Bùng phát nhà siêu mỏng

Cập nhật 14/05/2010 10:40

Ở nhiều địa phương, trong đó có TP HCM, đường mới mở ra khai sinh hàng loạt căn nhà thuộc dạng “vừa bước qua cửa thì đụng tường hậu” với các hình thù lạ mắt như tam giác, bao diêm đứng… khiến bộ mặt đô thị lệch lạc, nhem nhuốc.

Ở nhiều địa phương, trong đó có TP HCM, đường mới mở ra khai sinh hàng loạt căn nhà thuộc dạng “vừa bước qua cửa thì đụng tường hậu” với các hình thù lạ mắt như tam giác, bao diêm đứng… khiến bộ mặt đô thị lệch lạc, nhem nhuốc.

Đất đầu thừa đuôi thẹo và nhà bị xẻ ngang, xẻ dọc sinh ra trong quá trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng là nền tảng để những ngôi ngà cao tầng mọc lên dù bề ngang chỉ 1-2m. Dễ dàng có thể nhìn thấy nhiều nhà siêu mỏng dọc đại lộ Đông Tây (khu vực cần các cầu Chà Và, Nguyễn Tri Phương), đường vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, đường Hoàng Hoa Thám, Vạn Kiếp, Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh…

Nhà như biển quảng cáo ngoài trời


Tại phường 1, quận Gò Vấp (đoạn đường Nguyên Hồng giao với đường Lê Quang Định), nhiều người đi đường tò mò nhìn ngôi nhà 3 tầng đang hoàn thiện mà bề ngang chỉ khoảng 1m, trông từ xa cứ tưởng tấm biển quảng cáo trên không. Phần ban công ở hai tầng trên được cơi thêm khoảng 1m ra ngoài đường. Cách đó không xa, hai căn nhà 2 tầng dẹp lép với ban công chìa ra đường đã hoàn thành, từ trên cao nhìn xuống, trông như hình tam giác.


Nhà siêu mỏng xuất hiện dọc đại lộ Đông - Tây, quận 5, TP HCM.

Chủ nhân căn nhà siêu mỏng trên đường Lê Quang Định nói: “Trước kia nhà tôi có 3 tầng với 90 m2 đất. Nhưng khi tuyến đường đi qua, nhà chỉ còn lại 15 m2, bán không ai mua, nên xây cao, “ăn gian” không gian phía trên”. Sau khi bị giải tỏa, nhiều nhà khu vực này rơi vào cảnh tương tự. Người dân cứ thế cất nhà lên để ở, hoặc cho thuê...

Tăng cường kiểm soát xây dựng tuyến đại lộ Đông Tây

Sở Xây dựng TP HCM vừa kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo sở, ngành, quận, huyện thực hiện ngay một số giải pháp nhằm quản lý trật tự xây dựng - đô thị dọc tuyến đại lộ Đông Tây. Theo đó, giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc triển khai thiết kế đô thị trên toàn tuyến, cung cấp chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc để làm căn cứ cấp phép xây dựng cho các hộ dân có nhu cầu. Các quận, huyện phải chú ý phần đất có diện tích nhỏ được tạo ra trong quá trình giải tỏa, không để xảy ra tình trạng xây dựng nhà có hình khối không phù hợp…
Theo nhiều người dân, một trong những lý do khiến họ trụ lại, chấp nhận sống cảnh chật chội, tù túng là diện tích đất còn lại quá nhỏ, bán không ai mua. Ngoài ra, họ kỳ vọng tuyến đường mới mở sẽ mang lại cơ hội kinh doanh.

Nhà siêu mỏng thường xuất hiện trên diện tích còn lại của một căn nhà đã bị giải tỏa một phần, ranh giới được xác định tới đâu thì cơ quan giải phóng mặt bằng giải tỏa đến đó, dù ranh giới ấy chạm đến nửa ngôi nhà. Diện tích đất còn lại, tuy rất nhỏ nhưng vẫn thuộc quyền sử dụng của người dân. Theo một cán bộ Ban Thanh tra phường 1, quận Gò Vấp, giải pháp chống sự xuất hiện của nhà siêu mỏng là đền bù luôn phần đất còn lại.

Không quy hoạch, khó quản lý

Bà Đào Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch UBND phường 1, quận Gò Vấp, nói: “Chúng tôi rất băn khoăn trước sự xuất hiện của những ngôi nhà siêu mỏng làm xấu bộ mặt đô thị, ảnh hưởng đến đời sống của người dân vì họ phải sinh hoạt trong ngôi nhà quá chật hẹp. Tuy nhiên, về mặt pháp lý thì những ngôi nhà đó vẫn được tồn tại. Vấn đề nằm ở chỗ, thành phố chưa có quy hoạch tổng thể nên địa phương khó quản lý”.

Theo ông Phan Đức Nhạn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nhà siêu mỏng xuất hiện ở một số tuyến đường là do thành phố chưa có thiết kế đô thị để định hướng cho người dân. Ông cho rằng, tốt nhất là phải có quy hoạch đô thị, hoặc ít nhất khi tuyến phố mới mở, phải ra văn bản hướng dẫn về chiều cao công trình, cốt nền… để UBND quận, huyện có căn cứ giải quyết.

Bà Hồ Thị Kim Loan, Chánh thanh tra xây dựng Sở Xây dựng, cho biết cơ quan này đang tiến hành kiểm tra, lập danh sách những trường hợp cụ thể về tình trạng nhà siêu mỏng không đủ chuẩn ở một số tuyến đường để đề xuất hướng giải quyết.

Theo Quyết định 135 của UBND TP HCM, vị trí mặt tiền, lô đất có diện tích dưới 15 m2, chiều rộng nhỏ hơn 3m thì chỉ được cải tạo theo hiện trạng cũ, không xây mới. Theo Quyết định 45, nếu lô đất có diện tích từ 15 m2 đến dưới 36 m2, chiều rộng mặt tiền và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3m trở lên, được phép sửa chữa theo quy mô số tầng hiện hữu, hoặc xây mới tối đa 2 tầng, chiều cao không quá 13,4 m.


DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt