Các dự án cầu, đường tuyến về Rừng Sác: Phối hợp không đồng bộ gây lãng phí

Cập nhật 05/04/2009 08:45

Vừa qua, tại các đợt kiểm tra của UBND TP.HCM, giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP.HCM về đầu tư xây dựng cầu, đường trên tuyến Rừng Sác (Cần Giờ), nhiều ý kiến khẳng định...

Cây cầu dài nhất tuyến phải đầu tư thêm 137 tỷ đồng, khả năng đến tháng 3-2010 mới hoàn tất.

Vừa qua, tại các đợt kiểm tra của UBND TP.HCM, giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP.HCM về đầu tư xây dựng cầu, đường trên tuyến Rừng Sác (Cần Giờ), nhiều ý kiến khẳng định do không phối hợp đồng bộ giữa các chủ đầu tư và đơn vị thi công khiến công trình kéo dài nhiều năm, gây lãng phí lớn.

Cầu An Nghĩa: Chậm đến năm năm

Năm 2002, dự án xây mới bảy cầu trên tuyến đường Rừng Sác được hình thành. Sở Giao thông Vận tải (GTVT) định giao Khu quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư dự án nhưng khi đó đơn vị này đang vướng quá nhiều dự án nên Sở giao cho Công ty Quản lý công trình cầu phà TP làm chủ đầu tư dự án. Công ty cầu phà là công ty công ích, có chức năng chuyên duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các cầu hiện có của thành phố nhưng lại được giao việc “tay trái” làm chủ đầu tư dự án xây mới bảy cầu nên không khỏi lúng túng.

Vì lẽ trên, lẽ ra toàn bộ bảy cây cầu phải hoàn thành vào năm 2005 nhưng đến nay mới có bốn cây cầu hoàn thành là cầu Nông Trường Quận 5, Rạch Đôn, Long Giang Xây và Hà Thanh. Hai cây cầu Lôi Giang và Rạch Lá phải đến ngày 30-4 và 30-6 tới mới có thể xong.

Riêng cây cầu An Nghĩa dài nhất trên tuyến do Công ty cổ phần Công trình giao thông 68 thi công. Qua nhiều năm nhưng Công ty 68 mới chỉ làm xong các trụ cầu dẫn ở hai đầu, riêng trụ chính phía huyện Cần Giờ mới chỉ cắm xong vài ba cọc xuống lòng sông. Tháng 9-2008, Sở GTVT buộc phải giao lại dự án cầu An Nghĩa cho Khu quản lý giao thông đô thị số 4 (mới thành lập).

Theo ông Nguyễn Xuân Bảng - Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 4, phần khối lượng Công ty 68 đã thực hiện là 42 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư cho toàn bộ cầu là 76 tỷ đồng. Ông Bảng cho biết theo tính toán, thiết kế điều chỉnh để hoàn thành cây cầu này, ngân sách sẽ phải đầu tư thêm 137 tỷ đồng và khả năng sau khi đấu thầu lại, tổ chức thi công thì phải đến tháng 3-2010 mới có thể xây dựng xong.



Ba làn đường Rừng Sác bên trái đang được thi công để trải đá, dự
 kiến thảm bê-tông nhựa nóng vào cuối năm nay. Ảnh: Lưu Đức.


Chậm giải ngân, đường khó hoàn thành


Cùng năm 2002, UBND TP.HCM quyết định nâng cấp, mở rộng đường Rừng Sác giai đoạn một dài 36,5 km từ 8 m hiện hữu lên đạt lộ giới 30-120 m với tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng. Công ty Dịch vụ công ích thanh niên xung phong TP.HCM được chỉ định thi công. Theo dự kiến, toàn tuyến sẽ được hoàn thành mở rộng, nâng cấp vào năm 2005, đồng bộ với thời gian xong bảy cầu mới.

Tại buổi giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách ngày 27-3 vừa qua, ông Dương Thành Hưng - Giám đốc Ban quản lý dự án khu vực đầu tư xây dựng huyện Cần Giờ cho biết để hoàn thành 3/6 làn đường Rừng Sác vào cuối năm nay thì cần phải có thêm khoảng 400 tỷ đồng trong khi nhà thầu mới nhận được 20 tỷ đồng. “Không có đủ tiền trả, nhà thầu không thể thi công và công trình sẽ tiếp tục chậm” - ông Hưng thông báo. Theo kế hoạch, giai đoạn hai của dự án sẽ mở rộng đường Rừng Sác lên sáu làn xe, rộng hơn 31 m và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2010 với tổng mức đầu tư 1.130 tỷ đồng.

Như vậy, vào cuối năm 2010, khi bảy cầu mới và toàn tuyến đường mở rộng, nâng cấp xong sẽ thấy ngay sự khập khiễng, không đồng bộ giữa cầu và đường. Các cầu mới rộng trung bình từ 9,75 m đến hơn 13 m trong khi đường rộng tới 31 m. Một cán bộ Sở GTVT cho rằng đầu tư mở rộng đường là cần thiết nhưng quy mô mở rộng thế nào tùy từng thời điểm sẽ có hiệu quả hơn. Với quy mô đường sáu làn xe mà cầu chỉ đạt hai, ba làn xe trong khi mật độ lưu thông tại khu vực này rất thấp thì quả là lãng phí.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP