Bộ Xây dựng và sự kỳ vọng vào “nhạc trưởng” quy hoạch

Cập nhật 24/04/2009 13:15

Sau trận "đại hồng thủy" cuối năm 2008, rất nhiều bất cập trong quy hoạch đô thị Hà Nội được nói tới. Song hiện còn có nhiều ý kiến chưa đồng tình áp dụng thiết chế kiến trúc sư trưởng ở Thủ đô.

Sau trận "đại hồng thủy" cuối năm 2008, rất nhiều bất cập trong quy hoạch đô thị Hà Nội được nói tới. Song hiện còn có nhiều ý kiến chưa đồng tình áp dụng thiết chế kiến trúc sư trưởng ở Thủ đô.

“Về thiết chế kiến trúc sư trưởng thành phố” là tên một bản báo cáo gồm 12 trang, mới được Bộ Xây dựng hoàn thành cách đây bốn ngày (20/4).

Nội dung bản báo cáo này không nằm ngoài mục đích tìm sự đồng thuận của những nhà lập pháp với một nội dung “rất cần thiết” của dự án luật quy hoạch đô thị: thiết lập chế độ kiến trúc sư trưởng thành phố.

Từ kinh nghiệm thế giới

“Câu chuyện” về kiến trúc sư trưởng mà bản báo cáo này kể bắt đầu từ thế kỷ thứ 15. Một người Việt Nam tên là Nguyễn An đã được hoàng đế triều Minh (Trung Hoa) sử dụng như một kiến trúc sư trưởng nổi tiếng trong việc quy hoạch tái thiết Bắc Kinh, xây dựng cung điện, tôn tạo đền đài và trị thủy của triều đình phong kiến thời đó.

Sau này, khi đô thị phát triển và mở rộng thì kiến trúc sư trưởng là chức danh cá nhân đảm nhận nhiệm vụ tham mưu, tư vấn về chuyên môn trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc cho người đứng đầu thành phố.

Khái niệm kiến trúc sư trưởng chính thức xuất hiện vào thời kỳ chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh ở các nước phương Tây, kéo theo sự hình thành của các thành phố và quy hoạch xây dựng đô thị bắt đầu đóng vai trò quan trọng.

Lúc này, kiến trúc sư trưởng được trao quyền hạn rất lớn, đóng vai trò chính trong việc tạo dựng đô thị, đúng như “một nhạc trưởng trong bản nhạc kiến trúc đô thị”.

Mô hình kiến trúc sư trưởng thành phố thời kỳ này là người đứng đầu cơ quan quản lý kiến trúc quy hoạch của thành phố. Đây là mô hình của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu cũ, hiện nay vẫn đang được Liên bang Nga và Singapore áp dụng.

Cùng với hệ thống luật pháp chặt chẽ và hoàn thiện về quản lý xây dựng đô thị, các nước không còn áp dụng mô hình này trên qui mô toàn đô thị.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia như Pháp, Thụy Điển, Phần Lan, Tây Ban Nha… vẫn đang sử dụng mô hình kiến trúc sư trưởng đối với các khu vực đô thị phát triển mới.

Một số nước khác ở châu Á, người đứng đầu hội đồng kiến trúc quy hoạch thành phố cũng có vai trò như một kiến trúc sư trưởng.

Đến mô hình thí điểm tại Việt Nam

Ở Việt Nam, những năm 1992, 1993, mô hình kiến trúc sư trưởng như trên đã được áp dụng thí điểm tại Hà Nội và Tp.HCM

Sau 10 năm hoạt động, mô hình thí điểm này đã chuyển thành sở quy hoạch kiến trúc.

Theo đánh giá ngắn gọn của Bộ Xây dựng thì mô hình này đã có đóng góp lớn cho việc quản lý xây dựng đô thị và cảnh quan môi trường. Thể hiện cụ thể qua nề nếp của công tác quản lý đầu tư xây dựng và phát triển đô thị; xác lập vai trò quan trọng của quy hoạch đô thị; tạo lập trong mỗi người dân đô thi ý thức tuân thủ các quy định về quản lý quy hoạch, kiến trúc và đầu tư xây dựng.

Một kết quả quan trọng là ở hai thành phố lớn nhất đất nước đã xuất hiện một số khu phố mới khang trang, với những công trình kiến trúc có hình khối, bố cục, đường nét kiến trúc hài hòa, đồng bộ, thể hiện hình ảnh sinh động, trật tự trong sự phát triển của đất nước thời kỳ đổi mới.

Phần “một số tồn tại” trong bản báo cáo dài gấp ba lần “một số kết quả” với rất nhiều vấn đề bất cập, hạn chế về tổ chức, bộ máy, quy định pháp lý, cán bộ, nhiệm vụ…

Một trong những nguyên nhân hạn chế hiệu quả của mô hình thí điểm là kiến trúc sư trưởng đã bị công chức hóa, làm cả việc cấp phép xây dựng nên không còn nhiều thời gian nghiên cứu chuyên sâu để thực hiện chức năng chính là tham mưu.

Ý kiến của các nhà lập pháp

Thảo luận từ kỳ họp thứ tư (tháng 11/2008), bên cạnh nhiều ý kiến còn băn khoăn, cân nhắc các phương án khác nhau, có vị đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định chức danh này trong luật vì mô hình thí điểm hoạt động không có hiệu quả, chồng chéo với chức năng của nhiều cơ quan khác.

Vị đại biểu này còn chỉ rõ do thâu tóm nhiều đặc quyền trong công tác làm tư vấn tham mưu về quy hoạch và xây dựng đã dẫn đến tình trạng lợi dụng quyền hạn, một số cán bộ của cơ quan văn phòng kiến trúc sư trưởng Hà Nội đã bị kỷ luật và bị khởi tố hình sự.

Cũng có ý kiến cho rằng không nên quy định có chức danh kiến trúc sư trưởng với lý do cơ chế quản lý đầu tư, xây dựng hiện nay rất khó cho việc thực hiện vai trò của này. Việc tham mưu, giúp ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương vẫn nên giao cho cơ quan chuyên môn (sở xây dựng hoặc sở quy hoạch kiến trúc).

Có đại biểu đề nghị trước mắt nên để Chính phủ thực hiện thí điểm về mô hình Kiến trúc sư trưởng. Một số ý kiến lo ngại kiến trúc sư trưởng là cá nhân thì khó có thể thực hiện chức năng nhiệm vụ quy định tại dự thảo luật.

Ngay cả sau khi nghiên cứu báo cáo nói trên của Bộ Xây dựng, ý kiến của nhiều vị đại biểu quốc hội vẫn chưa đồng thuận, tin tưởng cao vào mô hình này. Nói thì dễ, làm thì khó; có lập nên rồi cũng chỉ ngồi đó thôi... vẫn là những lo ngại được nêu ra.

Và sự kỳ công của cơ quan soạn thảo

Kiến trúc sư trưởng chỉ là 1 trong 78 điều của dự thảo luật quy hoạch đô thị mới được chỉnh sửa để trình Quốc hội.

Nhưng để củng cố thực tiễn cho việc hoàn thiện nôi dung chỉ một điều này, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức hai hội nghị lấy ý kiến của các nhà chuyên môn và các nhà quản lý đô thị tại Hà Nội và Tp.HCM.

Và kết quả lấy ý kiến này được trình bày trọn 4 trang với hàng trăm con số thống kê về thành phần tham gia, các ý kiến phát biểu, nội dung lấy ý kiến với sự đồng ý, không đồng ý của từng nội dung cụ thể.

Đáng chú ý là 2/20 phiếu không đồng ý việc áp dụng thiết chế kiến trúc sư trưởng thành phố là của UBND và Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội. Và có 7/16 ý kiến đồng ý không thành lập văn phòng kiến trúc sư trưởng thành phố tại Hà Nội và Tp.HCM.

Sau khi đã gửi bản báo cáo chi tiết đó, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, một vị thứ trưởng và một vị nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng vẫn tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết của mô hình kiến trúc sư trưởng với vai trò “nhạc trưởng” của “bản nhạc kiến trúc đô thị”.

Bởi với tốc độ đô thị hóa đang gia tăng nhanh chóng như hiện nay, Việt Nam rất cần có kiến trúc sư trưởng - một nhạc trưởng uy tín, có năng lực để đô thị mới hình thành và phát triển quy củ, có bản sắc.

Một lý do được Bộ Xây dựng trình bày nữa là, hiện nay, nhiều khi gặp khó khăn trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến quyết sách xây dựng và phát triển đô thị, người đứng đầu thành phố thường lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn về xây dựng hoặc tham khảo các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Tuy nhiên, những nơi được lấy ý kiến đó không có tiếng nói quyết định đối với việc định hướng phát triển đô thị, vì thế không thể can thiệp kịp thời và trực tiếp đến những dự án và quyết sách lớn của thành phố.

Bởi vậy, Bộ Xây dựng khẳng định thực hiện thiết chế kiến trúc sư trưởng cho đô thị là rất cần thiết, để nâng cao năng lực và tính hiệu quả trong công tác quy hoạch, quản lý không gian, kiến trúc cho chính quyền đô thị.

Qua đó nhằm cải thiện không gian kiến trúc, duy trì bản sắc, bảo đảm vẻ đẹp thống nhất, hài hòa của đô thị trong quá trình phát triển trước mắt và lâu dài.

* Điều 17, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị quy định về kiến trúc sư trưởng như sau:

1. Tại thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh có đô thị có ý nghĩa quốc gia về văn hoá, lịch sử cần bảo tồn, tôn tạo để phát huy giá trị được lập chức danh Kiến trúc sư trưởng nhằm bảo đảm sự thống nhất về không gian, kiến trúc, cảnh quan trong quá trình phát triển và giữ gìn bản sắc của đô thị.

2. Kiến trúc sư trưởng có nhiệm vụ sau đây:

a) Làm Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc quy hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

b) Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc tổ chức xây dựng định hướng quy hoạch, kiến trúc đô thị; tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch đô thị; xây dựng quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quản lý quy hoạch, kiến trúc;

c) Giám sát việc thực hiện quy hoạch đô thị và thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan đến quy hoạch, kiến trúc đô thị được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giao.

3. Kiến trúc sư trưởng có bộ máy giúp việc để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

4. Chính phủ quy định chi tiết về chức năng, nhiệm vụ, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Kiến trúc sư trưởng và bộ máy giúp việc.


DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy