Mưa, triều cường, người dân TPHCM không chỉ lo chống chọi nước ngập mà còn đứng trước nguy cơ sạt lở xảy ra bất cứ lúc nào. Hiện nay, có khoảng gần 19.000m bờ sông có nguy cơ sạt lở từ 10 - 20m...
Mưa, triều cường, người dân TPHCM không chỉ lo chống chọi nước ngập mà còn đứng trước nguy cơ sạt lở xảy ra bất cứ lúc nào. Hiện nay, có khoảng gần 19.000m bờ sông có nguy cơ sạt lở từ 10 - 20m (tính từ mép bờ sông vào đất liền). Trong khi đó việc gia cố, xây dựng bờ kè đang lâm vào ngõ cụt do không có vốn.
Sạt lở khắp nơi
Nóng và có nguy cơ sạt lở nhiều và cao nhất trên địa bàn TP hiện nay là huyện Nhà Bè có 19 điểm. Tại những khu vực như cầu Hiệp Phước, cầu Phú Xuân, sông Mương Chuối, sông Phước Kiểng, rạch Giồng, rạch Tôm,… Ngoài ra, các quận huyện như Cần Giờ (6 điểm), Bình Thạnh (9 điểm), Thủ Đức… Nhiều nhà dân đang sinh sống sát bờ sông có thể bị trôi xuống sông bất cứ lúc nào trong mùa mưa này.
Nhiều nơi khi nước rút xuống thấp lộ ra những khoảng hàm ếch ăn sâu vào đất liền rất nguy hiểm. Thế nhưng người dân vẫn bám trụ trên dải đất nguy hiểm này. Tại các khu phố ở phường Hiệp Bình Phước, Tam Bình, Linh Đông quận Thủ Đức nhiều nơi có thể nhào xuống sông rạch bất cứ lúc nào. Dọc theo rạch Vĩnh Bình nhiều đoạn hòm ếch khoét sâu, trên mặt đất lộ ra nhiều vết nứt gần lọt bàn chân người. Kế bên là nhà dân san sát nhau.
Các xã ven sông Sài Gòn tại huyện Củ Chi như: Bình Mỹ, Trung An, Hòa Phú và An Phú có nguy cơ sạt lở bờ rất cao vào mùa mưa này. Dọc theo tuyến sông trên, hiện tượng “hàm ếch” nhiều nơi có nguy cơ gây sạt lở. Riêng ở xã Bình Mỹ có hơn 3.000m bờ bao rơi vào tình trạng trên. Tại thời điểm hiện nay, trên toàn TP có gần 19.000m có nguy cơ sạt lở.
Thiếu vốn
Trước tình trạng sạt lở đã đến lúc báo động, chỉ mới vài cơn mưa đầu mùa, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 3 vụ sạt lở nghiêm trọng làm gần chục nhà dân trôi xuống sông. Trong năm 2008, đã xảy ra 7 điểm bờ sông bị sạt lở, cuốn trôi trên 6.000m2 đất và 15 căn nhà xuống sông, nhưng các dự án chống sạt lở hiện nay chỉ kiểm tra khảo sát chứ không có vốn để gia cố hoặc xây dựng nhằm hạn chế thiệt hại.
Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Khu đường sông TPHCM cho biết, hiện tại mới chỉ có 3 trong số 22 dự án phòng chống sạt lở được triển khai, chủ yếu tập trung tại những khu vực có dân cư đông. Cụ thể, chỉ mới có dự án chống sạt lở bờ kênh Thanh Đa (đoạn dài 478m) tổng mức đầu tư gần 41 tỷ đồng đã hoàn thành.
Còn dự án chống xói lở khu vực cầu Phước Long và cầu Rạch Tôm (Nhà Bè) có tổng vốn đầu tư gần 40 tỷ đồng được khởi công vào cuối năm 2008 đến nay đang còn thi công cầm chừng do không có vốn. Theo kế hoạch, trong năm nay nếu hoàn tất việc giải phóng mặt bằng, sẽ khởi công thêm 4 công trình, tất cả các công trình này đều ở huyện Nhà Bè.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Khu đường sông (đơn vị chủ đầu tư các dự án), các dự án chống sạt lở “nằm im” vì không có tiền. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố và Khu Đường sông nhận định: Trong mùa mưa này, sạt lở bờ sông sẽ là hiểm họa nên những hộ sống gần những điểm đã được cắm biển cảnh báo nguy cơ sạt lở. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố và Khu Đường sông đã gởi văn bản yêu cầu các địa phương cần có những phương án di dời khẩn cấp khi sự cố sạt lở xảy ra và thường xuyên cảnh báo cho người dân biết.