Đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay các cơ chế đã rất mở với các nhà đầu tư cải tạo chung cư cũ như: miễn tiền sử dụng đất, hỗ trợ 2% lãi suất ngân hàng... để chủ đầu tư sớm thu hồi vốn.
6 khu chung cư sẽ được di dời toàn bộ dân cư trong Quý I/2022
Ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) thông tin, Hà Nội có trên 1.579 tòa nhà chung cư cũ. Sau một thời gian chậm trễ, Nghị định 69 của Chính phủ về cải tạo nhà chung cư cũ đã tháo gỡ những "điểm nghẽn" mà Hà Nội chưa tiến hành được thời gian qua.
Yếu tố quan trọng nhất là xác định dự án cải tạo chung cư không phải là dự án nhà ở thương mại do đó không yêu cầu phải dành quỹ đất 2% cho nhà ở xã hội. Gắn liền cải tạo chung cư cũ với chỉnh trang đô thị. Ngoài ra, quy định cũng cho phép các chủ đầu tư được phân kỳ thực hiện các dự án cải tạo.
"Để triển khai hiệu quả, đảm bảo tiến độ đã đề ra tại Đề án và các Kế hoạch cải tạo chung cư cũ trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư phải được tiến hành trên nguyên tắc quyết liệt, đúng pháp luật."
Ông Dũng cho biết thêm, việc xác định ranh giới phạm vi quy hoạch cải tạo chung cư cũ cũng được thay đổi cơ bản. Quy hoạch cho phép chuyển đổi mục đích của công trình khác sang công trình hạ tầng, cho phép gom lại tùy theo vị trí cụ thể của từng quận, huyện. Đơn cử như các quận lõi Hà Nội như quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình có nhiều chung cư riêng lẻ việc tái định cư gặp khó khăn thì cho phép gom khu vực chung cư đó về các quận, huyện lân cận để tái định cư.
Đặc biệt, trường hợp gom nhà chung cư theo quy hoạch, chủ đầu tư được hưởng ưu đãi đất đai theo quy định của Nghị định 69. Nếu không cân đối được hiệu quả tài chính, UBND cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng quyết định miễn tiền sử dụng đất, cho thuê đất mục đích để đảm bảo hiệu quả tài chính.
Giải thích về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, đây là điểm mới của Nghị định 69, ví dụ như nhà đầu tư quy gom 5 khu chung cư cũ xây được 3 khu tái định cư cho người dân, 2 khu còn lại làm dịch vụ khác nhưng vẫn chưa đảm bảo hiệu quả tài chính thì UBND thành phố đề xuất Thủ tướng miễn giảm thuế đất, một số cơ chế phù hợp... có thể tháo gỡ tất cả các trường hợp vướng mắc.
“Ngoài ra, Nghị định 69 bổ sung thêm vấn đề về góp vốn, hợp tác, liên doanh, liên kết... Hướng chuyển tiếp Nghị định nêu rõ về hoạt động huy động vốn. Trong đó có gói tín dụng có ưu đãi lãi suất giảm 2% cho chủ đầu tư, 2% này nhà nước hỗ trợ cấp bù”, ông Dũng nêu.
Tránh tối đa việc điều chỉnh quy hoạch
Ông Võ Nguyên Phong - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, về nội dung đăng ký làm chủ đầu tư các dự án cải tạo nhà chung cư, theo Nghị định 69, toàn bộ thông tin đăng ký sẽ được công bố trên Cổng thông tin điện tử của thành phố, UBND cấp huyện nơi có dự án. Hồ sơ nộp tại UBND cấp huyện nơi có dự án vì đây là địa chỉ chính xác nhất. Từ đây, các quận, huyện sẽ tổng hợp và trình UBND thành phố thông qua Sở Xây dựng - cơ quan chuyên môn giúp UBND thành phố về lĩnh vực này. Thời gian kiểm tra năng lực của doanh nghiệp, tổ chức lấy ý kiến của các chủ đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư dự án hoàn toàn tuân thủ theo các bước của Nghị định 69.
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch, Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh thông tin thêm: Trước đây một số khu chung cư cũ đã có đơn vị đưa ra ý tưởng về mặt kiến trúc, đã được cụ thể hóa thành quy hoạch khu vực. Sở đã báo cáo UBND thành phố để làm cơ sở đầu vào quy hoạch tham khảo.
Đối với việc gom các chung cư độc lập đơn lẻ (chủ yếu ở các quận nội đô) sẽ được di dời chuyển đổi vị trí mới lân cận hoặc cùng quận. Đây là điểm rất mới và được lãnh đạo các quận nội đô thống nhất. "Về mặt quy hoạch nói riêng, thành phố đã chỉ đạo định lượng quy hoạch trên cơ sở đề án phân khu, giữ tối đa khung chỉ tiêu được cấp thẩm quyền phê duyệt, tránh tối đa điều chỉnh quy hoạch", lãnh đạo Sở Quy hoạch, Kiến trúc thông tin.
DiaOcOnline.vn – Theo Tiền phong