Thời gian qua, nhiều công trình, dự án quan trọng của Trung ương và địa phương đã được đầu tư trên địa bàn thành phố. Do đó, công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư (TĐC), giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình là một nhiệm vụ quan trọng...
TP Cần Thơ đang đầu tư xây dựng các chung cư để góp phần giải quyết nhu cầu tái định cư (trong ảnh: Khu chung cư tại khu dân cư Hưng Phú 1, Nam Cần Thơ). Ảnh: ANH KHOA |
Thời gian qua, nhiều công trình, dự án quan trọng của Trung ương và địa phương đã được đầu tư trên địa bàn thành phố. Do đó, công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư (TĐC), giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình là một nhiệm vụ quan trọng được các ngành, các cấp quan tâm, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình, đồng thời chăm lo, ổn định cuộc sống của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, để giải tỏa áp lực TĐC nhằm tạo thuận lợi để triển khai các công trình dự án, cần có quan điểm nhất quán và những giải pháp tổng thể hơn trong vấn đề phát triển nhà ở TĐC trên địa bàn thành phố.
* Những khó khăn, vướng mắc
Hiện nay, trên địa bàn TP Cần Thơ đang triển khai thực hiện khoảng 170 dự án (chưa kể các dự án TĐC) đầu tư xây dựng công trình cần TĐC, với diện tích hơn 1.400 ha, ảnh hưởng trên 29.000 hộ dân, với nhu cầu TĐC khoảng 14.700 nền.
Một trong những nguyên nhân chính khiến tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm là thiếu quỹ nhà, đất TĐC. Thành phố đã chủ trương quy hoạch, xây dựng các khu TĐC tập trung để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển. Hiện nay, đang triển khai thực hiện đầu tư xây dựng 49 khu TĐC tập trung với tổng diện tích 1.167 ha, tổng số nền TĐC quy hoạch dự kiến khoảng 29.250 nền (trong đó cần bố trí TĐC tại chỗ là 5.985 nền).
Theo tính toán của Sở Xây dựng và Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố, đến cuối năm 2009, sẽ có thêm khoảng trên 1.000 nền (từ các dự án TĐC tập trung và quỹ đất các dự án khu dân cư) đưa vào bố trí TĐC và đến cuối năm 2010 dự kiến sẽ đưa vào phục vụ TĐC cho các dự án khoảng 3.000 nền. Từ những số liệu trên cho thấy quỹ nhà, đất TĐC cũng như sự chuẩn bị của thành phố và các ngành là tương đối kịp thời nhưng so với nhu cầu cần phải tiếp tục phấn đấu thêm.
Hiện nay, cùng với việc đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, TP Cần Thơ đang phải đối mặt với những khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch, GPMB, TĐC và quản lý đất đai từ những nguyên nhân sau: Chưa có quỹ phát triển nhà ở (nhất là nhà ở TĐC). Các ngân hàng cho vay đầu tư phát triển nhà ở với thời hạn cho vay quá ngắn, các doanh nghiệp và người dân khó tiếp cận được nguồn vay. Giá đất ban hành hằng năm chưa sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường nhất là đất ở (thổ cư). Quy định của nhà nước về quản lý đất đai, tài chính trong lĩnh vực xây dựng cơ bản; chính sách và thủ tục bồi thường thiệt hại phức tạp và thường thay đổi. Công tác đo đạc lập hồ sơ kỹ thuật đất bồi thường còn nhiều sai sót, dẫn đến chỉnh lý biến động, bồi thường sai làm phiền hà cho người dân cũng như phải điều chỉnh bồi thường thu hồi bổ sung. Một số hộ dân trong khu vực dự án không hợp tác cho đo đạc, kiểm kê, từ đó không có số liệu áp giá bồi thường dẫn đến không lập được hồ sơ, một số hộ không chấp nhận bồi thường theo giá hiện hành. Nhiều chủ đầu tư chưa có mối liên hệ chặt chẽ với địa phương tạo điều kiện phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức tái định cư. Các quận, huyện tham gia vào Hội đồng bồi thường thiệt hại, GPMB quá tải và kiêm nhiệm. Sự phối hợp giữa các bên có liên quan trong công tác bồi thường thiệt hại, GPMB chưa nhịp nhàng, biện pháp thực hiện và cách áp dụng các chính sách mới còn nhiều lúng túng. Đội ngũ cán bộ viên chức thực hiện công tác GPMB còn thiếu, tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa được bồi dưỡng, thiếu quy trình, biểu mẫu thống nhất, từ đó mỗi địa phương làm mỗi khác. Từng lúc, từng nơi còn có quan điểm cho rằng khu TĐC là nơi cần cho các hộ dân bị giải tỏa, nên quy hoạch khu TĐC quy mô nhỏ, chủ yếu phân lô nền, diện tích lô nền nhỏ, thiếu các công trình phúc lợi công cộng, công trình văn hóa xã hội,... Quan điểm đó đã làm ảnh hưởng xấu đến nhận thức về nhà ở TĐC của người dân.
* Giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu tái định cư:
TP Cần Thơ luôn nhất quán quan điểm là lo chỗ ở tốt hơn cho người bị giải tỏa, TĐC. Chúng ta đã, đang và tiếp tục làm việc đó bằng cả trách nhiệm và tấm lòng. Cái thiếu của địa phương là chưa chủ động để có được một quỹ nhà, đất bố trí TĐC cho người bị giải tỏa đầy đủ và kịp thời,...
Quá trình thực hiện TĐC trong thời gian qua đã thể hiện rõ các thuận lợi và khó khăn trong vấn đề TĐC. Trên cơ sở định hướng chung của Thành ủy, UBND thành phố, dựa trên thực tiễn công tác bồi thường thiệt hại GPMB và TĐC, dựa trên nhu cầu của nhân dân và nhu cầu phát triển đô thị, việc nghiên cứu, đề ra quyết sách đầu tư xây dựng các khu đô thị TĐC tập trung là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, là đòn bẩy đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án đầu tư xây dựng trọng điểm, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển đô thị,... Các dự án TĐC hoàn thành đã đóng góp tích cực vào việc giải quyết TĐC, góp phần ổn định cuộc sống của nhân dân, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến trình phát triển đô thị của thành phố.
Xây dựng khu đô thị TĐC sẽ giúp tạo được một không gian sống tiện nghi, có tính tập trung, đồng bộ về hạ tầng và hài hòa về cảnh quan. Quan trọng hơn sẽ xây dựng được môi trường sống có chất lượng tốt hơn và giá trị cao hơn tạo chuyển biến tích cực, cải thiện điều kiện sống hiện tại của nhân dân.
Các khu đô thị TĐC khi được quy hoạch tốt sẽ giúp chính quyền điều tiết được thị trường bất động sản và giải quyết được các vấn đề khó khăn, hạn chế của công tác tái định cư hiện nay.
Để đẩy nhanh công tác xây dựng các khu TĐC tập trung ở địa phương và khắc phục những khó khăn, hạn chế trong vấn đề GPMB và TĐC, thành phố Cần Thơ đã và đang đề ra một số giải pháp cơ bản như sau:
Phải công khai minh bạch mọi chính sách liên quan đến GPMB. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị chu đáo quỹ nhà, đất TĐC và chuyển đổi nghề cho những người nông dân không còn đất sản xuất. Cơ quan bồi thường GPMB khi thu hồi đất phải tính tới việc người bị thu hồi đất sẽ sống ra sao, thu nhập bằng cách nào tại các khu TĐC. Phải chủ động, sáng tạo tìm ra cách đi phù hợp với hoàn cảnh thực tế để tiếp tục làm tốt việc GPMB, TĐC đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Lập quy hoạch xây dựng chi tiết và thực hiện xây dựng các khu TĐC đồng bộ về hạ tầng trước khi quyết định thu hồi đất nhằm đảm bảo ổn định nơi ở và đời sống của người dân bị thu hồi.
Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư và xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội, đảm bảo chất lượng các khu TĐC tập trung đã và đang thực hiện nhằm tạo điều kiện cho các hộ dân đến nơi TĐC sớm ổn định cuộc sống.
Xây dựng và ban hành cơ chế kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các khu TĐC tập trung theo nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất, Nhà nước và nhà đầu tư. Hiện UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng chủ trì dự thảo cơ chế, đã thông qua HĐND thành phố về chủ trương, dự kiến đến cuối năm 2009 sẽ ban hành. Theo đó, khi nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng các khu TĐC tập trung sẽ ứng vốn trước để Nhà nước thực hiện công tác bồi thường, sau đó nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo chất lượng theo quy định; sau khi hoàn thành hạ tầng kỹ thuật nhà đầu tư sẽ bàn giao lại cho Nhà nước diện tích đất ở theo tỷ lệ quy định, Nhà nước sẽ trả lại chi phí đầu tư phần diện tích đất bàn giao theo giá thành dự án, phần diện tích còn lại nhà đầu tư kinh doanh. Nhà nước sẽ hỗ trợ cho nhà đầu tư trong công tác GPMB, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai dự án...
Kiện toàn tổ chức, bộ máy của Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố và các Ban GPMB của quận, huyện làm đơn vị chủ lực trong công tác GPMB và TĐC theo tinh thần của Nghị định số 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ.
Phải đa dạng hóa nhiều loại nhà ở, đất ở TĐC để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân...
Hoàn chỉnh và triển khai đề án đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho các lao động trong khu vực dự án.
Việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở, đất chuyên dùng và đất khác là tất yếu trong quá trình phát triển công nghiệp và đô thị. Quá trình thu hồi đất đặt ra rất nhiều vấn đề kinh tế - xã hội cần được giải quyết kịp thời và thỏa đáng. Phải giải quyết hài hòa lợi ích của xã hội, tập thể và cá nhân những vấn đề nảy sinh trong thực hiện bồi thường, hỗ trợ, TĐC là không thể tránh khỏi. Khắc phục những tồn tại đó sẽ đảm bảo sự ổn định, nâng cao điều kiện sống cho người dân ở những khu vực có đất bị thu hồi, góp phần vào sự vận hành và phát triển của thị trường bất động sản, phát triển đô thị và thực hiện tốt sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Cần Thơ