Cần bao lâu để nhà ống nhường chỗ cho đô thị sinh thái?

Cập nhật 11/03/2010 13:10

Tính đến nay, cả nước có khoảng 700 đô thị, trong đó có 5 thành phố trực thuộc trung ương, 44 thành phố trực thuộc tỉnh, 45 thị xã và hơn 500 thị trấn. Như vậy, với tỷ lệ đô thị hóa 40% vào năm 2020 theo dự báo của Bộ Xây dựng...

Có thể, đối với người nước ngoài, mô hình nhà ống và xe máy cùng những dòng người bịt khăn kín mít là một nét độc đáo, vì chúng chẳng giống bất cứ đô thị văn minh nào trên thế giới. Nhưng, dù muốn hay không, đối với mỗi một chúng ta thì đó là hình ảnh quen thuộc hàng ngày.

Chúng ta phải thừa nhận một sự thật phũ phàng rằng văn hóa nhà ống và xe gắn máy chính là những yếu tố tạo ra một diện mạo kỳ quặc cho các đô thị “không bản sắc”, đúng như nhận xét của nhạc sĩ Dương Thụ và hậu quả của nó thì có lẽ chưa một cơ quan chức năng nào có thể thống kê hết: không gian sống bị gò bó, cảnh quan đô thị bị băm nát, sức khỏe và tính mạng người dân thì đang bị đe dọa nghiêm trọng…

Trăn trở cùng văn hóa nhà ống

Có một nghịch lý tại các quốc gia đang phát triển là: vì nhu cầu mưu sinh, con người đang có xu hướng rời bỏ nông thôn để kéo về các vùng đô thị lớn. Việt Nam không phải là ngoại lệ. Đô thị hóa là sự mở rộng của đô thị, tính theo tỉ lệ phần trăm giữa số dân đô thị hay diện tích đô thị trên tổng số dân hay diện tích của một vùng hay khu vực. Nó cũng có thể tính theo tỉ lệ gia tăng của hai yếu tố đó theo thời gian.

Tính đến nay, cả nước có khoảng 700 đô thị, trong đó có 5 thành phố trực thuộc trung ương, 44 thành phố trực thuộc tỉnh, 45 thị xã và hơn 500 thị trấn. Như vậy, với tỷ lệ đô thị hóa 40% vào năm 2020 theo dự báo của Bộ Xây dựng, mục tiêu đề ra đối với diện tích bình quân đầu người sẽ là 100m2, nghĩa là tương đương với khoảng 450.000ha đất đô thị.


Nhà ống là mô hình kiến trúc phổ biến tại các đô thị chật hẹp. Nguồn ảnh: internet

Tuy nhiên, hiện nay, diện tích đất đô thị chỉ có 105.000ha, nghĩa là chỉ chiếm 25% so với yêu cầu. Chính vì vậy, vấn đề đô thị hóa đã, đang và sẽ gây ra nhiều vấn đề nhức đầu cho cả các cơ quan quản lý nhà nước lẫn người dân: vấn đề nhà ở, giải quyết tình trạng công ăn việc làm, quản lý trật tự an toàn xã hội, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước…

Tỷ lệ thuận với tốc độ đô thị hóa là sự phát triển ngẫu hứng và “bạt mạng” của các mô hình nhà ống, kèm với nó là “văn hóa xe gắn máy”. Dường như chúng ta đang bị cuốn vào vòng xoáy của mưu sinh cơm áo gạo tiền để rồi nhào vào cuộc kiếm tìm từng mét vuông mặt tiền mà không cần màng đến những tiêu chí khác cho một không gian sống đúng nghĩa.

Hậu quả là, nhà ống san sát đến nghẹt thở, và đương nhiên, cách xây dựng và bài trí màu sắc mỗi nhà một kiểu, nhà sau xây cao hơn nhà trước, nhấp nhô như tổ chim cu. Nhìn từ trên cao xuống, đô thị nước ta trông cứ như một bức tranh nham nhở đến tội nghiệp.

Tuy nhiên, trong cái không gian sống bị băm nát như hiện nay, vẫn có không ít kiến trúc sư đang trăn trở kiếm tìm những phong cách thiết kế khác biệt để tạo ra những ngôi nhà đẹp. Nhưng xét về tổng quan, những ngôi nhà đẹp như vậy đang bị nhấn chìm trong một biển nhà ống na ná nhau theo tiêu chí… “n không”: không cảnh quan, không tiện ích công cộng, không mảng xanh, không vỉa hè, không bãi đỗ xe, không trường học, không nơi giải trí…

Không kể đến các khu phố cũ kỹ bên những cung đường chật hẹp, quanh năm phủ đầy khói xe cộ và tiếng ồn, các dự án nhà ở trong thành phố được coi là cao cấp cũng không thể tránh được nạn ngập nước, tình trạng kẹt xe và tiếng ồn kinh niên. Cũng chẳng có nơi đâu như ở Việt Nam, các dự án căn hộ cao cấp, nơi những yêu cầu về không gian yên tĩnh, khoảng xanh sạch đẹp với bầu không khí trong lành... vốn được đặt lên hàng đầu, lại được xây dựng ngay sát mặt tiền đường, quanh năm ngập tràn bụi khói xe cộ và tiếng ồn.

Nhưng, vì điều kiện quỹ đất eo hẹp, vì áp lực giảm thiểu chi phí và ở một khía cạnh nào đó là nhu cầu và sự dễ dãi của “thượng đế” trong bối cảnh cung không đủ cầu nên các chủ đầu tư vẫn cứ phải phát triển dự án.

Tóm lại, dù có quy mô hiện đại đến đâu thì các dự án xây dựng lớn trong nội thành cũng khó mà bước ra ngoài quy luật “tấc đất tấc… kim cương” vốn đang là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với phần lớn các chủ đầu tư dù lớn hay bé. Và như vậy, những nỗ lực tạo ra một khu dân cư cao cấp trong lòng thành phố của các chủ đầu tư cũng chỉ là những dấu chấm phá nhỏ trong bức tranh lộn xộn, chắp vá của đô thị Việt.

Cũng chính thế mà các lô đất mặt tiền luôn là niềm ao ước của phần lớn dân chúng để rồi, nói như KTS Nguyễn Vĩnh Tiến, cái kiểu “bán đất chia lô hiện nay sẽ đẻ ra một loạt ‘quái thai’ về nhà ở”. Còn KTS Võ Thành Lân thì gọi đô thị Việt Nam là “những cái chợ” và đương nhiên, song hành cùng với nó là nền “văn hóa chợ”, “văn minh chợ”.

Mô hình của một khu đô thị đẳng cấp đúng nghĩa?

Nhiều hội thảo, hội nghị, diễn đàn về môi trường và quy hoạch đô thị đã diễn ra với ý kiến đóng góp của các kiến trúc sư, các nhà xã hội học, môi trường học, các chuyên gia kiến thiết đô thị… Tuy nhiên, không một cá nhân hay một cơ quan chức năng nào có thể trả lời được câu hỏi liệu bao giờ sẽ chấm dứt tình trạng nhà ống và văn hóa xe gắn máy.

Không ít nhà đầu tư lẫn người dân ý thức được sự tối cần thiết của không gian sống sạch đẹp, văn minh, vì thế, đã có những đô thị hiện đại mọc lên theo quy chuẩn quốc tế. Khu đô thị Phú Mỹ Hưng với các khu phố hiện đại, đáp ứng các tiêu chí về môi trường cảnh quan, đã trở thành mô hình mẫu cho một phong cách sống mới, tạo ra một bước đột phá trong cách tư duy cũ kỹ của người Việt Nam vốn chỉ trung thành với nhà ống mặt tiền trong các đô thị chật hẹp và tù túng.


Các mô hình đô thị sinh thái đang phát triển được coi là sản phẩm giàu tiềm năng của thị trường bất động sản.

Những công dân một thời cương quyết “bám trụ” nhà phố đã mạnh dạn thực hiện cú “lội ngược dòng” khi di chuyển ra khu vực quận 7 để an cư. Môi trường xanh, sạch đẹp, đầy đủ các tiện ích cao cấp, và điều quan trọng là văn hóa của cộng đồng quần cư này chính là những yếu tố then chốt giúp khai thông tư duy của nhiều người từng trung thành với quan niệm nhà mặt tiền trong các đô thị tù túng.

Có thể nói, Phú Mỹ Hưng đã thành công khi đưa mô hình đô thị cao cấp áp dụng vào nền “văn minh chợ” của Việt Nam, dù gần đây gặp rắc rối trong công tác quản lý liên quan đến quyền sử dụng đất. Hơn nữa, trào lưu “bắt chước” trong cộng đồng dân cư bắt đầu xuất hiện. Việc có một căn hộ ở đô thị hiện đại có thể là một niềm hãnh diện đối với không ít người, và hiệu ứng đô-mi-nô này cứ thế tiếp diễn.

Tiếp theo sau “cú hích” Phú Mỹ Hưng là các dự án đầu tư xây dựng khác như The Manor, Villa Riviera, Ciputra… dù không trong số đó cũng phải đối mặt với những rắc rối liên quan đến việc quản lý. Có lẽ, sự khai thông trong tư duy của không ít người đối với môi trường sống đã khiến các nhà đầu tư vững tâm hơn trong các quyết định đầu tư mang tầm quốc tế.

Các dự án giao thông đồ sộ như hầm Thủ Thiêm, Đại lộ Đông Tây (Q.2, TP.HCM) với 12 làn đường cực kỳ hiện đại đã, đang và sẽ là những yếu tố quan trọng hứa hẹn một tương lai tốt đẹp cho khu đô thị mới – trung tâm tài chính, thương mại và dịch vụ cao cấp của TP.HCM, một phố Đông hiện đại bên bờ sông Sài Gòn.

Theo Công ty tư vấn thiết kế Sasaki Associates (Hoa Kỳ), khu đô thị Thủ Thiêm sẽ kết nối với trung tâm hiện hữu và kết nối với sông Sài Gòn bằng một cây cầu dành cho khách bộ hành và những trạm taxi thủy được bố trí tiện lợi. Và với các điều kiện đó, quận 2 bên bờ sông Sài Gòn sẽ trở thành “trái tim” của TP.HCM.

Nếu như tại một số quốc gia phát triển trong khu vực như Malaysia hay Singapore, “văn minh chợ”, “văn minh nhà ống” chỉ còn là hoài niệm của một thời khốn khó thì chúng ta cũng có quyền hy vọng rằng, trong tương lai, con em chúng ta hoàn toàn có cơ hội được sống trong những khu đô thị hiện đại nhưng thân thiện với môi trường.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet