Các sàn giao dịch đua kéo môi giới có nghề

Cập nhật 14/05/2014 15:35

Nghề môi giới bất động sản lại có cơ hội hồi sinh khi thị trường bất động sản đang có dấu hiệu ấm dần lên.

Nghề môi giới bất động sản lại có cơ hội hồi sinh khi thị trường bất động sản đang có dấu hiệu ấm dần lên.

4 tháng đầu năm, tại Hà Nội, các sàn giao dịch bất động sản đạt 2.300 giao dịch thành công

Khó tuyển nhà môi giới giỏi

Thời gian qua, thị trường bất động sản Hà Nội chứng kiến nhiều dự án được chào bán, như Dự án CT Number One Vân Canh, Berriver Long Biên, HP Landmark Tower, C37 Bắc Hà... Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, tại Hà Nội, các sàn giao dịch bất động sản đạt 2.300 giao dịch thành công, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trao đổi với ĐTCK, ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thái Minh Quang cho biết, các sàn giao dịch bất động sản hiện nay vừa phải săn tìm nguồn hàng từ những dự án tốt để có nguồn cung, lại vừa phải ráo riết tìm kiếm nhân viên môi giới để bán hàng. Tuy nhiên, số lượng nhà môi giới bất động sản có năng lực thực sự không nhiều, khiến các sàn phải tuyển người theo phương thức “vừa học, vừa làm”.

Theo đánh giá của lãnh đạo nhiều sàn giao dịch bất động sản, thực trạng đội ngũ nhân viên môi giới bất động sản ở Việt Nam trong một thời gian dài tồn tại quá nhiều bất cập. Khi thị trường “sốt nóng”, đủ mọi thành phần, mọi trình độ, từ người bán trà vỉa hè đến đội ngũ đông đảo các nhân viên, công chức làm việc tại các công ty, cơ quan nhà nước… đều có thể trở thành nhà môi giới bất động sản. Số lượng đông, trong khi cơ chế quản lý gần như buông lỏng, nên mạnh ai người đó làm, tranh giành khách hàng, giao dịch của nhau, thậm chí sẵn sàng cung cấp thông tin sai lệch để lôi kéo khách hàng.

Với cách làm ăn “chộp giật” đó, có chuyên gia khẳng định, chỉ có không quá 20% số lượng người làm nghề môi giới có hiểu biết đầy đủ về thị trường, quy hoạch, sản phẩm, thủ tục pháp lý... để tư vấn cho khách hàng tham gia giao dịch một cách tốt nhất. Vì vậy, hầu hết trách nhiệm và rủi ro đều đổ trên vai khách hàng nếu giao dịch gặp vướng mắc.

Đến khi thị trường rơi vào thời kỳ “đóng băng”, nhiều trung tâm bất động sản đã tự động đóng cửa, kéo theo đó là một số lượng nhân sự môi giới chuyển nghề. Điều này cũng tác động không ít đến hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Ông Phan Xuân Cần, Tổng giám đốc Sohovietnam cho biết, lúc cực thịnh, công ty ông có hơn 200 nhân viên môi giới bất động sản trên toàn quốc, nhưng nay số nhân viên còn trụ lại với nghề rất ít, khiến Công ty phải chuyển hướng sang môi giới mua bán dự án là chính.

“Phải yêu nghề mới trụ được”

Đó là nhận xét của ông Cần khi nói về các nhà môi giới bất động sản đang hoạt động tích cực và hiệu quả trên thị trường hiện nay. Theo ông Cần, nhiều sàn bất động sản đang tích cực tuyển dụng nhân sự, trong đó có nhân viên môi giới, nhưng để có được nhân sự có năng lực không phải dễ.

“Nhiều nhà môi giới tay ngang, hay những ‘cò’ một thời ‘chỉ trỏ’ cũng ra tiền, thì thời điểm này đã yên vị với nghề nghiệp mới, còn những người quyết tâm trụ lại nay cũng đã trưởng thành, có nhiều kinh nghiệm, với nhiều mối quan hệ, nên có thể một mình hoạt động mà không cần phải có sàn”, ông Cần nói và cho rằng, với quy định mới là giao dịch bất động sản không bắt buộc phải qua sàn, thì mô hình hoạt động riêng lẻ của các nhà môi giới ngày càng rõ nét.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Giang cho biết thêm, xu hướng của các sàn hiện nay là tuyển dụng hàng loạt nhân viên mới, “cầm tay chỉ việc” để chào bán một dự án cụ thể nào đó.

“Qua quá trình chào bán, các nhân viên sẽ có sự cạnh tranh với nhau, nên chỉ có những nhân viên môi giới có năng lực thực sự mới trụ lại được. Vì thế, số lượng nhân viên tại các sàn vào rồi lại ra nhiều cũng là chuyện bình thường”, ông Giang nói.

Bình luận về quy định bỏ giao dịch bất động sản phải qua sàn, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Liên minh các sàn giao dịch G5 cho biết, cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các sàn.

“Người dân ngày càng có nhận thức đầy đủ hơn về lợi ích khi giao dịch qua sàn, nên ngày càng có nhiều người lựa chọn các sàn có uy tín để ủy thác việc mua bán nhà đất”, ông Khánh nói.

Cho đến thời điểm này, Bộ xây dựng đã cấp hàng ngàn chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2005. Mặc dù cách thức đào tạo và cấp chứng chỉ còn nhiều điều cần phải bàn, nhưng để thị trường bất động sản vận hành trơn chu, vẫn rất cần đến đội ngũ những nhà môi giới chuyên nghiệp. Đây là xu hướng tất yếu khi thị trường ngày càng phát triển. Vì vậy, trong một thời gian không xa, đội ngũ những nhà môi giới bất động sản sẽ có cơ hội hồi sinh trở lại một cách chuyên nghiệp hơn, giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư