Các chủ đầu tư không nộp Quỹ 156: Thiếu trách nhiệm với dân

Cập nhật 14/06/2009 08:15

Theo Hội đồng Quỹ Hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi TPHCM (gọi tắt là Quỹ 156), đến thời điểm này có 16.800 hộ dân bị thu hồi đất có nhu cầu hỗ trợ vay vốn...

Theo Hội đồng Quỹ Hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi TPHCM (gọi tắt là Quỹ 156), đến thời điểm này có 16.800 hộ dân bị thu hồi đất có nhu cầu hỗ trợ vay vốn, miễn giảm học phí và đào tạo nghề với tổng số vốn là hơn 826 tỷ đồng. Thế nhưng, số vốn tồn của Quỹ 156 chỉ còn gần 8 tỷ đồng...

Doanh nghiệp khó khăn hay thờ ơ?

Đối với nguồn thu từ các chủ dự án năm 2009, theo danh sách bố trí vốn đầu tư dự án mới của Sở Kế hoạch - Đầu tư, dự kiến khoản thu đóng góp 3% - 5% về Quỹ 156 là khoảng 600 tỷ đồng. Trong đó, trên địa bàn quận 2 có 58 dự án (44 dự án thực hiện dở dang và 14 dự án mới), dự kiến các chủ đầu tư (CĐT) phải đóng góp hơn 521 tỷ đồng cho Quỹ 156 nhưng cho đến nay quỹ chưa thu được đồng nào.

Quận 9 có khoảng 35 dự án đang triển khai dở dang với tổng vốn đầu tư khoảng 3.840 tỷ đồng. Nếu các CĐT chịu đóng 3% thì Quỹ 156 sẽ có khoảng 104 tỷ, nhưng đến nay Quỹ 156 chỉ nhận hơn 4,44 tỷ đồng. Quận 8 có 9 dự án đang bồi thường với tổng số tiền phải nộp vào Quỹ 156 là 21,452 tỷ đồng nhưng chỉ mới một dự án đóng với số tiền 3,781 tỷ đồng. Còn quận 1 có tới 40 dự án đang xây dựng, nhưng chưa CĐT nào chịu đóng.

Ông Nguyễn Cư, Phó Chủ tịch UBND quận 2, cho biết, quận đã yêu cầu các CĐT chuyển tiền về cho quỹ nhưng CĐT không thực hiện. Vì vậy, quận kiến nghị các sở, ngành liên quan không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không cho phép xây dựng công trình nếu như CĐT dự án chưa đóng Quỹ 156. Còn theo UBND quận 8, hiện quận đã tổ chức làm việc với các DN nhưng các DN cho rằng, đang rất khó khăn nên xin thêm thời gian. Theo các DN, trong tình hình kinh tế khủng hoảng hiện nay, mức phí từ 3%-5% đóng vào quỹ là tương đối cao, trong khi DN phải vay vốn từ ngân hàng để thực hiện dự án, tạo áp lực rất lớn đối với các DN.

Một số UBND quận cũng chưa “hết mình”


Trong năm 2009, theo ước tính của Tổ quản lý Quỹ 156, nhu cầu vay vốn của người dân là 133,279 tỷ đồng và dự kiến thu khoảng 600 tỷ đồng từ các chủ dự án. Nhưng thực tế, đến nay mới có quận 8 đóng góp hơn 3,7 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Tổ trưởng Tổ quản lý Quỹ 156 cho biết, các quận thường viện lý do chưa nhận được hướng dẫn cách thu quỹ và các chủ dự án chây lì. Nhưng thực tế, Sở Tài chính đã có các văn bản hướng dẫn cụ thể, UBNDTP cũng nhiều lần đôn đốc đẩy nhanh việc thực hiện thu quỹ nhưng đến nay tình hình vẫn không tiến triển.

Việc Quỹ 156 đang đối mặt với tình trạng cạn kiệt vốn một phần do UBND các quận, huyện chậm trễ đôn đốc, đã khiến hàng chục ngàn người dân có đất bị thu hồi phải chịu thiệt hại. Cụ thể như quận 2, không chỉ các sở, ngành có công văn nhắc nhở mà bản thân Hội đồng Quỹ cũng đã đốc thúc rất nhiều nhưng vẫn không cải thiện được tình hình. “UBND quận 2 cũng nên nhìn nhận trách nhiệm của mình là chưa hoàn thành!”- bà Mai khẳng định.

Theo bà Mai, UBND quận 2 là một trong những địa phương đã sử dụng Quỹ 156 khá nhiều, thế nhưng chưa có một CĐT nào đóng góp cho Quỹ 156. “Bản thân UBND quận 2 cũng là CĐT của nhiều dự án, chỉ cần 3% trong tổng số đầu tư khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng trong các dự án dở dang thì quận phải đóng trên 200 tỷ đồng, nhưng quận cũng chưa chịu đóng”- bà Mai cho biết.

Hiện Quỹ 156 đã giúp được hàng chục ngàn người dân ổn định cuộc sống sau khi có đất bị thu hồi, nhưng số lượng người được đào tạo nghề vẫn còn ít. Đó là chưa kể khá nhiều người dân vẫn chưa được biết đến quỹ này. Ông Đỗ Văn T., ngụ tại chung cư Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 cho biết, trước đây, con trai của ông còn có thể làm công việc gò gỉ tàu, vợ ông bán đồ ăn sáng trước nhà. Sau khi lên chung cư ở, cả gia đình 4 miệng ăn phụ thuộc vào lương thợ hồ của ông nên cuộc sống khá khó khăn. Nghe nhắc đến Quỹ 156, ông T. ngạc nhiên: “Tôi chưa từng nghe đến quỹ này. Nếu có, tôi cũng muốn cho thằng con đi học nghề để có việc làm ổn định hoặc xin vay vốn mua chiếc xe máy cho nó chạy xe ôm cải thiện cuộc sống!”.

Tại một buổi giám sát về đời sống người dân sau TĐC tại quận 2 mới đây, đại biểu HĐNDTP Phạm Văn Hải đặt vấn đề, tại sao gần 20.000 hộ dân bị giải tỏa mà chỉ có 30 trường hợp được đào tạo nghề? Phải chăng trung tâm đào tạo nghề có gì dạy đó chứ không đào tạo theo nhu cầu của người dân? Bà Mai thì nhận định rằng, quận 2 đến nay vẫn chưa làm tròn trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, giải thích cho người dân về Quỹ 156 và các chương trình dạy nghề, vay vốn...

Bà Mai cho biết, có rất nhiều người dân tại quận 2 đã gọi điện thoại trực tiếp để hỏi hội đồng vì có nhu cầu học nghề và hỗ trợ vay vốn. Trong khi đó quận 2 đã được tập huấn, phát các phiếu điều tra khảo sát để các cán bộ bồi thường khi thương lượng đền bù với người dân thông tin cho dân nhưng vẫn có rất nhiều người dân không hề hay biết.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng