Trò chuyện nhân dịp đầu xuân mới Giáp Ngọ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Năm 2014 tiếp tục là một năm chính sách xây dựng hướng tới người dân với 3 dự luật quan trọng được sửa đổi là Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Cả 3 luật sửa đổi này dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua trong năm 2014. Năm 2014 cũng sẽ là năm tiền của Nhà nước đầu tư các công trình xây dựng sẽ được kiểm soát chặt, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng
|
*
Thưa Bộ trưởng, ông có cho rằng các chính sách về xây dựng sắp được ban hành năm 2014 sẽ cải thiện được cơ bản vấn đề nổi cộm trong đầu tư xây dựng là thất thoát, lãng phí?
- Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng sẽ giải quyết được. Tất nhiên cần có cả sự đồng lòng, quyết tâm của các bộ ngành liên quan. Hiện nay, hiệu quả đầu tư và chất lượng các công trình xây dựng của chúng ta chưa cao, cần phải khắc phục ngay. Tiền của Nhà nước phải được kiểm soát ngay từ những khâu đầu tiên của toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng. Các quan chức, công chức phải đứng ra gánh trách nhiệm đó chứ không thể giao cho chủ đầu tư, dễ dẫn đến thông đồng giữa nhà thầu, nhà tư vấn với nhau gây thất thoát. Có như vậy thì không chỉ kiểm soát được chất lượng công trình, mà còn giúp bịt lỗ hổng gây thất thoát vốn nhà nước.
Trên thực tế, trong khi các luật chưa được ban hành thì Bộ Xây dựng đã kịp thời hoàn thiện các nghị định quan trọng trình Chính phủ ban hành, nhanh chóng đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Điển hình là Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị; Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Nghị định 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội... Những nghị định này đã cụ thể hóa quan điểm để phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, trong đó vừa coi trọng nguyên tắc thị trường để tạo động lực phát triển, đồng thời tăng cường vai trò điều tiết của Chính phủ, hướng tới lợi ích của nhân dân.
Tôi có thể lấy ví dụ, hiệu quả của việc ban hành Nghị định 15 có thể thấy rất rõ, qua “tiền kiểm” từ tháng 4.2013 thực hiện trên 46/63 tỉnh, thành phố đã cắt giảm được 2.305 tỉ đồng trên tổng số vốn dự toán 27.443 tỉ đồng (tương đương 8,4%), của dự toán 3.048 công trình vốn ngân sách nhà nước. Nếu tính mức trung bình 8,4% này thì mỗi năm, trong 250.000 tỉ đồng đầu tư xây dựng từ vốn ngân sách có thể cắt giảm được khoảng 20.000 tỉ đồng.
Như vậy, tôi cho rằng, chỉ cần một chính sách đúng đã tiết kiệm hàng chục nghìn tỉ đồng cho nhà nước, vừa góp phần chống thất thoát, vừa nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng. Khi nghị định được chuyển hóa thành luật nữa thì hiệu quả sẽ còn cao hơn.
*
Về chính sách hỗ trợ để người nghèo có nhà, năm 2013 được đánh giá là năm có nhiều khởi sắc trong lĩnh vực nhà ở xã hội. Năm 2014 chính sách này có được tiếp tục tăng cường không, thưa ông?
- Là một thành viên Chính phủ, tôi luôn mong muốn sẽ tham gia xây dựng thể chế chính sách để Nhà nước hỗ trợ người dân được cải thiện nhà ở. Phát triển NOXH chính là mục tiêu của chiến lược nhà ở. Gỡ khó cho thị trường BĐS mà không gắn với cải thiện nhà ở cho người nghèo, bỏ mặc người dân thì chưa đạt yêu cầu.
Tuy kết quả chưa lớn, nhưng tôi cho rằng NOXH diện tích nhỏ, giá rẻ với sự hỗ trợ của Nhà nước từ gói 30.000 tỉ đồng, hay các hỗ trợ khác về mặt chính sách như cho phép trong 5 năm người mua chỉ chuyển nhượng cho cùng nhóm đối tượng... chắc chắn sẽ giúp bình ổn giá nhà, đem lại nhiều cơ hội có nhà cho người dân. Hiện cả nước có 124 dự án NOXH được triển khai với quy mô xây dựng khoảng 78.700 căn hộ, trong đó 85 dự án dành cho người thu nhập thấp, tương đương 51.895 căn hộ với tổng mức đầu tư khoảng 23.822 tỉ đồng; 39 dự án với 27.000 căn hộ dành cho công nhân KCN có tổng mức đầu tư khoảng 6.850 tỉ đồng. Nguồn cung NOXH sẽ còn tiếp tục tăng khi chuyển đổi nhà ở thương mại sang NOXH theo Nghị định 02 của Chính phủ.
Năm 2014, các vướng mắc để triển khai chính sách NOXH sẽ tiếp tục được tháo gỡ. Tôi xin khẳng định là sau khi giải ngân hết gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng thì vẫn còn nhiều chương trình tín dụng khác cùng các định chế tài chính như quỹ tiết kiệm nhà ở... giúp hỗ trợ nguồn vốn phát triển NOXH, quyết liệt để hỗ trợ người nghèo có nhà.
*
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!