạn cung cấp cho dân nhưng cũng còn một số nơi lại kéo dài gấp 2-3 lần thời gian quy định.

Ngoài ra, đối tượng được cung cấp thông tin quy hoạch giữa các quận cũng chưa thống nhất. Tại Q.Gò Vấp, Q.Tân Phú..., tất cả người dân có nhu cầu tìm hiểu về thông tin nhà, đất (không phải của mình) đều được cung cấp, không bị đòi hỏi phải chứng minh thủ tục, giấy tờ liên quan.

Trong khi đó Q.Bình Tân chỉ cung cấp cho chủ nhà, chủ sử dụng đất hoặc người được chủ nhà đất ủy quyền. Q.Thủ Đức thì yêu cầu người dân phải nộp những loại giấy tờ liên quan, có công chứng để chứng minh rằng việc xin thông tin quy hoạch của họ đã được chủ nhà đồng ý (không nhất thiết phải chính chủ nhà hoặc người được chủ nhà ủy quyền).

Tại Q.6, cá nhân được cung cấp thông tin chia làm hai dạng: đối với người chủ sở hữu nhà, chủ sử dụng đất thì được cung cấp phiếu thông tin từ UBND quận, còn người khác chỉ được cung cấp thông tin qua bản đồ quy hoạch. Trong đề án 30 của TP cũng đề xuất chỉ cung cấp thông tin quy hoạch cho chủ nhà, đất hoặc người được chủ nhà, chủ đất ủy quyền để tránh trường hợp những người làm dịch vụ nhà, đất lợi dụng việc này xin thông tin quy hoạch nhiều nhà, đất nhằm hỗ trợ cho việc môi giới của mình.

Luật sư Lê Thành Kính, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng thông tin quy hoạch về một căn nhà, thửa đất phải công khai. Mọi người dân đều phải biết thông tin đó để quyết định giao dịch, xin giấy phép xây dựng...

Hiện nay chưa có quy định nào cho rằng thông tin quy hoạch của căn nhà, thửa đất cụ thể là thông tin cá nhân của chủ nhà, chủ đất đó nên không cần bảo mật. Đây là thông tin liên quan đến cộng đồng, vì vậy mọi người đều có quyền được biết để bảo đảm quyền lợi của mình.

Thực tế có nhiều trường hợp người mua nhà, đất không nắm được thông tin quy hoạch nên mua nhầm nhà, đất đang có tranh chấp hoặc ở vị trí bị hạn chế về chiều cao, mật độ xây dựng, bị cắt lộ giới... Nếu người bán cố tình che giấu thông tin quy hoạch để lừa dối người mua thì hợp đồng mua bán sẽ vô hiệu. Ở đây, Nhà nước cũng không cung cấp thông tin quy hoạch cho người mua thì lại càng không phù hợp.

Còn theo tiến sĩ - luật sư Phan Đăng Thanh - Đoàn luật sư TP.HCM, Nhà nước phải bảo vệ quyền lợi chung của nhiều người. Nếu có một ai đó sử dụng thông tin quy hoạch của nhà khác làm thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của chủ nhà thì sẽ được giải quyết trên nguyên tắc Luật dân sự.


DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO