Đã hơn 2 tháng kể từ ngày chính sách mới về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội chính thức có hiệu lực...
Đã hơn 2 tháng kể từ ngày chính sách mới về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội chính thức có hiệu lực (1/10/2009) nhưng một số địa phương hiện vẫn còn chần chừ, chưa tiếp tục thực hiện chi trả cho các phương án dã duyệt trước ngày 1/10/2009.
Không điều chỉnh phương án đã duyệt
Sau khi Hà Nội chính thức áp dụng chính sách mới về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nhiều người dân tại các huyện phía Tây như Ba Vì, Đan Phượng, Chương Mỹ, Phúc Thọ...vẫn thắc mắc về việc liệu các phương án bồi thường đã duyệt trước ngày 1/10/2009 có được điều chỉnh theo chính sách mới?
Trả lời băn khoăn này của người dân, ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng Ban chỉ đạo GPMB TP cho biết, theo các quy định tại Quyết định số 108/QĐ-UBND của UBND TP, Nhà nước thu hồi đất của người đang sử dụng vào mục đích nào thì được bồi thường bằng tiền theo giá trị quyền sử dụng đất tính theo giá đất tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Trường hợp người sử dụng đất được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất mà chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật thì phải trừ đi khoản tiền phải thực hiện nghĩa vụ tài chính vào số tiền được bồi thường, hỗ trợ để hoàn trả ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, người được Nhà nước giao sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật nhưng tự ý sử dụng làm đất phi nông nghiệp thì chỉ được bồi thường theo giá đất nông nghiệp. Tương tự, người được Nhà nước giao sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở nhưng tự ý sử dụng làm đất ở thì chỉ được bồi thường theo giá đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.
Quy định là như vậy song người dân ở các huyện phía Tây kiến nghị, các hộ dân trong làng nghề đã được Nhà nước cho thuê đất để sản xuất nên giao lại những diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng cho chính quyền để dùng làm quỹ đất bồi thường cho các hộ dân bị thu hồi đất. Theo các hộ dân, cách làm này sẽ tăng được hiệu quả sử dụng đất, tránh để đất nông nghiệp bị bỏ hoang, gây lãng phí bởi thực tế các hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong làng nghề thường không mấy thiết tha với sản xuất nông nghiệp.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Biền, đối với những dự án, hạng mục đã chi trả xong việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trước ngày Nghị định số 69/2009/NĐ-CP và quy định tại Quyết định số 108/QĐ-UBND có hiệu lực thi hành thì không áp dụng hoặc không điều chỉnh theo quy định mới. Tương tự, đối với những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo phương án đã được phê duyệt trước khi Nghị định số 69/2009/NĐ-CP và quy định này có hiệu lực thi hành (ngày 1/10/2009) thì thực hiện theo phương án đã phê duyệt, không áp dụng hoặc điều chỉnh theo quy định này. Theo Ban chỉ đạo GPMB, các quận, huyện cần tổ chức tốt việc tuyên truyền chính sách mới tới người dân, tránh gây thắc mắc, hiểu lầm, cản trở các dự án.
Phải tăng tốc dự án
Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) cho biết, các quy định tại Nghị định 69/NĐ-CP về bổ sung quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã nêu rõ vấn đề này. Theo đó, các dự án, hạng mục GPMB đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc đang thực hiện theo phương án đã được duyệt trước khi Nghị định 69/CP có hiệu lực thi hành (ngày 1/10/2009) thì thực hiện theo phương án đã duyệt, không có chuyện áp dụng hoặc điều chỉnh theo quy định mới.
Chính sách pháp luật đã ban hành. Các sở, ngành cũng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương triển khai chính sách mới. Tuy nhiên, ở một số nơi hiện nay vẫn còn tình trạng chần chừ, không tiếp tục triển khai các dự án đã duyệt trước 1/10/2009. Thậm chí, có dự án nhà đầu tư đã nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước nhưng địa phương vẫn tạm "đóng" lại, chưa chi trả cho người dân theo phương án đã duyệt trước 1/10/2009. Điều này gây thiệt hại cho cả nhà đầu tư và người dân bởi tiền nằm "chết" trong tài khoản trong khi đất đai bị bỏ hoang, không thể tiếp tục sản xuất nông nghiệp cũng như đưa vào triển khai dự án. Đây rõ ràng là vấn đề mà các sở, ngành thành phố cần theo dõi cũng như đôn đốc, hướng dẫn để các quận, huyện kịp thời tăng tốc, đảm bảo công tác GPMB, kịp tiến độ cho các dự án.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị