Bùng phát nhà ổ chuột

Cập nhật 09/07/2015 13:28

UBND TPHCM đã triển khai thực hiện chủ trương di dời nhà ổ chuột nhằm xây dựng đô thị văn minh, hiện đại và tạo cuộc sống ổn định cho người dân từ năm 1993 đến nay. Kết quả đã di dời, tái định cư được gần 35.600 hộ thuộc nhiều tuyến kênh rạch trên địa bàn 12 quận, huyện và TPHCM đã chi hàng chục ngàn tỷ đồng để đền bù, giải tỏa. Tuy nhiên, đến nay số lượng nhà ổ chuột trên địa bàn vẫn còn rất nhiều, bên cạnh một số lượng lớn nhà ổ chuột mới phát sinh khiến chủ trương đẹp của TP đang khó hoàn thành mục tiêu.

UBND TPHCM đã triển khai thực hiện chủ trương di dời nhà ổ chuột nhằm xây dựng đô thị văn minh, hiện đại và tạo cuộc sống ổn định cho người dân từ năm 1993 đến nay. Kết quả đã di dời, tái định cư được gần 35.600 hộ thuộc nhiều tuyến kênh rạch trên địa bàn 12 quận, huyện và TPHCM đã chi hàng chục ngàn tỷ đồng để đền bù, giải tỏa. Tuy nhiên, đến nay số lượng nhà ổ chuột trên địa bàn vẫn còn rất nhiều, bên cạnh một số lượng lớn nhà ổ chuột mới phát sinh khiến chủ trương đẹp của TP đang khó hoàn thành mục tiêu.

Tăng hơn 7.000 căn

So với cách đây 2 năm, quang cảnh 2 con đường Trần Xuân Soạn (quận 7) và Tôn Thất Thuyết (quận 4) có sự thay đổi rõ nhất là các căn nhà ổ chuột ven kênh mọc lên nhiều hơn. Đứng trên cầu kênh Tẻ nhìn xuống, trước mắt là dòng nước dài uốn lượn với màu nước đục ngầu. Xa xa những chiếc thuyền lớn, cũ kỹ đang đậu neo đợi tới giờ vận chuyển hàng hóa.

Thỉnh thoảng lại có vài chiếc xuồng, ghe nhỏ chạy qua, bên trên chở đầy trái cây. Ghé xuống đường Trần Xuân Soạn, cuộc sống của người dân khá đơn sơ. Có lẽ bởi địa thế ven kênh, giao thông khó khăn nên người dân ít mở cơ sở buôn bán lớn, đa phần chỉ một vài quán nước nhỏ, cửa hàng điện thoại di động, sửa chữa xe hay nhà máy phân bón, thu mua ve chai, phế liệu.


Dọc 2 bờ Kênh Tẻ các căn nhà ổ chuột mọc lên nhiều hơn.Ảnh: LONG THANH

Dọc 2 bên đường mọc dày đặc dãy nhà lụp xụp, mái ngói làm bằng những tấm tôn rỉ sét, hoen úa và đổi sang màu đỏ nâu bởi sức quật của nắng, mưa, thời gian. Móng nhà ở đây chỉ là một vài cây cột gỗ đen sì, mốc meo vì ngâm trong nước quá lâu được người dân dựng lên chống đỡ toàn bộ khối lượng ở phía trên. Không chỉ là mái nhà, toàn bộ ngôi nhà đều được bao quanh bởi những tấm tôn, tấm ván xếp chồng chéo lên nhau.

Đó là chưa kể đến lối đi vào nhà một số gia đình chỉ là một vài tấm gỗ mục nát được xếp nối nhau một cách bấp bênh. Phần lớn các ngôi nhà đều có chiều ngang 3m, dài khoảng 15m, trong đó 10m nằm trên mặt nước, 5m còn lại thuộc phần lối đi lát bằng ván tạp lỏng lẻo. Vậy mà cứ thế, người dân sống hết ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác mà không lo gì đến mối nguy hiểm luôn rình rập xung quanh. Những khu nhà này là nơi cư ngụ của những gia đình nghèo khổ, những người buôn thúng bán bưng, xích lô, xe thồ...

Đáng nói hơn, mọi sinh hoạt cá nhân, gia đình đều được trút trực tiếp xuống dòng kênh hứng chịu. Từ đồ ăn uống, giặt dũ, tắm rửa đều được người dân thực hiện phương châm “làm thẳng, đi thẳng” xuống dòng kênh. Và việc vứt rác bừa bãi xuống dòng kênh trở nên quá đỗi bình thường. Hàng ngày có hàng ngàn, hàng chục ngàn gia đình xả rác như thế cho nên thực trạng dòng kênh bốc mùi hôi thối, rác tràn ngập, nổi lềnh bềnh trên khắp mặt nước.


Không chỉ kênh Tẻ, nhiều dòng kênh khác trên địa bàn TPHCM như Tham Lương - Bến Cát, Bàu Trâu… cũng xảy ra thực tế tương tự. Tính đến thời điểm này, chủ trương di dời, cải tạo các căn nhà tạm bợ, ổ chuột của UBND TPHCM đã thực thi hơn 10 năm. Kết quả khả quan nhất có thể nhìn thấy là quang cảnh đẹp đẽ, không gian thoáng đãng, xanh mát 2 bên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hũ.

Điều quan ngại, dù dọc bên đường 2 con kênh này đã thoát khỏi cảnh tù đọng, muỗi mòng nhưng những mái nhà lụp xụp, tối tăm lại ngày càng mọc lên nhiều, thậm chí tăng bất ngờ. Theo thống kê, hiện toàn bộ khu vực trên địa bàn TP còn hơn 17.000 căn nhà lụp xụp và so với thời điểm khảo sát trước đây.

Đặc biệt, số lượng ngôi nhà ổ chuột phát sinh mới 7.000 căn. Nhà ổ chuột tăng lên đồng nghĩa với việc TP phải tốn thêm hàng chục ngàn tỷ đồng để giải tỏa, đền bù. Việc thực thi chủ trương, chính sách giải tỏa, di dời nhà ổ chuột của chính quyền địa phương ở nhiều nơi vẫn chưa đạt kết quả và mục tiêu đề ra.

Chưa đền bù thỏa đáng

Trao đổi với ĐTTC về tình hình này, ông Đỗ Văn Thành, chủ nhà số 13/2A Trần Xuân Soạn, phường Tân Kiểng, quận 7, cho biết thực ra gia đình ông đã định chuyển đi từ trước nhưng do phía quyết định của UBND phường Tân Kiểng thay đổi một cách vô lý nên gia đình bất bình và không chuyển đi.

Cụ thể, theo quyết định đền bù di dời cho gia đình ông được UBND phường ký cách đây hơn 5 năm, phía chính quyền sẽ đền bù hết diện tích gia đình ông có, bao gồm 23m2. Song đến cuối tháng 3 vừa qua, UBND phường lại thay đổi quyết định và chỉ công nhận đền bù cho gia đình ông 7,8m2 với số tiền ít ỏi hơn 20 triệu đồng. Với số tiền này, cả gia đình ông không biết làm sao để mua nhà, thậm chí thuê nhà ở giữa TP đắt đỏ này. Đương nhiên, từ trăm triệu đồng, giờ đây chỉ còn 20 triệu đồng, với thiệt thòi quá lớn như vậy, gia đình ông không đồng ý ký vào quyết định di dời.



Các chất thải hàng ngày của người dân đều được xả trực tiếp xuống dòng kênh. Ảnh: LONG THANH

Đồng tình với ý kiến của ông Đỗ Văn Thành, ông Trần Đình Biểu, sống cách đó mấy căn cũng bức xúc về vấn đề này. “Theo dự án đền bù trước đây, TP không những không giảm mà còn tăng số tiền đền bù cho các hộ dân lên 5,7 triệu đồng/m2. Tuy nhiên giờ lại kêu giảm và lại giảm một cách bất thường. Đáng buồn hơn khi thay đổi quyết định đền bù mới, phía chính quyền địa phương không hề có cuộc họp hay thông báo gì cho toàn bộ các hộ gia đình trong phường biết, chỉ gọi từng hộ lên đề nghị thực thi quyết định. Do vậy, chúng tôi không đồng tình ủng hộ chính sách di dời này” - ông Biểu bức xức.

Ước tính toàn bộ phường Tân Kiểng, quận 7 có hàng trăm hộ dân không chấp thuận với chủ trương đền bù phía UBND phường đưa ra, con số này gấp hàng chục lần số hộ đã chịu thỏa thuận dời đi. Theo những người ở đây cho biết, một số hộ đồng ý di dời cũng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đành đồng ý với số tiền bồi thường ít ỏi để về quê tìm việc từ đầu. Hầu hết hộ dân sống ở vùng ven kênh này đều từ các tỉnh miền Tây, miền Bắc vào làm ăn, buôn bán nhỏ, hay làm công nhân kiếm đồng lương ít ỏi sống qua ngày.

Cách đó không xa là khu vực phường Tân Phong, nhiều gia đình đã di dời, bỏ lại ngôi nhà nhỏ hẹp, nhếch nhác giữa sông nước mênh mang. Theo tìm hiểu, số tiền đền bù cho các gia đình ở đây lại lớn hơn so với tiền đền bù cho các hộ ở phường Tân Kiểng, mặc dù 2 phường này cùng nằm trên cùng một con đường và ngay sát nhau. Điều này cho thấy việc quyết định đền bù giữa các phường vẫn chưa có sự thống nhất và tiến độ khá chậm so với kế hoạch.


Lối vào các khu nhà phải qua chiếc cầu lát ván lỏng lẻo. Ảnh: LONG THANH

Ngoài ra, bên cạnh việc đền bù chưa thỏa đáng, trong số liệu khảo sát lượng nhà ổ chuột trước đây không chính xác. Cụ thể, thống kê đã không bao gồm số lượng nhà ổ chuột của 67 tuyến kênh trên địa bàn, đồng thời chưa cắm mốc hành lang an toàn.

Theo kế hoạch, trong 5 năm tới (2016-2020), TP cần tập trung di dời 11.600 hộ sống dọc các tuyến kênh rạch đang có dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị, nạo vét, thoát nước như: Tham Lương - Bến Cát, Rạch Nhảy - Ruột Ngựa, Bàu Trâu… với tổng số vốn đền bù, giải tỏa khoảng 12.400 tỷ đồng. Riêng trong năm 2015, mục tiêu di dời TP đặt ra 4.400 hộ. Song có thể khẳng định mục tiêu di dời này đang và sẽ trở thành bài toán khó.

Có thể chứng minh nhận định này qua số liệu thống kê: trong khoảng 8 năm (từ 2006-2014) TP chỉ di dời khoảng hơn 10.400 dân. Trong đó, riêng từ năm 2010-2014 chỉ di dời được khoảng 3.000 hộ, như vậy mỗi năm chỉ di dời được khoảng 800 hộ dân. Vậy nhưng mục tiêu đặt ra trong 1 năm tới cao hơn gấp 5 lần con số đã thực hiện được trong 4 năm. Có lẽ thực tế và mục tiêu có mức chênh lệch quá lớn và con số hoàn thành mục tiêu chỉ là phần trăm ít ỏi.

Tuy nhiên, một bài toán khó đến mấy vẫn có lời giải và đáp án. Từ thực tế, việc làm cấp thiết hiện nay là tổ chức giải tỏa nhanh chóng những khu ổ chuột, trả lại mặt bằng để xây dựng những công trình an sinh xã hội như trường học, công viên cây xanh, vườn hoa...

Cơ quan chức năng cần có chính sách xây dựng nhà ở giá rẻ cho thuê nhằm tạo điều kiện cho những người lao động nghèo có nơi ở an toàn với mức chi trả thấp. Thực tế điều này rất khó nhưng không phải không làm được nếu có sự đồng thuận của chính quyền TP. Khi giải tỏa được những khu nhà ổ chuột và xây dựng được những khu nhà ở xã hội cho thuê giá thấp sẽ tạo điều kiện cho người lao động nghèo ổn định chỗ ở, bảo đảm an toàn xã hội và làm đẹp bộ mặt đô thị.

Hiện nay, TPHCM chủ trương ưu tiên phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ. Nhưng thực tế để người nghèo mua được những căn hộ nhà ở xã hội hoặc chung cư giá rẻ rất khó. Với giá bán 15 triệu đồng/m2 tương đương 600-700 triệu đồng mới có cơ hội sở hữu căn nhà riêng, kèm theo vô số các điều kiện và tiêu chuẩn khắt khe đang khiến rất nhiều người nghèo không dám mơ ước có được căn nhà sinh sống.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư