Hệ thống cơ chế chính sách liên quan đến thị trường bất động sản ở nước ta còn thiếu và chưa tốt, còn nhiều điểm mang tính ràng buộc, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.
Không phải doanh nghiệp nào cũng mặn mà với các dự án xây dựng nhà giá rẻ. |
Hệ thống cơ chế chính sách liên quan đến thị trường bất động sản ở nước ta còn thiếu và chưa tốt, còn nhiều điểm mang tính ràng buộc, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.
Nhận định này được ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đưa ra tại hội thảo: “Thị trường bất động sản Việt Nam: Những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm” vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Thị trường vẫn chờ chính sách
Tại hội thảo, ông Vũ Văn Phấn, Trưởng văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản phân tích: thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh sẽ có tác động tích cực đến nhiều thị trường khác liên quan như thị trường tài chính - tiền tệ, ngân hàng - chứng khoán, thị trường lao động, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng..., góp phần không nhỏ vào chủ trương kích cầu đầu tư, chống suy giảm kinh tế hiện nay của nước ta.
Đồng thời có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao điều kiện sống, sinh hoạt của nhân dân, tạo ra diện mạo mới về kiến trúc, cảnh quan cho đô thị, điểm dân cư nông thôn. Trong đó, chính sách đóng vai trò quan trọng, tác động lớn tới sự phát triển chung của thị trường, đến cung - cầu và giá cả hàng hoá, đến hoạt động kinh doanh bất động sản.
Ông Tống Văn Nga, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết: thời gian qua có rất nhiều ý kiến, đề xuất với các cơ quan quản lý nên có các cơ chế chính sách phù hợp để thị trường bất động sản Việt Nam phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững.
Trên thực tế, chênh lệch cung - cầu của thị trường bất động sản vẫn còn rất lớn. Cho nên tại thời điểm này, nhiều doanh nghiệp vẫn quyết định mạnh dạn đầu tư cho những dự án có tính khả thi cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp rất cần tiếp tục có sự hỗ trợ từ cơ chế chính sách của chính phủ như về thuế, cải cách thủ tục hành chính, chính sách lãi suất cho vay...
Từ thực tế triển khai các dự án bất động sản, ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vincom khẳng định: “Việc giải phóng mặt bằng là vấn đề rất khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp làm việc này sẽ khó nhưng nếu có cơ quan thẩm quyền nào đứng ở giữa thì sẽ dễ dàng hơn. Nếu có chính sách đền bù cụ thể thì sẽ tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bất động sản. Nhìn chung, chính sách luôn luôn bị chậm so với thực tế. Chúng tôi mong rằng, các nhà quản lý cần ban hành những chính sách ngày càng bám sát thực tiễn và nếu như đi trước được nữa để doanh nghiệp dựa vào chính sách triển khai dự án thì sẽ tốt hơn rất nhiều. Có như vậy sẽ tạo điều kiện cho thị trường này phát triển bền vững”.
Chia sẻ những khó khăn, trở ngại trong việc phát triển thị trường bất động sản, ông Lê Duy Hiếu, Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: để tạo ra nhiều nguồn cung cho người có thu nhập thấp thì phải xây dựng được cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này, làm cho giá của bất động sản ở nước ta giảm xuống.
Cần kích cung nhà ở xã hội
Liên quan đến vấn đề trên, bà Vũ Thị Hòa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết thêm, không phải doanh nghiệp nào cũng mặn mà với các dự án xây dựng nhà giá rẻ, nhà ở xã hội. Trở ngại đầu tiên đối với các doanh nghiệp chính là vấn đề thủ tục đầu tư và vốn.
Thủ tục đầu tư tuy đã giảm nhưng vẫn còn rườm rà và phức tạp, còn mang tính bao cấp qua cơ chế xin-cho đối với dự án xây dựng nhà giá rẻ. Về nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, nhiều doanh nghiệp thừa nhận mặc dù tổng số tiền có thể đưa ra lưu thông qua chương trình kích cầu của Chính phủ lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng, song tìm kiếm được nguồn vốn cho các dự án xây dựng nhà chung cư hiện nay không đơn giản do thủ tục thẩm định và thận trọng trong việc thế chấp bằng bất động sản.
Mặt bằng cho xây dựng nhà ở giá rẻ cũng còn vướng mắc. Nếu có đất sạch thì các công ty có thể xây dựng được rất nhiều căn hộ, thế nhưng để có được đất ở khu vực các đô thị lớn là một vấn đề nan giải. Những vướng mắc trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng luôn là một vật cản không nhỏ. Cơ chế tự thỏa thuận đền bù giữa người dân và doanh nghiệp có mặt trái là đẩy giá đền bù ở các đô thị lớn lên cao. Với chi phí tiền đất cao như hiện nay, để hình thành nên một chung cư giá rẻ ở các đô thị lớn là một thách thức không dễ dàng vượt qua.
Sự bất cập của chính sách hiện hành, theo ông Nguyễn Trần Nam, là chưa mang tính chuyên nghiệp từ cơ quan Nhà nước đến các doanh nghiệp liên quan tới các vấn đề này. Để khắc phục thực trạng trên, Bộ Xây dựng đang soạn thảo đề án quản lý thị trường bất động sản và đất đai để trình Bộ Chính trị, hy vọng sẽ có cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện có nhiều doanh nghiệp mới hoạt động kinh doanh bất động sản và kiến thức thì chưa nhiều. Do đó, cần phải đẩy mạnh công tác đào tạo doanh nghiệp làm bất động sản. Sự không chuyên nghiệp còn thể hiện ở ý thức của người dân vẫn còn mang tính bao cấp và ỷ lại rất lớn. Đầu tư vào bất động sản cũng mang tính chất phong trào và theo tin đồn. Các nhận định về thị trườngbất động sản còn mang cảm tính.
Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, về phía Nhà nước chưa đưa ra được những thông tin đầy đủ để cho các cơ quan truyền thông, các chuyên gia cũng như người dân có thể nhận định được xác thực bản chất thị trường bất động sản.
Mặt khác, Nhà nước cũng cần tạo ra cơ chế chính sách để tạo cho doanh nghiệp bất động sản hướng tới các đối tượng khách hàng là người có thu nhập trung bình và thấp. Ông Nam cũng nhận định rằng thị trường bất động sản ở nước ta mới hình thành và mức đóng góp còn khiêm tốn, nhưng trong thời gian tới sẽ phát triển mạnh vì rất có tiềm năng.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy