Để xây dựng và phát triển TP. Hà Tĩnh trong giai đoạn mới, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào địa bàn, Thành ủy, UBND TP. Hà Tĩnh đã đặt ra bốn nhiệm vụ trọng tâm.
Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về phương hướng phát triển Thị xã Hà Tĩnh (nay là TP. Hà Tĩnh) đến năm 2010 và những năm tiếp theo, TP. Hà Tĩnh đã đạt được nhiều thành tích quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh... Tính đến hết năm 2009, TP. Hà Tĩnh đã hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra, tạo tiền đề quan trọng cho việc chuẩn bị thực hiện các mục tiêu của giai đoạn 2010 - 2015, xây dựng Thành phố ngày càng phát triển vững chắc theo hướng văn minh, hiện đại, xứng đáng với vai trò và vị trí là đô thị hạt nhân.
Trong thời gian qua, TP. Hà Tĩnh đã chủ động, sáng tạo đề ra nhiều biện pháp cho công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, khai thác mọi nguồn lực nhằm đẩy nhanh sự phát triển của Thành phố. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố liên tục đạt trên 16%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (hiện chiếm 62%), thương mại - dịch vụ (chiếm 30%), giảm tỷ trọng giá trị nông nghiệp (hiện chiếm 8%). Thu nhập bình quân đầu người hiện nay của TP. Hà Tĩnh ước đạt 20 triệu đồng/năm.
Cùng với quy hoạch chung của Thành phố và vùng phụ cận đã được UBND Tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt, TP. Hà Tĩnh đã hoàn thành quy hoạch 6 khu đô thị mới (gồm Khu đô thị Hàm Nghi, Khu đô thị hai bên đường Ngô Quyền, Khu đô thị Nam Cầu Phủ, Khu đô thị hai bên đường Nguyễn Du kéo dài, Khu đô thị hai bên đường Hải Thượng Lãn Ông kéo dài và Khu đô thị đường Bao phía Tây), với tổng diện tích 755 ha; quy hoạch chi tiết phường Văn Yên gắn với mở rộng chợ trung tâm Thành phố; điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu đô thị Bắc Nguyễn Du.
Tính đến nay, đã có 22 dự án có chủ trương đầu tư và bố trí quy hoạch trên địa bàn Thành phố với tổng diện tích đất là 335,43 ha. Trong đó, có 11 dự án dự kiến đầu tư vào xây dựng hạ tầng đô thị...
Một số dự án đầu tư đang được triển khai trên địa bàn Thành phố đã tạo điều kiện thay đổi diện mạo đô thị như Dự án Xây dựng khu nhà ở bám đường Xuân Diệu (với diện tích 2 ha) của Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (Hud I), Dự án Xây dựng đường bao và hạ tầng hai bên đường bao phía Tây do Công ty cổ phần Simco Sông Đà làm chủ đầu tư...
Nhờ các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố thời gian qua, nên diện mạo TP. Hà Tĩnh đã từng bước được cải thiện, tạo sức hút các nhà đầu tư vào địa bàn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Thành phố từng bước được nâng cao.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, các nhà đầu tư còn gặp một số khó khăn nhất thời. Chẳng hạn, chính sách đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh với các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị vẫn chưa có và cũng chưa rõ ràng... Vì vậy, hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị của TP. Hà Tĩnh nhìn chung còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong khi nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn rất hạn chế...
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Ban thường vụ Tỉnh ủy, nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhằm xây dựng và phát triển TP. Hà Tĩnh trong giai đoạn mới, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào địa bàn, Thành ủy, UBND TP. Hà Tĩnh đã đặt ra Bốn nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, thực hiện hoàn chỉnh quy hoạch các khu đô thị mới, các khu chức năng. Các sở, ngành, các chủ đầu tư cần có sự phối hợp tốt với Thành phố để thực hiện các quy hoạch, các dự án đầu tư trên địa bàn. Trong quy hoạch, phải vừa quan tâm tạo sự phát triển về kiến trúc, cảnh quan đô thị, đồng thời bố trí giành quỹ đất có lợi thế về địa điểm kinh doanh để thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. UBND Tỉnh sẽ chỉ đạo các nhà đầu tư thực hiện nghiêm túc theo đúng quy hoạch được duyệt và quan tâm đến kiến trúc đô thị.
Thứ hai, tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng đô thị đồng bộ để tăng giá trị đất đai, khuyến khích huy động được nguồn vốn của mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển đô thị. Ban hành các chính sách, quy định liên quan đến việc sử dụng các công trình hạ tầng đô thị, tạo nguồn vốn để nâng cấp, chỉnh trang và tăng cường quản lý đô thị. Bên cạnh đó, đề nghị UBND Tỉnh không giao đất một lần quá lớn hoặc giao nhiều vị trí cho một nhà đầu tư, mà tiến hành giao đất từng phần theo cam kết của các nhà đầu tư và quy hoạch khu đất của dự án đã được duyệt, tránh tình trạng không đảm bảo tiến độ triển khai dự án sau khi đã giao đất. Đối với các dự án được giao đất trong một năm, nhưng không triển khai, đề nghị UBND Tỉnh kiểm tra và tiến hành thu hồi đất theo Luật Đầu tư để bàn giao lại cho các nhà đầu tư khác có dự án mang tính khả thi cao hơn.
Thứ ba, Thành phố đang được Tỉnh giao thực hiện các dự án tạo nguồn thu từ quỹ đất trả nợ vay Bộ Tài chính (3 vùng quy hoạch hạ tầng bám các tuyến đường Hàm Nghi, đường Nguyễn Du kéo dài và đường Nam Cầu Cày đi cầu Thạch Đồng). Đây là các dự án có giá trị đầu tư lớn, chi phí giải phóng mặt bằng cao. Về cơ bản, UBND Thành phố đã hoàn thành việc lập và phê duyệt dự án. Do đó, để có thể triển khai thực hiện ngay các dự án trên, UBND Thành phố đề nghị Tỉnh ủy, UBND Tỉnh cho tạm ứng nguồn vốn ngân sách để chi trả cho việc giải phóng mặt bằng và cho chủ trương đấu thầu hạn chế để tranh thủ tiềm lực tài chính của các nhà thầu nhằm triển khai kịp thời các dự án.
Thứ tư, đề nghị UBND Tỉnh cần quan tâm nhiều hơn và có cơ chế chính sách giúp TP. Hà Tĩnh ban hành văn bản mới về cơ chế ưu đãi đầu tư và được ưu đãi bố trí, hỗ trợ vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm về xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị; tạo điều kiện thu hút, kêu gọi đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhằm nâng cấp hạ tầng đô thị và phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ nhanh hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư