Vướng đền bù giải tỏa nên công trình nào cũng chậm tiến độ. Phần lớn các khiếu kiện đông người đều có liên quan đến thủ tục thu hồi đất và bồi thường....
Vướng đền bù giải tỏa nên công trình nào cũng chậm tiến độ. Phần lớn các khiếu kiện đông người đều có liên quan đến thủ tục thu hồi đất và bồi thường. Buổi hội thảo do câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TP.HCM tổ chức sáng ngày 22 - 8 đã thử tìm hướng ra cho công tác bồi thường đất vốn cực kỳ khó khăn, phức tạp này.
Thay phương thức bồi thường
Ông Trần Văn Nhu quận 2 bức xúc: “Mấy chục đời ông bà tôi đều sống ở quận 2. Họ để lại cho anh em tôi một số đất ở nơi này. Khi chính quyền thu hồi để sử dụng vào mục đích công ích. Gia đình tôi chỉ được tính 1200m2 đất ở với giá bồi thường là 3,4 triệu đồng/m2, sau được nâng lên thành 4 triệu đồng/m2, hơn 30 ngàn m2 đất còn lại là đất nông nghiệp với giá bồi thường là 250 ngàn đồng/m2. Đền “bèo” vậy thì ai chấp nhận nổi!
Ông Lê Văn Anh (nguyên giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) đưa ra dẫn chứng tương tự. Trong dự án mở rộng quốc lộ 51, một người dân bị thu hồi hơn 5 - 6 ha đất nhưng tiền đền bù không đủ mua miếng đất nhỏ ở nơi khác!
Ông Nguyễn Thu Giang (nguyên Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, phân tích giá bồi thường đất thường thấp hơn giá thị trường khiến nguời sử dụng đất luôn có cảm nhận “không may” khi bị thu hồi. Sự khác biệt về giá bồi thường của chính quyền trong những dự án công ích (giá thấp) và của các doanh nghiệp trong những dự án sản suất, kinh doanh (giá cao) khiến người dân dễ so bì, khiếu kiện.
Qui định về việc bồi thuờng cũng chưa thật hợp lý: cùng sử dụng đất như nhau, nhưng những trường hợp vướng quy hoạch không được cấp “giấy đỏ” được bồi thường thấp hơn. Đối với đất khai hoang, nói có công cũng được, bảo lấn chiếm cũng không sai.
Đã vậy người dân còn bị thiệt kép vì chính quyền chậm chi trả tiền bồi thường.
Nhiều trường hợp phải đợi ít nhất 6 tháng (có khi vài năm) tính từ khi có quyết định thu hồi đất, người dân mới được giao tiền bồi thường vì cán bộ chưa điều chỉnh kịp, vướng ở khâu xét duyệt… lại có nhiều trường hợp người được lĩnh sau trội hơn người lĩnh trước. Việc tái định cư còn nhiều bất ổn: có người đã phải tạm cư khoảng 10 năm, phải chầu chực đi xin cấp tiền thuê nhà ở tạm; chất lượng nhà đất tái định cư kém, đời sống sau giải tỏa khó khăn hơn trước…
Lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch
Ông Võ Văn Thôn (nguyên Giám Đốc Sở Tư pháp TP.HCM) không hài lòng với việc nhiều địa phương không tổ chức lấy ý kiến của nhân dân đối với quy hoạch sử dụng đất chi tiết theo quy định. Ông nói: “Chính quyền tự làm tự quyết thì làm sao người dân có được chỗ ở, công ăn việc làm mới tốt hơn so với trước giải tỏa...”.
Đành rằng Nghị định 84 năm 2007 của Chính phủ đã khắc phục được một phần những tồn tại hạn chế nhưng công tác giải tỏa, bồi thường thực tế vẫn chưa suôn sẻ. Ông Giang đề nghị: tuy chỉ có quyền sử dụng đất nhưng quyền này chưa được giao dịch nên giá cả phải cao hơn hay bằng giá thị trường. Giá bán căn hộ tái định cư phải điều chỉnh hợp lý vì loại đất này không phải trả tiền sử dụng đất.
Ông Mai Đốc (nguyên Giám đốc Điện lực Thủ Đức) cho rằng: xuất phát từ đặc thù riêng (đất đai có hạn), quan hệ thu hồi – giao đất cần được xác định là quan hệ mua - bán đất. Nếu chấp nhận thanh toán sòng phẳng, chính quyền đỡ phải cưỡng chế người dân giao đất, hạn chế được những đối đầu không đáng có.
Ông Thôn lưu ý: Pháp luật nên thay từ “thu hồi đất” bằng từ “đổi đất” đỡ gây sốc trong nhân dân. “Thu hồi đất” chỉ nên áp dụng đối vời những trường hợp có sai phạm. Còn những trường hợp phải giao đất đang sử dụng cho nhà nước xây dựng các công trình công ích, người dân sẽ được giải quyết nhà, đất khác với nhiều cơ hội phát triển bằng hoặc tốt hơn cũ.
Ba hình thức sở hữu đất?
Ông Oanh đã gây chú ý cho nhiều đại biểu bằng đề xuất khá táo bạo: Nhà nước có thể quy định 3 chế độ sở hữu đất đai để có cách xử lý phù hợp “Sở hữu nhà nước” dành cho những diện tích đất “công”, “sở hữu cá nhân” dành cho những miếng đất có nguồn gốc tư nhân (do cha mẹ để lại, anh chị em tặng cho …); “sở hữu tập thể” dành cho những diện tích đất do nhóm người góp lại để sử dụng chung (gồm có đất đai của nhà chùa, nhà thờ, trang trại…).
Đối với đất thuộc sở hữu Nhà nước, chính quyền chỉ cho thuê chứ không bán. Khi cần dùng đất này, chính quyền phải bồi thường thiệt hại cho người thuê do việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Đối với đất thuộc sở hữu tập thể, chính quyền có thể hoán đổi diện tích tương đương và bù chênh lệch giá trị đất đai bồi thường giá trị công trình trên đất theo giá thỏa thuận.
Đối với đất thuộc sở hữu cá nhân, người dân được quyền bán cho chính quyền theo giá thị truờng rồi tự lo cuộc sống tiếp theo của mình; hoặc đổi đất khác với diện tích tương đương và được bù chênh lêch với giá trị đất, hoặc có thể trở thành cổ đông của các tổ chức kinh tế thông qua việc dùng giá trị đất để mua cổ phiếu (nếu đất được dùng xây dựng khu công nghiệp hay khu chế xuất).
Ông Oanh lý giải cho sự thay đổi này như sau: "Từ Đại hội 6, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới xây dựng nền kinh tế thị trường thì phải dựa trên chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất và như thế thì nên tính toán lại vấn đề sở hữu đất đai cho phù hợp".
Theo Thu Tâm - Pháp Luật