Quy hoạch, quản lý đô thị là vấn đề không mới nhưng lại là vấn đề làm tốn khá nhiều giấy mực. Để có được một đô thị hài hòa, có lợi cho cả người dân và Nhà nước
Quy hoạch, quản lý đô thị là vấn đề không mới nhưng lại là vấn đề làm tốn khá nhiều giấy mực. Để có được một đô thị hài hòa, có lợi cho cả người dân và Nhà nước, ngày 10/11/2009 UBND Q.Tân Phú (TP.HCM) đã ban hành Quyết định số 07/2009/QĐ-UBND quy định về quản lý kiến trúc đô thị trên trục đường Lũy Bán Bích (đoạn từ cầu Tân Hóa đến giao lộ Âu Cơ và Lũy Bán Bích). Đây được coi là bước đột phá về cơ chế quản lý, thủ tục hành chính của Q.Tân Phú. Theo nhiều chuyên gia, quy định này tuy “thoáng” nhưng lại rất “chặt”.
Phối cảnh hành lang thương mại trên tuyến phố Lũy Bán Bích sau khi cải tạo. |
Thuận lòng dân…
Tác giả của dự án “thay Giấy phép xây dựng bằng chứng chỉ xây dựng” cho các hộ xây dựng trên tuyến đường Lũy Bán Bích là bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường, Tổ trưởng tổ công tác quy hoạch Q.Tân Phú. Bà Khuê cho biết: “Trục đường Lũy Bán Bích là một trong những trục đường quan trọng, có chiều dài hơn 4.000m, gồm 7 phường, nối các tỉnh phía Đông và phía Tây của TP.HCM và được quy hoạch là tuyến đường thương mại”.
Bà Khuê giải thích: “Để ra được quyết định này, Phòng đã phải nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến người dân, các cơ quan liên quan, từ đó xem xét, đánh giá... Mọi việc bắt đầu từ năm 2006 và cuối cùng mãi đến 10/11/2009 mới quyết định chính thức nhưng tới nay vẫn chưa có được khái niệm chứng chỉ xây dựng trong các văn bản pháp lý. Tuy nhiên, để quyết định đi vào cuộc sống, chứng chỉ xây dựng mà chúng tôi đưa ra dựa trên thông tin quy hoạch mà Nhà nước đã phê duyệt và chứng chỉ này rất cụ thể và chỉ áp dụng trong công tác xây dựng”.
Với chứng chỉ này người dân sẽ rất thuận lợi trong việc xin phép xây dựng như: Chỉ thực hiện đăng ký tại UBND phường chứ không phải làm thủ tục xin phép xây dựng như trước. Hồ sơ cũng rất đơn giản, chỉ cần nộp bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản vẽ hiện trạng nhà đất, đơn đăng ký xây dựng, dù nhà chưa có chủ quyền cũng có thể làm thẳng thủ tục đăng ký xây dựng với diện tích, ranh đất do chủ nhà cam kết chịu trách nhiệm.
Chỉ sau 7 ngày đăng ký, hộ dân sẽ được cấp “Chứng chỉ xây dựng”. Như vậy, so với thủ tục xin giấy phép xây dựng thì đã rút ngắn được 13 ngày. Đặc biệt, Chứng chỉ xây dựng có giá trị lâu dài, trong khi giấy phép xây dựng chỉ có hiệu lực trong 1 năm. Điều này đã khuyến khích người dân tuân thủ quyết định của cơ quan Nhà nước, vì họ có điều kiện tới đâu thì xây tới đó.
Với nhiều thuận lợi như vậy nên mặc dù quyết định mới có hiệu lực gần 1 tháng nhưng UBND Q.Tân Phú đã nhận được hơn 150 bộ hồ sơ xin cấp Chứng chỉ xây dựng và đã giải quyết được gần 100 bộ.
… Nhưng phải có hành lang pháp lý
“Quả là không dễ bởi đây là bước đột phá thử nghiệm”, những cán bộ trong Tổ công tác quy hoạch quận đều than như vậy. “Mặc dù mọi người đều thấy làm thế là đúng, là đẹp nhưng vẫn cứ băn khoăn về việc đưa quy chế này vào thực tế bởi, phải thuyết phục người dân làm theo thiết kế đã có sẵn là việc rất khó. Mặt khác, “Nhà nước cần phải có hành lang pháp lý sao cho chặt”, bà Khuê nhận định.
Ông Trần Hán Phát ở số nhà 995 đường Lũy Bán Bích, người vừa mới nhận được chứng chỉ xây dựng nói: “Với cách làm thoáng như thế này, người dân được nhiều hơn mất. Nếu nói mất thì chỉ mất duy nhất là sở thích cá nhân, còn mọi thủ tục cơ quan Nhà nước đã làm hết.
Chúng tôi chỉ việc nộp hồ sơ tại UBND phường, không phải trả phí khi xin phép, chi phí cho bản vẽ bởi bản vẽ đã được chính quyền cấp miễn phí. Một nhà phố liên kế với thiết kế đồng bộ sẽ tăng giá trị của từng căn nhà và của cả tuyến phố”.
Với những đột phá của Q.Tân Phú, ông Quách Hồng Tuyển - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết: “Theo quy định, khu vực đã có quy hoạch 1/500 và thiết kế đô thị để làm cơ sở thì sẽ được miễn giấy phép xây dựng. Vì vậy, việc làm của UBND Q.Tân Phú là đúng với quy định của Bộ Xây dựng.
Nhưng đây vẫn chỉ là thí điểm bởi còn nhiều khó khăn, như những nhà chưa có điều kiện xây mới thì phải làm sao? Tuy nhiên, nếu không làm thì mãi mãi tuyến phố chỉ như vậy và không thể trở thành tuyến phố thương mại được”. Ông Tuyển cũng cho biết, Sở Xây dựng TP.HCM rất quan tâm và khuyến khích các quận huyện khác trong thành phố làm theo cách của Q.Tân Phú trong quy hoạch và quản lý đô thị.
Quy định về kiến trúc đô thị tuyến đường Lũy Bán Bích
Theo quy hoạch, lộ giới đường Lũy Bán Bích là 23m (lề đường 4m và lòng đường 15m), chiều rộng hành lang thương mại (chỉ áp dụng cho tầng trệt) là 3,5m tính từ ranh lộ giới hai bên đường về phía các công trình xây dựng. Hình thức bên ngoài và màu sắc kiến trúc đô thị cũng được quy định rõ, như: Mặt ngoài nhà không được phép sử dụng các gam màu nóng, gam màu chói như đỏ, đen, cam, vàng, xanh lá… trên toàn bộ mặt tường, chỉ được phép sử dụng những màu này với tỉ lệ không quá 30% diện tích mặt ngoài… Tầng cao xây dựng tối đa cho các công trình nhà liên kế trên toàn tuyến đường là 8 tầng và sân thượng.
Chiều cao tầng trệt tối đa là 7m so với cao độ vỉa hè và được có một gác lửng, các tầng lầu có chiều cao tối đa là 3,4m/tầng, sân thượng được bố trí mái che cầu thang với chiều cao là 3,4m. Để có được không gian đô thị thông thoáng và mỹ quan thì ban công của các công trình chỉ được ra khỏi ranh lộ giới tối đa 1,4m và không được phép xây dựng thành phòng.
Các hình thức trang trí trên mặt tiền không được vượt quá 50% diện tích bề mặt. Công trình có tầng hầm thì phần nổi của tầng hầm không quá 1,2m so với cao độ vỉa hè hiện hữu và vị trí đường xuống tầng hầm phải cách ranh lộ giới tối thiểu là 3,5m. Ngoài ra, thiết kế còn quy định: hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên các tuyến phố sẽ phải đi ngầm đối với các dự án cải tạo toàn diện và lắp đặt mới. Hệ thống đèn chiếu sáng được bố trí cột đèn tại vị trí giữa hai nhà liền kế và dàn đều suốt tuyến phố.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng