Như tin đã đưa, UBND TP Hà Nội vừa ký quyết định phê duyệt đề án đầu tư xây dựng thí điểm nhà ở xã hội. Dự kiến đến hết năm 2008, sẽ có hơn 800 căn hộ...
Như tin đã đưa, UBND TP Hà Nội vừa ký quyết định phê duyệt đề án đầu tư xây dựng thí điểm nhà ở xã hội. Dự kiến đến hết năm 2008, sẽ có hơn 800 căn hộ dành cho công nhân các khu công nghiệp (KCN) và trong năm 2009 có 800 căn hộ dành cho CBCNV thuê-thuê mua hoàn thành.
Với loại hình nhà ở cho thuê-thuê mua, thành phố quyết định xây dựng tại Khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên). Trong số 800 căn hộ, tỷ lệ diện tích 35m2/căn (dành cho gia đình trẻ) chiếm 20%; 60m2/căn (dành cho gia đình có 2 con trưởng thành) chiếm 20%; số còn lại có diện tích từ 45m2 đến 50m2.
Theo UBND TP Hà Nội, đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp... được thuê-thuê mua nhà ở xã hội khi đáp ứng các điều kiện như chưa có nhà ở; có nhà ở nhưng diện tích bình quân dưới 5m2/người; mức thu nhập bình quân/tháng không quá 5 lần tổng số tiền thuê-thuê mua/tháng đối với căn hộ 60m2 và không thấp hơn 4 lần tiền thuê-thuê mua/tháng với căn hộ 30m2.
Giá thuê nhà được áp dụng theo quy định của Nhà nước (NĐ 90/2006/CP). Có thuận lợi là hiện nay, các dự án phát triển nhà ở (nhà thương mại), phải bàn giao lại cho thành phố 20% diện tích đã giải phóng mặt bằng và làm hạ tầng để thành phố bố trí xây dựng nhà tái định cư, hoặc nhà ở xã hội.
Do đó, người dân sống tại nhà ở xã hội vẫn được hưởng dịch vụ và hệ thống hạ tầng của các khu đô thị mới. Riêng khu Việt Hưng, là nơi thành phố chọn thí điểm xây dựng 800 căn hộ cho thuê-thuê mua, hệ thống hạ tầng đã được đầu tư hoàn chỉnh, mặt khác, theo quy hoạch Thủ đô, khu vực này dự kiến sẽ phát triển mạnh với quy mô 1 triệu dân.
Để bảo đảm xét chọn đúng đối tượng, UBND TP quy định các hộ gia đình phải có xác nhận của tất cả các cơ quan, đơn vị công tác của từng thành viên và xác nhận của chính quyền địa phương nơi đang sinh sống. Tuy nhiên, thành phố ưu tiên cho gia đình có 2 vợ chồng tốt nghiệp đại học, người làm việc ở khu vực khó khăn, độc hại, có thời gian công tác tại vùng sâu, vùng xa.
Trước đó, thành phố đã đầu tư xây dựng theo hình thức đặt hàng mua nhà 864 căn hộ cho công nhân KCN thuê. Các căn hộ có quy mô bình quân từ 20m2 đến 40m2, dành cho 6 đến 12 người thuê ở/căn.
Với loại hình nhà ở này, thành phố đã xây dựng phương án cho các doanh nghiệp thuê dài hạn 25-30 năm, thanh toán 1 lần hoặc ký hợp đồng thuê nhà với đơn vị quản lý kinh doanh theo danh sách đã được phê duyệt. Hiện tại, khoảng 70% đơn nguyên nhà đã được đơn vị thi công bàn giao đưa vào sử dụng.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Xây dựng Hà Nội (chưa cập nhật địa bàn hơp nhất với Hà Nội), mới có 30% CBCNV nhà nước được phân phối nhà ở (từ trước năm 1990) và khoảng 31% có nhà riêng. Số còn lại, phần lớn là gia đình trẻ, phải ở ghép, ở tạm, trong đó có nhiều nhà không bảo đảm tiêu chuẩn.
Tại các KCN, số lượng lao động tăng nhanh trong khi quy hoạch phát triển không tính đến nhà ở cho công nhân, nên vấn đề thiếu nhà ở rất nghiêm trọng.
Sở Xây dựng Hà Nội dự báo, đến năm 2010, riêng đối tượng cán bộ, công chức sẽ cần khoảng 18.000 căn hộ, trong đó hình thức nhà cho thuê-thuê mua chiếm 20%-30% (tương đương 3.600-5.400 căn). Đối với công nhân các KCN, nhu cầu nhà ở khoảng 6.000 căn hộ, tương đương 250.000m2.
Người có nhu cầu thuê-thuê mua nhà ở xã hội làm đơn, có xác nhận của cơ quan làm việc về số người trong gia đình, mức thu nhập, điều kiện nhà ở. Đơn được nộp tại Sở Xây dựng Hà Nội. Sở Xây dựng sẽ chủ trì phối hợp với Sở Lao động-Thương binh-Xã hội và Liên đoàn Lao động thành phố xét duyệt danh sách để trình UBND TP phê duyệt.
Hợp đồng sau 3 năm được ký lại 1 lần, khi ký sẽ xem xét thu nhập, nếu không còn thuộc đối tượng thuê nhà ở xã hội thì được lưu cư 3 tháng và phải chuyển nơi ở. Đối với đối tượng thuê-mua phải trả trước 20% giá trị căn hộ, số tiền còn lại trả hằng tháng trong tiền thuê nhà.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới