Các dự án BOT đang được “săn” ráo riết

Cập nhật 29/05/2014 14:49

Các dự án đường cao tốc dự kiến được đầu tư theo hình thức PPP, BOT đang nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Các dự án đường cao tốc dự kiến được đầu tư theo hình thức PPP, BOT đang nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đường Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ được đầu tư bằng hình thức BOT trong nước

Đúng 15 ngày kể từ khi được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đưa vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, Dự án Đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 3 mới, đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) gần như đã có được nhà đầu tư. Sở dĩ phải dùng từ gần như là bởi hiện Bộ GTVT vẫn chưa có quyết định cuối cùng, song liên danh vừa nộp đề xuất quan tâm là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông (Cienco) 4 và Công ty Tuấn Lộc là những nhà đầu tư vừa có tiềm lực tài chính vừa giàu kinh nghiệm làm các dự án BOT giao thông

Là đoạn nối dài của đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, dự án có tổng mức đầu tư 3.150 tỷ đồng này sẽ xây dựng 40,7 km đường cao tốc 2 làn xe, với điểm đầu tại nút giao Tân Long, điểm cuối (Km40+700) giao với đường trục Khu công nghiệp Thanh Bình (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn). Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ rút ngắn đáng kể thời gian lưu thông từ Việt Bắc về Hà Nội, hoặc ngược lại.

Theo ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), tại công trình này, cứ khoảng 6 km sẽ có một đường gom và toàn tuyến có 36 cống chui thay vì làm cầu vượt để tiết kiệm kinh phí.

Do chỉ xây dựng theo quy mô cao tốc 2 làn xe (suất đầu tư khoảng 2,5 triệu USD/km), nên công trình được đánh giá là vừa sức với các nhà đầu tư trong nước và có thời gian hoàn vốn ngắn.

“Nếu không có gì thay đổi, Ban PPP sẽ hoàn thiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư trước ngày 3/8/2014, ký tắt hợp đồng Dự án trước ngày 15/8 để có thể khởi công công trình vào tháng 8/2014”, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án PPP cho biết.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, 4 tháng kể từ khi Dự án được đưa vào danh mục kêu gọi vốn BOT đến khi khởi công công trình đang là mẫu số chung của nhiều dự án BOT, PPP hạ tầng ngành giao thông. Trước đó, hai dự án xây dựng đường 2 làn xe tiệm cận “tiêu chuẩn đường cao tốc” là Hòa Lạc - Hòa Bình, Hà Nội - Bắc Giang cũng được sớm đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư.

Hiện TEDI cũng đang lập lại Dự án Xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa - Bãi Vọt theo hướng giảm quy mô đầu tư từ cao tốc 4 làn xe xuống lại 2 làn xe để có thể kêu gọi vốn đầu tư theo hình thức PPP, BOT.

Được biết, Bộ GTVT đang chỉ đạo phân kỳ lại đầu tư nhiều tuyến cao tốc thuộc 25 dự án hạ tầng giao thông nằm trong danh mục kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn tới năm 2020 theo hướng giảm quy mô để rút ngắn thời gian hoàn vốn cho nhà đầu tư.

“Điều khiến các nhà đầu tư này hào hứng với việc đầu tư các dự án cao tốc hai làn là do các phương án về tài chính sau khi được điều chỉnh quy mô có tính khả thi cao”, ông Huy cho biết.

Tại Dự án Đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp - Vân - Cầu Giẽ (TP. Hà Nội) theo hình thức BOT, sau khi nhà đầu tư Nhật Bản là Nexco Central rút lui, Bộ GTVT đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai công trình có tổng mức đầu tư lên tới 7.268 tỷ đồng này.

Trước đó, quy mô đầu tư công trình cao tốc cửa ngõ phía Nam Thủ đô này cũng đã được Bộ GTVT chỉ đạo đơn vị chuẩn bị Dự án rà soát, cắt giảm những hạng mục không cần thiết để giảm được gần 1.300 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu.

“Hiện có ít nhất hai tổ hợp nhà đầu tư trong nước, trong đó có liên danh do Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước đâm đơn xin đầu tư Dự án”, lãnh đạo Ban PPP Bộ GTVT cho biết.

Trong khi đó, theo kết quả nghiên cứu sơ bộ của Tổng công ty Đầu tư hạ tầng và quản lý dự án giao thông (CIMP) Cửu Long, phân đoạn từ Trung Lương - Cái Bè dài 33 km, với quy mô 2 làn xe tổng mức đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng, thuộc Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có thể thu hút nhà đầu tư theo hình thức PPP với điều kiện Nhà nước góp 40% vốn và cho phép thu phí cả đoạn TP.HCM - Trung Lương.

CIMP Cửu Long cho biết, ngoài JICA và Posco E&C đã tham gia nghiên cứu đầu tư, một số nhà đầu tư nước ngoài khác cũng đang rất quan tâm tới công trình này, như Moonary Group, Metro Pacific Toolways Corp…

Bên cạnh các nhà đầu tư nước ngoài, Cienco1, Cienco 5 - hai doanh nghiệp xây lắp lớn trong ngành giao thông cũng đã nộp đơn đăng ký tham gia đầu tư công trình.

Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngành GTVT chính là hướng dẫn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hiện chưa đầy đủ, rõ ràng, dẫn tới một số dự án dự kiến tuyển chọn nhà đầu tư qua đấu thầu phải hủy kết quả và phải xoay sang cơ chế chỉ định thầu để đảm bảo tiến độ.

Được biết, để bảo đảm việc thực hiện các dự án đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu các cơ quan tham mưu nhanh chóng hoàn thành bộ tiêu chuẩn, qui chuẩn về đường cao tốc hai làn để có thể áp dụng thống nhất. Bên cạnh đó, các đơn vị thẩm định phải xác định chính xác năng lực tài chính, thi công và quản lý dự án của các nhà đầu tư.

“Các cơ quan chức năng của Bộ phải lưu ý loại bỏ các trường hợp nhà đầu tư không đủ năng lực, chỉ đăng ký để “xí phần” lấy phần trăm, chia chác làm chậm tiến độ triển khai công trình”, ông Thăng yêu cầu.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư